Nghĩ đúng, làm sai?

Giác Ngộ - Từ ý nghĩ tôn vinh Đức Phật, Đạo Phật rồi lấy tôn danh Đức Phật đặt cho các cơ sở kinh doanh kiểu như Buddha Bar and Grill, Buddha Spa…, tại sao lại có thể như vậy? 

>> Đọc thêm bài liên quan

wwwTe11 (1).JPG

Từ Buddha Bar & Grill

Câu chuyện từ bạn đọc

Trong tuần qua, dư luận Tăng Ni, Phật tử đặc biệt quan tâm đến sự việc một số cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng đã sử dụng tôn danh Đức Phật Phạn ngữ (Buddha) để đặt “thương hiệu” và có cách trang trí ảnh tượng Đức Phật, chư vị Bồ tát ở những nơi không phù hợp, thiếu sự tôn kính. Sự việc này đã làm tổn thương đức tin của người Phật tử, do vậy rất nhiều độc giả là Tăng Ni, Phật tử trong cũng như ngoài nước đã gởi thư về tòa soạn bày tỏ nhiều ý kiến thể hiện sự bức xúc với chủ các cơ sở trên.

Cũng như trước đây, rất nhiều trong các thông tin có ý xúc phạm Phật giáo đăng trên một số trang tin quảng cáo của các doanh nghiệp, trên một vài trang báo điện tử… cũng như những thông tin gần đây, phần nhiều do bạn đọc cung cấp bằng cách chuyển thư điện tử, điện thoại, viết thư tay, nhắn tin vào số điện thoại của phóng viên… Với Giác Ngộ, tòa soạn cũng đã cử phóng viên tìm hiểu thực tế và đã có những phản ánh trung thực qua báo in phát hành hàng tuần, đồng thời cập nhật hình ảnh sinh động trên Giác Ngộ online cũng như chuyển các nội dung đề nghị dưới dạng văn bản đến các nơi chủ quản, người quản lý có trách nhiệm và sự liên hệ.

Trong lúc này, cũng tại Hà Nội (phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm) có một quán bar dùng tôn danh Đức Phật (Buddha) để đặt tên (Funky Buddha - Phật vui vẻ), hình tượng Đức Phật bị sử dụng như những mẫu trang trí, sắp đặt khắp nơi, trên bàn, góc nhà, giữa những chai rượu mạnh… gây bức xúc cho nhiều người có tín ngưỡng Phật giáo (ảnh). 

a7_778074721.jpg

Không biết cơ quan hữu quan của Nhà nước nghĩ gì khi cấp giấy phép kinh doanh cho loại hình này giữa lòng thủ đô Hà Nội - Thăng Long xưa khi chúng ta tự hào vừa tổ chức Đại lễ mừng 1.000 năm văn hiến, cố gắng phục hưng các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó Phật giáo là một trong những thành tố cơ bản và quan trọng? (Nguyễn Tâm)

Trong hoàn cảnh hiện nay, bạn đọc và cộng tác viên chính là con mắt tinh tường của Giác Ngộ, đã giúp tòa soạn rất nhiều trong việc nhìn ra những điều hay, tích cực, những hoạt động sáng tạo, gương sống tốt, hoàn cảnh cần giúp đỡ cũng như những hiện tượng tiêu cực, sự việc cần quan tâm để điều chỉnh, những góc khuất của một vài sự việc, con người có giá trị tham khảo để có được sự phản ánh thông tin một cách nhanh và chính xác nhất… Chẳng hạn đối với những sự việc trên, nếu không có sự phản ánh của bạn đọc, Giác Ngộ sẽ chưa thể làm tròn vai trò truyền thông Phật giáo - tiếng nói của Tăng Ni, Phật tử trong đời sống xã hội hiện nay.

Câu chuyện của những người chủ

Như đã thông tin, bà Duy Thư - người chủ của cơ sở kinh doanh nhà hàng - giải trí Buddha Bar and Grill (An Phú, quận 2, TP.HCM) đã đến tòa soạn để giãi bày ý kiến mà bà cho rằng là “không khách quan, không công bằng” như một số trang mạng (ngoài Giác Ngộ) đưa tin về cơ sở kinh doanh trên. Bà cho biết rằng không hề có ý “phỉ báng, bôi nhọ Phật giáo” mà chỉ muốn tôn vinh hình tượng Đức Phật - đối với người yêu nghệ thuật như bà thì đó là biểu tượng cho cái Đẹp.

Tên gọi này không phải là sáng kiến của bà mà được lấy lại từ một cơ sở tận bên Pháp, nơi theo bà nói là bà và nhóm bạn của mình có ấn tượng sâu sắc, lại dễ gọi, dễ nhớ, đồng thời gợi lại góc hoài niệm cho những khách chủ yếu là người nước ngoài ở TP.HCM. Trong cuộc nói chuyện và qua một thư điện tử (gởi đến quý thầy đã có “Tâm thư” gởi đến bà – NV), bà Thư cũng tự giới thiệu gia đình mình đều là Phật tử và đã nói lời xin lỗi cũng như có sự điều chỉnh bằng cách thay tên quán, mang những ảnh tượng Đức Phật về nhà.

077massage1.jpg

Đến Buddha Spa, đều là do nghĩ đúng, làm sai?

Bà Nguyễn Phương Hiền, chủ cơ sở dịch vụ Buddha Spa tại Hà Nội cũng đã giải thích về việc làm của mình (đặt tên cơ sở dịch vụ Spa) như vậy là xuất phát từ động cơ chủ quan là tốt đẹp.

Cũng trong thư gởi đến một vị thầy đã có “Tâm thư” gởi đến bà, bà Phương Hiền đã viết: “Là một người luôn hướng về Phật, và chắc chắn không bao giờ chúng con có ý xúc phạm, báng bổ Đức Phật. Ý nguyện của chúng con khi mở cửa hàng và chọn tên “Buddha” với mong muốn được Đức Phật che chở, chỉ cho chúng con đi con đường đúng đắn, để chúng con có thể tìm thấy sự thanh tịnh, chốn bình an.

Những gì chúng con đang làm là hướng đến cái đẹp, đẹp về diện mạo cũng như sự thư thái của tâm hồn…”. Bà Phương Hiền cho biết bà không bao giờ có ý xuyên tạc, bôi nhọ hay dung tục hóa Đức Phật, mà chỉ theo “quan điểm và cách nhìn của người thế gian” trong kinh doanh là đề cao Đức Phật qua việc dùng tôn danh đó đặt tên cho doanh nghiệp của mình.

Cả hai chủ cơ sở trên đã nhận thức được vấn đề, đã có lời giãi bày và đã có những điều chỉnh tích cực. Thái độ và hành động của bà Duy Thư cũng như Phương Hiền đã được dư luận cảm thông và đồng tình.

Và câu chuyện nhận thức văn hóa, trách nhiệm hướng dẫn

Nghị định 43/2010 về đăng ký doanh nghiệp (DN) có hướng dẫn cụ thể về đặt tên DN. Trong đó, Điều 14 về tên DN (DN tư nhân, công ty TNHH, công ty hợp danh, công ty cổ phần) có quy định “không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân để đặt tên riêng cho DN”. Việc đăng ký DN thực hiện ở Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành.

Tương tự, về đặt tên của hộ kinh doanh quy định ở Điều 56 thì “không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh”. Đăng ký hộ kinh doanh thực hiện ở cấp quận, huyện. Tuy nhiên, cả hai quy định trên đều không nhắc đến tôn giáo.

Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh cho biết tuy quy định không có từ “tôn giáo” nhưng việc tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo, tôn trọng Phật cũng được xem là thuần phong mỹ tục của dân tộc ta từ xưa đến nay. Vì vậy mà đặt tên Phật ở một quán ăn, quán rượu có thể bị xem là không hợp thuần phong mỹ tục, vi phạm điều cấm nói trên. (Báo Pháp Luật TP.HCM)

Từ thực tế câu chuyện của hai người chủ các cơ sở kinh doanh bị dư luận phản ứng trên, từ một “suy nghĩ tốt” chủ quan, trong ý tưởng “tôn vinh” hình ảnh Đức Phật - biểu tượng cho “sự thanh thoát”, “cái đẹp”, “sự hoàn thiện về thể xác và tâm hồn”…, suy nghĩ đó không sai, nhưng thật không phù hợp khi thể hiện những ý tưởng ấy qua hình thức kinh doanh kiểu như Buddha Bar and Grill hay Buddha Spa…

Lý do đầu tiên bởi lẽ như những gì Ngài dạy trong kinh điển, Đức Phật không bao giờ cấm đoán đệ tử tại gia của Ngài không được buôn bán, không được làm kinh doanh để mưu sinh và làm giàu cho mình, cho xã hội. 

Ngược lại, Ngài khuyến khích mọi cư sĩ hãy chọn cho mình một ngành nghề đúng, chánh mạng, không buôn bán các loại thịt, rượu, các chất gây nghiện làm mê mờ tâm trí, vũ khí… Vậy không cớ gì dùng tôn danh Đức Phật để đặt cho một cơ sở kinh doanh nhà hàng có bán rượu, bia và thịt nướng? 

Đức Phật khuyên sống đơn giản, “biết vừa đủ”, khuyến cáo sự an lạc, thảnh thơi thực sự xuất phát từ tâm thanh tịnh, ấy vậy mà tôn danh của Ngài lại được đặt tên cho một cơ sở dịch vụ spa (thư giãn bằng liệu pháp mát-xa, làm đẹp…)!

Thứ nữa, trong văn hóa Việt Nam nói riêng và Á Đông nói chung, Đức Phật là bậc tối cao mà người Phật tử kính ngưỡng, lễ lạy và cầu nguyện. Những ai có tín ngưỡng đạo Phật và ý thức văn hóa truyền thống, chắc chắn sẽ khó chấp nhận những hiện tượng như đã nêu. 

Nói một cách công bằng, cách đặt tên gọi như vậy không phải là mới, vẫn có ở một số nước mà ở đó có nền văn hóa, tín ngưỡng chủ yếu khác xa với chúng ta. Chỉ cần qua bất kỳ công cụ tìm kiếm internet nào, cũng dễ dàng thấy điều đó. Nhưng ở Việt Nam , đó là điều quá xa lạ và gây sốc, bức xúc đối với nhiều người là điều dễ hiểu.

Cả hai người chủ những cơ sở trên đều tự nhận là Phật tử, gia đình có truyền thống thờ Phật. Có thể họ đã quá dễ dàng bị ảnh hưởng, tác động bởi trào lưu văn hóa khác, trong khi văn hóa dân tộc chưa bám rễ vào tâm hồn họ. 

Đó không phải là trường hợp cá biệt, mà là hiện tượng phổ biến của xã hội chúng ta hiện nay. Điều hết sức đáng quan ngại. Bởi văn hóa là chiếc thẻ căn cước, là chứng minh nhân dân, là tấm hộ chiếu của mình. Mất văn hóa, coi như trở nên bơ vơ, trở thành những người nước ngoài trên đất Tổ của mình, là đứa con rơi trong ngôi nhà của chính mình!

Người Phật tử chưa nhận thức đúng về những điều căn bản trong tín ngưỡng, niềm tin của mình, vấn đề đó, xét cho cùng cũng có phần của các cơ sở Phật giáo, của những ngôi chùa và tất nhiên, của cả Giáo hội. 

Những đòi hỏi chính đáng...

Hai tuần qua, sau vụ Buddha Bar & Grill (TP.HCM), Buddha Spa (Hà Nội) thì một Funky Buddha (quán bar) với những hình ảnh bát nháo, thiếu tôn nghiêm, lạm dụng hình ảnh Phật trong việc bày biện là duyên cớ để bạn đọc, Phật tử phản ứng và có đòi hỏi chính đáng: tuyệt đối không được cấp phép cho các cơ sở kinh doanh nhạy cảm sử dụng tên riêng, hình ảnh Đức Phật. Dưới đây là những phản hồi, phản ứng và đòi hỏi của bạn đọc…

  • Chưa kịp vui vì tin chủ quán Buddha Spa ở Hà Nội và Buddha Bar & Grill ở TP.HCM thực hiện gỡ bỏ các bảng hiệu và đưa các tượng Phật về nơi tôn nghiêm thì lại biết rằng ở Hà Nội còn có quán cũng lấy tên “Buddha Funky” với nhiều tượng Phật được dùng trang trí rất phản cảm tại một nơi kiểu “hộp đêm”... Và không chỉ có thế, rải rác đây đó ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu... chắc còn có những cơ sở kinh doanh khác cũng sử dụng hình ảnh, tên, tượng của Đức Phật... Thiết nghĩ, Giáo hội nên đề xuất Nhà nước phải chính thức ghi thành luật về việc cấm sử dụng biểu tượng, hình ảnh, tên các bậc Thánh, các vị anh hùng dân tộc vào việc quảng cáo, đặt tên cho cơ sở kinh doanh… (robothaycuoi…@yahoo.com)
  • Ở  Indonesia, khi người dân phát hiện một quán “Buddha Bar” thì họ đã biểu tình phản đối và đích thân ông Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Jakarta đã phát biểu rằng: “Tôi sẽ đề xuất với ngài Thủ hiến Jakarta rút lại giấy phép kinh doanh quán bar này vì rõ ràng nó đã sử dụng những biểu tượng của Phật giáo”. Ông Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Jakarta cũng cho biết thêm ông sẽ đưa vấn đề này ra trước cuộc họp Hội đồng Lập pháp thành phố. Đấy là ở Indonesia - một đất nước có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, thế mà ở ta một đất nước mà đa số người dân theo đạo Phật và Phật giáo đã đồng hành với dân tộc mấy ngàn năm nay mà để xảy ra những sự việc như trên thì thật đáng buồn!
  • Ai cũng biết rằng biểu tượng, hình ảnh, danh xưng của Phật là rất thiêng liêng được cả thế giới tôn kính, được cả Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận là biểu tượng của hòa bình. Một biểu tượng như thế cần phải và chỉ có thể được đặt ở những nơi tôn nghiêm, vị trí trang trọng mà không thể đem ra làm logo quảng cáo và nhất là ở nơi thiếu tôn nghiêm như nơi ăn chơi, giải trí nhạy cảm… (Một bạn đọc)
  • Nhân - Quả là một định luật bao trùm cả thời gian - không gian, con người cũng như vạn vật. Nếu đã làm người ai cũng yêu thương bản thân, nhưng chỉ biết yêu thương cá nhân mình mà chà đạp cuộc sống người khác thì có chân chính không? Huống gì, đó là một tôn giáo một tâm linh cao quý của mọi người, vậy, nên xem xét hành vi và tư cách của mình về cách đặt tên và dùng hình ảnh Phật bày biện thiếu tôn nghiêm nơi cơ sở kinh doanh của mình! (Thich Thien Trung)
  • Hình tượng cao quý của Đức Phật xưa nay đều được mọi người đặt nơi tôn nghiêm trang trọng nhất. Hành động trang trí quán bar kiểu này đã xúc phạm hình tượng một bậc giác ngộ, tổn phước lắm rồi. (Nguyen Minh Chuyên)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.