Đất Tổ hùng linh
Hôm nay, trở về đây, bên đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, đền Quốc mẫu Âu Cơ và đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, lăng vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh đã trở thành những nơi quy tụ tâm linh văn hóa cả nước. Khu di tích đền Hùng, một trong 9 địa danh được Chính phủ công nhận xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia cuối năm 2009 sẽ luôn là niềm hồi hướng thiêng liêng của con dân đất Việt. Và giờ đây ngày Quốc giỗ đã có chung một nghi thức tế tổ tiên trên khắp mọi miền đất nước.
Trang phục lễ, nhạc lễ và nghi thức dâng hương theo kịch bản đề án giỗ Tổ của UBND tỉnh Phú Thọ đưa ra đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch duyệt với đoàn rước 100 cờ Tổ quốc, 100 cờ Thần và vòng hoa, đoàn rước lễ vật, bánh chưng, bánh giầy trên kiệu truyền thống sẽ được tái hiện sinh động trong không gian khu di tích đền Hùng lịch sử.
Cuộc thi ý tưởng kiến trúc nghệ thuật tháp Hùng Vương để tưởng niệm các vua Hùng đang lựa chọn những phương án thiết kế sáng tạo tiêu biểu, vừa có nét hiện đại, vừa đậm bản sắc dân tộc, vừa phải mang tầm vóc quốc gia để sớm đi vào giai đoạn thi công.
Tháp Hùng Vương sẽ mang một nội hàm tâm linh sâu sắc, chuyển tải thông điệp của bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đó sẽ là một công trình độc đáo, vừa thể hiện đặc trưng văn hóa của thời đại Hùng Vương và truyền thống văn hóa Việt, vừa là công trình văn hóa nghệ thuật kiến trúc biểu tượng xuyên suốt mọi thời đại, một kỳ quan của dân tộc. Đó sẽ là nơi lưu giữ những báu vật của thời đại Hùng Vương, trưng bày các tác phẩm sáng tạo về thời đại này, nơi giới thiệu những vật phẩm quý hiếm của các vùng miền đất nước, đồng thời cũng sẽ là địa điểm lý tưởng quan sát toàn cảnh khu di tích, để từ đền Hùng nhìn ra cả nước. Rồi cột đá thề mới được phục dựng lại theo như truyền thuyết. Quỹ tu bổ đền Hùng cũng đã được thiết lập theo công văn của UBND tỉnh Phú Thọ để trùng tu, tôn tạo các công trình trong khu di tích đền Hùng. Và mai này Công viên Văn Lang sẽ được mọc lên đầy phiêu sắc trên mảnh đất hùng linh này…
Giữ lấy linh khí thiêng liêng
Linh khí không tự nhiên mà có. Trong cái lý uyên nho của người Á Đông có câu: Ngọn linh sơn không phải bởi cao mà vì có tiên, nguồn nước thiêng không phải bởi sâu mà vì có rồng. Đất Tổ vốn là nơi rồng ở, chốn tiên sa nên dĩ nhiên nơi này khởi phát nguồn thiêng khí. Một thế đất những sức núi vững vươn như rồng lượn hợp phong thủy, một thế nước những dòng sông uốn mình theo dáng tiên đầy sinh khí. Linh khí Hùng Vương khởi nguyên từ đất Tổ, kết tụ từ tinh hoa cha Rồng mẹ Tiên, theo địa mạch mà lan chảy, theo thời gian mà truyền chảy, theo những cánh chim Lạc mà trôi chảy đến các phương trời xa.
Linh khí Hùng Vương vừa trừu tượng vừa cụ thể đến từng chi tiết trong những nét văn hóa vật thể và phi vật thể mà hậu duệ cháu con đã dựng xây và vẫn gìn giữ suốt mấy ngàn năm. Linh khí ấy ẩn hiện trong hoàng thành Thăng Long, trong không gian phố cổ Hội An, trong điệu nhã nhạc cung đình Huế, trong không gian cồng chiêng Tây Nguyên, trong điệu ca trù châu thổ, trong làn quan họ Bắc Ninh, trong những khúc dân ca… Linh khí ấy lưu bảo trong những báu vật quốc gia, trong đường nét hoa văn trống đồng, trong lũy tre xanh, trong khúc phiêu thanh đàn bầu, trong tà áo dài Việt thướt tha...
Khi âm thanh trống đồng vang lên thì linh khí Hùng Vương theo tiếng trống ấy mà tỏa lan ra. Khi chiếc đàn bầu ngân lên thì linh khí Hùng Vương theo tiếng đàn ấy mà bổng trầm thánh thót. Khi tà áo dài bay bay trong gió thì linh khí Hùng Vương bức xạ thành vẻ đẹp tiềm ẩn sau vành nón. Linh khí Hùng Vương kết chảy trong tiềm thức người dân như bản tính, khí chất tre Việt. Khi khí phách yêu nước, lúc nhân ái vì nghĩa cả, khi đoàn kết chống chọi trước sóng gió, lúc độ lượng vị tha trong cuộc sống…
Linh khí Hùng Vương cũng sẽ trầm thăng theo sự biến dịch của đất trời và nhân tâm. Nếu chúng ta không có ý thức chăm dưỡng, linh khí kia sẽ tiêu tán, không được truyền thừa. Cũng như hiền tài là nguyên khí quốc gia, nếu không có một chính sách, chiến lược, triết lý giáo dục đúng, nguyên khí đó sẽ hư hao. Nếu không có truyền thống yêu nước khó có thể nói những điều cao cả về sự hy sinh. Nếu không thiết lập những thiết, định chế văn hóa làm sao có được nền văn hiến ngàn năm giàu tinh hoa và bản sắc. Ngay từ thời đại Văn Lang, linh khí ấy đã được tích bồi bằng những huyền thoại Thánh Gióng, Lang Liêu, Sơn Tinh, Chử Đồng Tử, Mai An Tiêm…
Ngày nay, khi Việt Nam hội nhập thế giới, linh khí Hùng Vương biến thiên ra sao? Một nền kinh tế hóa rồng, một xã hội bình yên an lành, một đời sống thân thiện nhiều vẻ đẹp, một nền văn hóa thăng hoa cất cánh? Một thế hệ Gióng mới lớn lên bên bàn phím, những Chử doanh nhân đang khởi nghiệp thương hiệu Việt. Linh khí Hùng Vương đang hiện dần ra rõ hơn. Còn nhớ, trong cuộc thi Mr. International 2008, thí sinh Việt Nam đã đoạt danh hiệu Nam vương, với phần thi trang phục dân tộc mang tên Hùng ca chim Lạc do anh tự thiết kế, lấy cảm hứng từ nguồn cội. Giao lưu thế giới bằng bản sắc riêng là một con đường đúng. Và cội nguồn của bản sắc ấy là một vẻ đẹp độc đáo.
Nhạc sĩ Lê Quang cũng đã tiếp nhận được linh khí hùng thiêng của dân tộc rồi chuyển hóa thành âm nhạc hay linh khí ấy bấy lâu ẩn giấu trong tâm can người nhạc sĩ để nay bỗng bật ra thành giai điệu nhiều hạo khí: Dòng máu Lạc Hồng. Nhạc sĩ Nguyễn Cường đang soạn một tác phẩm khí nhạc để giao hưởng với trống đồng trong niềm rộn rã ngày hội xuân. Sự sáng tạo đương đại và bản sắc này có lẽ cũng là một sự tiếp biến những âm hưởng hùng linh từ đất Tổ, từ 18 đời vua Hùng.
Tôi cũng muốn nói đến một ca khúc trong chương trình bài hát Việt được thừa hưởng linh khí ấy: Lời ru Âu Lạc (nhạc sĩ Nguyễn Minh Sơn) dẫu chưa thật xuất sắc song vẫn là ngọn gió mát lành thổi tới từ thẳm xưa. Trong niềm thành kính tiên tổ, nhạc sĩ Trọng Đài đã phổ thơ Lê Bảo Âu Long để có được Khúc hát Tiên Rồng đầy hùng uyên: “Một chàng trai mắt rồng dáng hổ/ Một thiếu nữ duyên dáng bông mai”. Ca sĩ Mai Hoa, nghệ sĩ múa Linh Nga cùng vũ đoàn và dàn nhạc trình bày khúc uyên ca ấy trong đêm khai mạc Festival Huế 2008 tại Quảng trường Ngọ Môn thật lộng lẫy. “Người con trai ngâm thơ Đường kiếm sắc/ Người con gái dệt lụa hát lời ca/ Nhịp đàn bầu rung lên cung duyên thắm”.
Hãy đọc những câu thơ này để thấy một người trẻ đã giữ lấy linh khí Hùng Vương như thế nào: “Uyên triết phương Đông khuyên vòng tròn Vô cực/ Hừng đông nhú một mặt trời rạng ngời triền sóng biển Đông/ Những dòng sông theo dáng Tiên chảy miệt mài đời nước/ Những ngọn núi vươn sức Rồng thành bất tận điệp xanh/ Phiêu mặc trăng thanh chim Việt bay miên viễn”.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý khisoi mình ở đền Giếng: “Tôi soi vào cội nguồn trong/ Thấy Tiên là mẹ, thấy Rồng là cha/ Thấy mình là nụ là hoa/ Hương thơm từ thuở xưa xa thơm về/ Thạp đồng rung nhịp đam mê/ Nghìn năm kẽo kẹt… sinh quê đẻ làng/ Rộng dài một dải giang san/ Linh thiêng trời đất đa mang khởi đầu!”. Với linh khí hạo nhiên, Nguyễn Hữu Quý đã đưa ta về với cội nguồn dân tộc mình, nhắn nhủ ta hãy biết trân trọng giữ gìn những tinh hoa, bản sắc dân tộc, cho chúng ta thêm ngàn lần yêu quê hương đất nước. Khi soi gương giếng Ngọc, chúng ta soi vào đó cả ngàn năm và đương đại, để thấy tâm hồn Việt “Xanh tươi một dải nước non/ Thảo thơm muôn thuở vẫn còn thảo thơm”.
Để thấy lòng hiếu thảo với tổ tiên đâu cứ phải mâm cao cỗ đầy, càng không phải là những kỷ lục. Chiếc bánh chưng Guinness kia cứ bị logo đồ uống của nhà tài trợ bao phủ, chiếc bánh dày Guinness kia cứ bị nhồi nhân bọt biển thạch cao, thì thử hỏi các vua Hùng có vui được không? Phải từ chính lòng thành của mỗi người dân nước Việt. Hãy trở về đất Tổ, thành tâm dâng nén hương thơm và phiêu uống nước giếng Ngọc, để hấp thu linh khí Hùng Vương. Dù chỉ một lần!