Nghề nghiệp chân chánh

Giác Ngộ - Một số người hiểu lầm nghề nghiệp chân chánh là chánh kiến trong Bát chánh đạo. Trong Bát chánh đạo có chánh nghiệp, chứ không có nghề nghiệp; vì đối với các vị Thánh La hán, không đặt vấn đề nghề nghiệp.

Thật vậy, đã xuất gia, Phật quy định Sa môn không được giữ tiền bạc, của báu, không được làm nông nghiệp, không được buôn bán và cũng không được tham gia vào chính sự.

Như vậy, Đức Phật đã đặt hàng Thánh La hán nằm ngoài cuộc đời, gọi là “Cái thân ngoại vật”, tức người tu xuất thế, từ cuộc đời lần ra khỏi cuộc đời. Tổ Quy Sơn diễn tả ý này là “Tâm hình dị tục”, tức tâm và hình tướng của người tu khác với người thế gian. Tuy nhiên, nếu chấp chặt như vậy dễ rơi vô cuộc sống thụ động. Vì vậy, trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy các vị Thánh La hán phải phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo, mới thật là A la hán. Còn tự coi mình là A la hán là rớt vô hàng tăng thượng mạn.

doan_khat_thuc_22.jpg

Phật quy định Sa môn không được giữ tiền bạc, của báu, không được làm nông nghiệp, không được buôn bán và cũng không được tham gia vào chính sự - Ảnh minh họa

Ở đây, tôi muốn triển khai việc làm của A la hán thật theo kinh Pháp Hoa và của các hành giả tu Pháp Hoa. Các A la hán hành Bồ tát đạo, dấn thân vào đời độ sanh thì trở thành Bồ tát đa dạng, tức cuộc đời này có bao nhiêu hình thái sinh hoạt thì có bấy nhiêu Bồ tát. Vì vậy, trong tầng lớp nào cũng có Bồ tát, cho nên có nghề nghiệp, hay chánh nghiệp. Từ đó, chánh nghiệp của A la hán hành Bồ tát đạo khác với chánh nghiệp của người chưa là A la hán.

A la hán phát Bồ đề tâm dấn thân vào cuộc đời, làm tất cả mọi việc, nhưng tâm các Ngài ở Niết bàn, không vướng bận cuộc đời. Điều này cho chúng ta thấy người thế gian làm việc khác với A la hán làm việc. Người thế gian làm việc thì luôn luôn bị kẹt với công việc; cho nên việc càng lớn và càng nhiều, họ càng bị đau đầu, mất ăn, mất ngủ. Một ngày lo lắng công việc, lao đầu vào cuộc sống xã hội, rất dễ bạc đầu; đó là người thế gian sống ở thế gian và lo việc thế gian.

Nhưng Phật pháp đưa ra mẫu người nhập thế là bắt đầu phát tâm xuất gia tu hạnh xuất thế, ra khỏi cuộc đời; vì nếu còn là chúng sinh ở thế gian sẽ bị nghiệp ràng buộc, thì không được an lạc giải thoát. Bởi vì ta càng làm, thì phiền não dễ phát sinh và mọi người cũng không vui. Người đời nói: “Làm ơn mắc oán”; không làm thì trở thành tiêu cực, còn làm thì người phiền và chúng ta cũng phiền, vì chúng ta chưa đắc đạo, chưa biết cách làm. 

Vì vậy, Đức Phật thương xót mà xuất hiện trên cuộc đời để dạy chúng ta cách làm giải thoát. Phật dạy rằng trong thế giới này thực không có sinh tử, phiền não, khổ đau; nhưng vì vô minh nghiệp chướng ngăn che, nên thấy có sinh tử. Tất cả mọi người khổ đau vì vô minh hướng dẫn họ làm, nên càng làm càng khổ và người khác cũng bị khổ theo. Vì vậy mà Phật dạy nên làm việc theo trí tuệ chỉ đạo. Phật có trí tuệ chỉ đạo hành động, lời nói và nhận thức. Từ đó, Ngài muốn truyền trao kinh nghiệm này cho chúng ta, là cốt lõi của đạo Phật.

Tất cả mọi người trên cuộc đời bị vô minh ngăn che nhiều kiếp, cho nên muốn nhìn thấy đúng sự thật của cuộc đời thì phải gạn bỏ được vô minh, tức không bị ngũ uẩn ngăn che là ra khỏi Nhà lửa tam giới, ra khỏi phiền não trần lao. Vì vậy nên phải từ bỏ cuộc đời, xuất gia học đạo để không bị ràng buộc bởi thế gian. Riêng tôi nhận thức điều này rất rõ, tôi được như ngày nay là nhờ 60 năm hành đạo, từ bỏ cuộc đời, làm Sa môn sống ngoài tam giới, không bị thế sự ràng buộc quấy rầy, nên không lệ thuộc vào cuộc sống, mới thấy được đạo, giúp cho hành động không sai lầm là được chánh nghiệp. 

Vì biết, nên không làm; còn không biết, làm việc không đáng làm là tự chuốc họa vào thân, hay Tổ thường quở là nấu cát muốn thành cơm.

Đức Phật đề cao hạnh xuất thế ở Lộc Uyển và các vị Sa môn theo Phật nhờ hạnh này, cuối cùng chứng được Bát chánh đạo, nghĩa là các Ngài là người tốt đứng ngoài cuộc đời, không phải nhập cuộc. Vì đứng ngoài cuộc đời, mới không bị cuộc đời chi phối; đứng ngoài công việc, nên không bị công việc ràng buộc. 

Tuy nhiên, Phật khuyên các vị Thánh A la hán bước sang giai đoạn hai, nên phát Bồ đề tâm, dấn thân vào cuộc đời để giáo hóa độ sanh, mới được giải thoát thật sự. Còn các vị La hán giải thoát ở giai đoạn tu Thanh văn thừa chỉ là trụ Hóa thành mà thôi. Thật vậy, ở chùa, ở núi tu hành thì không có vấn đề gì; nhưng bước vào cuộc đời, lâm vào tình trạng rối bời, vì không giải quyết được vô số vướng mắc; cho nên giải thoát ở giai đoạn trước chỉ là giải thoát ngoài cuộc.

Qua giai đoạn hai, hành Bồ tát đạo phải giải thoát ngay trong cuộc đời. Mô hình giải thoát này được Phật nói đến trong tất cả kinh Đại thừa, đặc biệt là kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Duy Ma, kinh Thắng Man rất quan trọng để chúng ta nhận ra tinh thần giải thoát, từ đó mới nhận ra được chánh nghiệp thật sự của Đại thừa. Chánh nghiệp của Tiểu thừa là không giữ tiền của, không làm nghề nông, không làm kinh doanh, không tham gia chính trị; nhưng chánh nghiệp của Đại thừa là phải làm vua, làm quan, làm tướng, làm thương gia, v.v… phải làm đủ mọi việc, nhưng vẫn được giải thoát. Vì vậy, đối với mô hình hành đạo này, chúng ta thường dùng từ “Cư sĩ”, nhưng thực chất của cư sĩ như vậy là Bồ tát :

        Cư tài chi sĩ

        Cư gia chi sĩ

        Tại gia chí Phật đạo giả.

Nghĩa là người chí Phật đạo là đã đắc quả A la hán, rồi hiện thân lại cuộc đời này để làm đạo dưới hình thức cư sĩ. Vì vậy, không phải tất cả cư sĩ đều là cư sĩ chí đạo, vì Tổ Quy Sơn dạy rằng : Vọng tình dị tập chí đạo nan văn. Bạt tục siêu quần, vạn trung vô nhất. Nghĩa là người chí đạo thì một vạn người chưa thấy được một người đạt được đỉnh cao trong đạo, thể hiện được nghĩa sâu sắc nhất của Phật pháp. Tôi cũng không dám nhận mình là cư sĩ chí đạo. Duy nhất có cư sĩ Duy Ma là người chí đạo, tức đã đắc đạo với Phật A Súc ở phương Đông, nhưng Ngài hiện thân làm cư sĩ ở thành Tỳ Da Ly.

Như vậy,  phải quan sát con người ở hai mặt. Người thì ai cũng như ai, nhưng không ai giống ai, vì mặt bên trong khác nhau, bởi mỗi người có hoàn cảnh riêng, suy nghĩ riêng; lấy hoàn cảnh người này đặt cho người khác không thể đúng. Đọc kinh Thắng Man, chúng ta thấy lúc hoàng hậu Thắng Man đang cúng dường Phật và Thánh chúng ở tịnh xá thì ở triều đình, vua và hai người con của bà bị kẻ soán ngôi giết chết. Xá Lợi Phất thấy bà vẫn điềm tĩnh, nên tội nghiệp và an ủi bà. Bà Thắng Man hỏi Xá Lợi Phất rằng Ngài có chí đạo chưa? Nếu chí đạo thì thật tướng các pháp và nhân quả đã hiển bày rõ ràng, có gì mà phải buồn khổ. 

Cho nên, nghiệp quả của chồng và con bà đã tới, phải chết như thế, bà biết trước là chí đạo và bà làm theo trí tuệ chỉ đạo. Nếu bà ở nhà thì đã bị chết theo; nếu còn lòng tham thì ôm giữ của cải cũng mất mạng mà chẳng giữ được. Vì vậy, bà đem của cải cúng dường để gieo nhân lành cho đời sau.

Lấy tâm trạng của mình mà khuyên người là sai, đừng thuyết pháp theo cách đó, phải thấy đạo, tức thấy được tâm chúng sinh nghĩ gì, muốn gì, làm được gì thì theo đó mà dạy. Hai mẫu người chí đạo là Thắng Man và Duy Ma để có hai bộ kinh là kinh Duy Ma và kinh Thắng Man.

Thắng Man biết trước việc xảy ra, vì bà là Bồ tát tái sanh. Bồ tát tái sanh vào gia đình nông dân, hay vua chúa, hoặc buôn bán để làm gì, nghĩa là các Ngài trước khi sanh đã có mục tiêu. Còn chúng ta là do nghiệp dẫn đi thọ sanh, cho nên chỗ mình không muốn thọ sanh, nhưng vẫn phải sanh vô. Tất cả chúng sinh phải khổ đau vì đều do nghiệp dẫn thọ sanh. Bồ tát do nguyện, không phải do nghiệp sanh lại cuộc đời. 

Vì vậy, Bồ tát đã chuẩn bị đầy đủ để đi vào đời, làm những việc mình muốn. Có thể hiểu Bồ tát xuất hiện trên cuộc đời giống như diễn viên trên sân khấu. Diễn viên biết phải khóc, phải cười, phải nói thế nào trên sân khấu. Cũng vậy, Bồ tát khóc hay cười đều là bài thuyết pháp cho cuộc đời. Chứ không phải Thị Kính bị chồng chê, rồi vô chùa ở, tu chơi chơi thành Phật sao được. Đây là diễn xuất của Bồ tát, bên trong là Bồ tát Quan Âm phát Bồ đề tâm, nhưng bên ngoài là Thị Kính bị chồng bỏ.

Chúng ta tìm đạo là tìm trong cuộc đời, trước nhất ta tìm vị chân tu thật học, xa hơn tìm trong xã hội thấy việc làm của họ, thì chúng ta biết nên gần hay nên tránh; không phải bị vô minh thấy thầy tu mới tốt. Người tu hay người đời đều tốt, nghĩa là chánh nghiệp được mở rộng, không còn giới hạn ở hình thức Thanh văn, hay Bồ tát, nhưng là người phát Bồ đề tâm vì nguyện mà sanh lại cuộc đời này để cứu khổ ban vui cho mọi người. 

Phật nói các Tỳ kheo vào làng khất thực không phải vì ăn; vì ăn là ăn mày thật sự. Vào làng độ người là Sa môn thật. Người khất thực giáo hóa chúng sinh, lòng họ không nghĩ đến miếng ăn, đến quyền lợi, nên hiện tướng thanh thoát, khác với nét mặt, cử chỉ, ngôn ngữ của người vì ăn mà khất thực.

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.