Một đám ma và một đám cưới
Một cô nhà báo trẻ đã viết về một đám cưới và một đám ma. Đám cưới của một vị hoàng tử, giàu có và uy quyền, vậy chắc hẳn cô dâu phải rất hạnh phúc. Người ta không nhìn thấy cô dâu khóc, nhưng cũng không thấy cả những nụ cười tự nhiên và ngập tràn hạnh phúc của cô dâu. Người ta cũng không thấy cô dâu nắm tay những người bạn thân, và bố mẹ cô dâu cũng bị lẫn đâu đó trong số hàng trăm khách mời nổi tiếng. Tóm lại, đó là một đám cưới vắng bóng nụ cười.
Phật tử người phương Tây làm lễ Tắm Phật
Đám ma thì khác. Đám ma của một ông cụ già đang sống đơn độc trong một ngôi nhà hoang, lại có rất nhiều nụ cười. Người ta truyền đi những thước phim về những giây phút cuối đời trong sự đau đớn và tuyệt vọng của ông cụ để rồi vỗ tay, tán dương công lý và hòa bình. Người ta reo hò vì một nỗi đe dọa của nhân loại đã được loại bỏ. Liệu thế giới có quá ngây ngô khi nghĩ rằng ông cụ ấy, một trùm khủng bố khét tiếng, chết đi thì nạn khủng bố trên thế giới sẽ chấm dứt? Hay sự vỗ tay và tán dương đó chỉ là tâm lý hiếu kỳ mong muốn nhìn thấy sự trả giá cho những gì ông cụ ấy đã gây ra? Người thân của những người đã chết dưới ngòi súng của ông cụ có thể sẽ cảm thấy an ủi vì cái chết này, nhưng suy cho cùng thì sự thanh thản ấy từ đâu mà có?
Nụ cười của Phật
Chúng ta, những người con Phật, hẳn ai cũng đã nhìn thấy Phật cười. Đó là nụ cười của sự an lạc, của lòng từ bi và trí tuệ vô ngại. Khi sinh ra, bạn và tôi đều khóc.
2.635 năm trước, tại thành Ca Tỳ La Vệ, Thái Tử Tất Đạt Đa ra đời với một nụ cười. Cuộc đời của Ngài là cuộc đời của sự chia sẻ những nụ cười, khi rất nhiều chúng sinh tìm được sự an lạc nơi giáo pháp của Ngài. Giống như một ngọn nến giữ lửa không bao giờ tắt, mang ánh lửa đến khắp thế gian.
Chúng ta hãy cười khi tức giận. Để nụ cười đó xoa dịu đi cơn thịnh nộ đang đốt cháy hết phước huệ của ta. Để an nhiên tự tại đón nhận những lời mắng chửi, những sự ghen ghét, những điều trái ngang mà thế gian “dành tặng” cho chúng ta. Nụ cười đó giúp ta vẽ chữ Nhẫn.
Chúng ta hãy cười khi được khen. Để nụ cười hài hòa mọi lời khen về đúng chừng mực. Để “khước từ” những lời khen có thể làm tâm ta cống cao ngã mạn, để tâm ta luôn thanh tịnh.
Chúng ta hãy cười khi gặp bệnh tật. Để nụ cười cho ta một phút giây không sợ hãi nhận ra hạnh phúc đang có ở hiện tại. Để niềm tin vào một tương lai không bị dễ dàng vụt tắt.
Chúng ta hãy cười khi chia ly. Để hiểu rằng không có cuộc hội ngộ nào mãi mãi. Để biết rằng, “còn duyên thì hợp, hết duyên thì tan”. Để tránh những nỗi ưu tư phiền muộn cho tâm hồn nhỏ bé. Để mỗi sớm mai thức dậy, trong tâm hồn không nặng trĩu hình bóng ai kia.
Chúng ta hãy cười khi gặp những điều không vừa ý. Để những trở ngại không làm chân ta lùi bước. Để “lấy hoạn nạn làm thành công”, “lấy khó khăn làm thích thú”.
Đừng đợi cuộc đời hết những lo âu phiền muộn mới cười. Hãy cười trước những nỗi khổ, để những nỗi khổ không hằn sâu trong tâm trí, để an nhiên tự tại vượt qua. Hãy buông bỏ những ưu tư hờn giận, hỷ nộ ái ố của thế gian. Hãy cười những việc khó cười của thế gian, trước bệnh tật, sự chia ly, lòng giận dữ… như lời một bài thơ:
“Còn gặp nhau thì hãy cứ cười Cuộc đời như nước chảy hoa trôi Lợi danh như bóng mây chìm nổi Chỉ có tình thương để lại đời” (Tôn Nữ Hỷ Khương)
Hãy cười như Đức Phật, hãy sống cuộc đời như cuộc đời đầy những nụ cười của Ngài. Mùa Phật đản này, chúng con, mỗi người con Phật, nguyện sẽ mang nụ cười của Ngài đi xa, đi xa hơn nữa…