Nghi lễ Paritta của Phật giáo Sri Lanka Phong tục cổ xưa

NSGN - Paritta, được gọi là pirit trong tiếng Sinhala, là một nghi lễ Phật giáo rất phổ biến ở Sri Lanka. Từ Pāli Paritta bắt nguồn từ tiếng Sankrit Pari + tra mà nó có nghĩa là sự bảo vệ; do đó paritta có thể diễn tả đúng nhất là một nghi lễ phòng hộ, được thực hiện với mục đích xua đuổi cái xấu và đón nhận điều may mắn, tốt lành.

parrita1.jpg

Một buổi lễ Parrita tại Sri Lanka

Đặc điểm không thể thiếu của nghi lễ này là việc tụng đọc những bản kinh cụ thể từ kinh tạng Pāli, mà chúng được tập hợp lại thành một tuyển tập được gọi là Catubhānavarapāli hay Piruvānapotvahanse. Hợp tuyển này bao gồm 29 bản kinh, được gọi là những paritta; nhưng những kinh quan trọng nhất được gọi là đại paritta (mahāpirit). Chúng bao gồm kinh Ratana, liên quan đến việc cầu phước nhờ vào sức mạnh của sự thật (sacca), của phẩm đức vẹn toàn của Phật, Pháp và Tăng; kinh Metta, chủ trương sự tu tập từ bi (metta) đối với tất cả chúng sanh; và kinh Mahāmangala, mô tả về những nguyên tắc đạo đức xã hội. Chủ đề thực sự cốt lõi của các kinh paritta bao gồm sự thật (sacca) và từ bi (mettā). Sự thật khi được nói ra với tâm chân thành và niềm tin vững chắc được xem là có sức mạnh thần diệu lớn lao. Tương tự, lòng từ bi khi được tu tập đối với tất cả chúng sanh là một lớp vỏ bảo vệ chống lại tất cả những loài gây hại. Đây là hai chủ đề mà nó hình thành nên sự hiệu lực của nghi lễ Paritta.

Lý do và đối tượng thực hiện

Paritta có thể được thực hiện vào tất cả những dịp quan trọng. Những dịp đó có thể mang tính chất thiêng liêng hay trần tục, thuộc xã hội hay tôn giáo. Những vấn đề như sinh nở, kết hôn, bệnh tật và chết, tất cả có thể được cầu nguyện với paritta. Paritta được tụng cho một phụ nữ mang thai để bảo đảm việc sinh nở được an toàn, mẹ tròn con vuông. Kinh Angulimala là một bản kinh đặc biệt được tụng vào dịp này, và nó không bao giờ được tụng cho bất kỳ sự việc nào khác. Ngay trước một đám cưới, paritta được tụng để chúc phúc cho đôi vợ chồng đảm đương những trách nhiệm mới. Trong những trường hợp bệnh nặng, paritta được thực hiện với hy vọng loại trừ tất cả những ảnh hưởng xấu. Niềm tin là rằng việc điều trị y khoa sẽ có đầy đủ tác dụng của nó mỗi khi những chướng ngại này được loại trừ. Khi một người sắp chết, thông thường chư Tăng sẽ được mời đến để tụng paritta nhằm mục đích hướng suy nghĩ của người ấy đến những điều thiện, vì người ta tin rằng ý nghĩ sau cùng của một người sắp chết ảnh hưởng đến sự tái sanh kế tiếp của người ấy. Những sự việc và những thành công có ý nghĩa ở trong đời sống của một người chẳng hạn như việc xây dựng một căn nhà mới, thực hiện một chuyến xuất ngoại, đảm đương bổn phận ở một nhiệm vụ mới lần đầu tiên, hay những thành công nổi bật, thường nghi lễ này cũng được sử dụng. Những lễ hội tôn giáo thường được tổ chức với những nghi lễ paritta suốt đêm. Những sự kiện xã hội quốc gia chẳng hạn như ngày năm mới và những nhiệm vụ chung quan trọng khác chẳng hạn như mở trường học hay bệnh viện mới cũng là những dịp mà việc tụng paritta được thực hiện.

Như vậy, paritta được thực hiện vào những dịp khác nhau với những mục đích khác nhau. Nó đóng một vai trò quan trọng trong tất cả những thực hành tôn giáo và trong những sinh hoạt thế tục ở nơi đời sống của một người Phật tử Sinhala. Nó giúp tạo nên một lợi ích chung bằng việc tránh tất cả những loại nguy hiểm và sợ hãi. Nó đưa đến mọi điều tốt lành. Nó nỗ lực thay thế sự huyền bí, chiêm tinh và sự tin tưởng vào những vị thần Ấn giáo, mặc dầu, tất nhiên, nó không thành công hoàn toàn trong việc loại bỏ hết thảy những tín ngưỡng này của Ấn giáo.

Tính chất lịch sử

Sự khởi đầu của paritta có thể tìm thấy nơi kinh Khanda thuộc Tăng chi bộ (Anguttara Nikaya), và kinh Angulimala thuộc Trung bộ (Majjihima Nikaya). Theo kinh Khanda, một vị Tăng chết do bị rắn cắn, và Đức Phật khuyên bảo những đệ tử của mình hãy tu tập từ bi (metta) đối với tất cả loài rắn như là một biện pháp phòng hộ sự nguy hiểm ấy. Theo kinh Angulimala, Tôn giả Angulimala, theo lời khuyên của Đức Phật, qua việc khẳng định sự thật (saccakiriya), đã giúp một phụ nữ chịu đau đớn trong bảy ngày do khó sinh nở được sinh nở dễ dàng. Hai bản kinh này thuộc kinh tạng Pāli, và thuộc vào thời Đức Phật.

Malindapanha, thuộc về thế kỷ I trước TL, đề cập đến sáu bản kinh, đó là Ratana, Khandhaparitta, Mohaparitta, Dhajaggaparitta, Antanatiyaparrita và Angulimalaparitta, như là những paritta được Đức Phật tán thành. Thêm nữa, có chứng cứ ở trong tác phẩm này để tin rằng paritta được thừa nhận như là một nghi lễ chữa bệnh. Những câu hỏi được đặt ra là paritta có thể ngăn chặn cái chết không, paritta có tác dụng như thế nào, và khi nào nó có tác dụng khi nào không. Trong Vinayavinicchaya, một tác phẩm về giới luật có niên đại khoảng thế kỷ IV TL, có đề cập rõ đến paritta nước và paritta dây chỉ. Bản văn nói rằng paritta chỉ nên thấm paritta nước trước khi trao cho tín đồ tại gia.

Những luận giải Pāli thuộc thế kỷ V TL làm sáng tỏ rằng paritta đã được thiết lập như một nghi lễ chữa bệnh. Paramatthajotika, luận giải về Kuddhakapatha, mô tả sự việc Tôn giả Ananda đã tụng kinh Ratana dọc theo những đường phố Vesali, rảy nước từ bình bát của Phật, để cứu kinh thành khỏi ba tai họa là đói, bệnh dịch, và sự tác động của ma quỷ. Sau khi Tôn giả Ananda thực hiện xong việc này, ma quỷ đã biến mất và bệnh bịch được tiêu trừ.

Bản kinh này liên quan đến hầu như tất cả những nghi lễ paritta ngày nay. Dhammapadatthakatha có đoạn kể về đứa trẻ Bà-la-môn tên là Dighayu. Đứa trẻ này được tiên đoán rằng nó chỉ có thể sống thêm được bảy ngày bởi vì một ác quỷ sẽ ăn thịt cậu ta trong bảy ngày tới. Để ngăn chặn nguy nạn, Đức Phật khuyên cha đứa trẻ dựng một cái rạp (mandapa) và sắp 8 hoặc 16 chỗ ngồi bên trong và đặt đứa trẻ lên một chỗ ngồi nhỏ ở giữa. Chư Tăng ngồi trên những chỗ ngồi được sắp xếp và tụng đọc paritta liên tục trong vòng bảy ngày đêm. Vào ngày thứ bảy Đức Phật cũng tham gia vào việc tụng đọc. Ác quỷ vì không tìm thấy cơ hội để bắt đứa trẻ nên bèn bỏ đi. Đứa trẻ nhờ đó được cứu thoát và sống trường thọ. Ở bản kinh này, việc dựng rạp và tụng paritta bảy ngày rõ ràng là những đặc điểm nghi lễ được phát triển thêm, điều không được tìm thấy nơi kinh Ratana. Nơi Sumangalavilasini, luận giải về Trường bộ kinh (Dighanikaya), cho thấy có việc phát triển thêm nghi lễ này với việc đề cập đến những lễ phẩm được sử dụng trong buổi lễ, cũng như những điều cấm kỵ cần tránh khi thực hiện paritta.

Như vậy, hoàn toàn rõ ràng rằng hầu như tất cả những đặc điểm quan trọng có mặt ở nơi nghi lễ paritta của ngày hôm nay đã phát triển vào thế kỷ V TL. Có đủ chứng cứ ở trong những sách sử Sri Lanka để nói rằng paritta được những vị vua Sri Lanka thực hành như một nghi lễ. Vua Upatissa I đã cho thực hiện nghi lễ paritta khi vương quốc bị nạn đói và dịch bệnh hoành hành vào thế kỷ IV TL. Đây là trường hợp được tường thuật đầu tiên về một nghi lễ paritta do một vị vua của Sri Lanka thực hiện. Vào thế kỷ VII, Aggabodhi IV đã cho tụng đọc paritta nhiều lần. Vào thế kỷ IX, Sena II cho viết kinh Ratana lên một chiếc đĩa vàng, và giúp thần dân phòng hộ dịch bệnh bằng việc cho đọc tụng paritta. Vào thế kỷ XII, Parakramabahu I cho xây một ngôi nhà được gọi là Pancasattatimandira để thực hiện những nghi lễ paritta.

Những văn bia của Sri Lanka cũng đề cập paritta nhiều lần. Một văn bia nói rằng Nissankalatamandapa (sảnh đường cổ ở Sri Lanka) do Nissankamalla xây dựng được sử dụng cho việc tụng đọc paritta. Điều đáng chú ý là tại sảnh đường này có một ngôi tháp (stupa) nhỏ được đặt ở giữa trung tâm, và có thể chứng minh rằng đây là đối tượng thờ phụng đầu tiên trong những nghi lễ paritta.

Những đề cập lịch sử này rất có giá trị vì chúng cho thấy sự ảnh hưởng của paritta đối với các vị vua và dân chúng Sri Lanka thời xưa. Nghi lễ Paritta đã tồn tại bền bỉ qua thời gian bất chấp đảo quốc chịu sự đô hộ của thực dân gần 5 thế kỷ. Nó trở thành một phần quan trọng trong đời sống tôn giáo của người tu sĩ và Phật tử tại gia ngay cả ngày hôm nay, và không cường điệu để nói rằng paritta vẫn còn là nghi lễ đặc biệt của Phật giáo ở Sri Lanka trong nhiều thế kỷ tới.

Lily De Silva

Huy An dịch

_____________________

Nguồn: David J. Kalupahana, ed., Buddhist thought & ritual, Motilal Banarsidass, Delhi 2001.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.