Ngày Tết và chiếc bánh Tổ.

(GNO-Đồng Nai): Nếp sống tâm linh người Hoa trên đất Đồng Nai trong những ngày tết qua chiếc bánh Tổ đã có từ lâu từ khi họ  sinh sống làm ăn và hòa nhập với cộng đồng người Việt ngay từ ngày đầu khai phá vùng đất này. Tuy vậy, họ vẫn giữ nét đặc thù bản xứ trong cách sinh hoạt, giao tiếp và hoạt động văn hóa, đặc biệt là trong những ngày Tết.

 Theo thống kê, có khoảng 80% dân cư của 3 Xã Phú Tân, Phú Vinh, Phú Lợi Huyện Định Quán là dân tộc Hoa Nùng, 3 xã này trước đây có tên là Xã Phú Hoa (vì chủ yếu là người Hoa). Hằng ngày họ vẫn giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Hoa.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến chiếc Bánh Tổ, đó là chiếc bánh không thể thiếu trên bàn thờ người Hoa trong những ngày giáp tết, từng mâm bánh tổ được bày bán dọc bên phố chợ. Bánh có dạng hình tròn, đường kính từ 12 đến 30 cm, nguyên liệu chính làm nên những chiếc bành này chỉ có 2 thứ dân dã là gạo nếp và đường vàng. Gạo nếp được xay nhuyễn hòa với đường vàng và khuấy chín, cho vào khuôn, để vài giờ đồng hồ thì đông cứng, sau đó trang trí bằng một tờ giấy đỏ và chưng lên giữa bàn thờ. Người Hoa chưng chiếc bánh Tổ lên bàn thờ tổ tiên ngày Tết là để tưởng nhớ đến nguồn gốc dân tộc như tên gọi của chiếc bánh. Gạo nếp tượng trưng cho mạch sống và sự đoàn kết keo sơn của cộng động người Hoa xa xứ. Đường vàng làm cho chiếc bánh có màu sắc dân dã, như màu da của người lao động một nắng hai sương. Vị đường ngọt ngào nhắc nhở luôn sống tốt, có ích cho đời, cho người.
Sau ba ngày tết, chiếc bánh Tổ càng cứng chắc lại, được cắt mỏng ra, chiên lên với chút dầu đậu phộng, người ăn sẽ cảm nhận hết mùi vị dẻo dai, ngọt ngào của quê hương, và tự tin hơn cho một năm mới thịnh vượng, bình an.
Trên bàn thờ là chiếc bánh Tổ, còn ngoài cửa, trưa ngày 30 tết, đúng giờ ngọ, nhà nhà đều dán giấy đỏ để đón Ông bà về sum họp với con cháu, Những tờ giấy đỏ nói lên sự sung túc, may mắn qua một năm làm ăn sinh sống (nhà nào trong năm có sự việc hệ trọng như có người thân qua đời, tai nạn, phạm pháp thì không dán giấy đỏ). Sau lễ rước ông bà vào giờ ngọ 30 tết là gia đình không tiếp khách cho đến giờ ngọ mồng một tết, như để tạo sự tôn nghiêm, kính trọng và tỏ bày những nỗi niềm riêng đối với tổ tiên của mình.

Hinh_5.JPG

Chùa người Hoa cũng đánh giấy đỏ khi tết đến

Hinh_1.JPG

Chiếc bánh Tổ trên bàn thờ ngày Tết

Hinh_2.JPG

Dù khó khăn đến đâu cũng dánh giấy đỏ khi tết đến

HInh_3.JPG
Hinh_4.JPG

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.