Ngẫm nghĩ khi thăm chùa Tây Phương

GNO - Chùa Tây Phương thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam ở thế kỷ 17-18.

Nhà thơ Huy Cận có lần đến thăm chùa, đã làm bài thơ “Các vị La-hán chùa Tây Phương” rất gợi cảm về hình tượng những vị La-hán (người đắc đạo) mà lòng vẫn trầm ngâm thương tưởng về những nỗi khổ của nhân sinh. Trong bài thơ có đoạn:

“... Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen...”.

tay phuong.jpg


Chùa Tây Phương - Ảnh: Internet

Ông Huy Cận làm bài thơ này vào năm 1960, là những năm tháng đất nước ta đang trong thời chiến. Do vậy, rất có thể tác giả đã khéo léo “mượn” hình tượng các vị La-hán đang “ngồi đây trong lặng yên” để gây ấn tượng mạnh - tương phản với hình ảnh đất nước đang trong thời lửa khói, loạn ly do chiến tranh “giông bão nổ trăm miền”…

Lâu nay tôi đã “nghe” về chùa Tây Phương, nhưng nay, lần đầu tôi mới đến và “thấy”. Quả thật là rất rung cảm khi đứng “bên cạnh” các vị La-hán, hẳn là những người điêu khắc xưa đã dốc hết tâm can lên những thân gỗ quý, để lại cho đời sau những kiệt tác rất ư sống động.

“...Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau...”.

Tôi “ngắm” kỹ dung mạo các Ngài… thì có nhận xét rằng, thật ra “mặt” các Ngài đâu có “chau” lắm, có lẽ lúc đó Huy Cận đang có tâm trạng rất “đau thương” nên đâm ra thấy các Ngài cũng thế. Tôi đồng ý là một số các Ngài trông có vẻ như “trầm ngâm”, thoảng nét buồn buồn. Nhưng buồn và trầm ngâm ở đây không phải là nỗi buồn của tự thân, không phải buồn vì bức bách bởi lòng tham-sân-si đang “thiêu đốt” tâm mình, mà “buồn” ở đây là biểu hiện lòng từ bi thương tưởng đến chúng sinh đang trầm luân trong cõi “bão giông” - “bóng tối…”.

Tại sao “đời nhân loại” vẫn còn đau khổ, luôn “đùn ra trận gió đen”? Đây có phải là “Một câu hỏi lớn, không lời đáp”?. Tôi nghĩ nhà thơ Huy Cận đưa ra “một câu hỏi lớn, không lời đáp” là ông có “ý đồ” khác, chứ trong giáo lý nhà Phật thì “câu hỏi” này đã có “lời đáp” từ rất lâu rồi.

Sở dĩ có người lầm tưởng đạo Phật là yếm thế, hay nói đến cái khổ làm cho người ta dễ… chán đời, mà chán thì làm gì cũng không phấn khởi, công việc kém hiệu quả,thiếu tính sáng tạo,… Có điều chúng ta đã quên rằng Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy đời vốn nhiều khổ, đồng thời Ngài cũng chỉ cho chúng ta biết cái nguyên nhân, gốc gác gây ra nỗi khổ ấy.

Chưa hết, Ngài còn trao cho chúng ta tấm “bản đồ chân lý” chỉ ra những con đường sáng (Bát chánh đạo) để thoát khỏi cái vòng khổ - “bát quái trận đồ” đó (ý này muốn nói đến giáo pháp “Tứ Diệu đế” (Khổ - Tập - Diệt - Đạo). Khi “thoát” cái khổ… tức thì hạnh phúc hòa bình có mặt ngay dưới chân mình, ngay ở tâm mình.

“Lời đáp” đã có, bản đồ đã rõ, nhưng chúng ta cứ chần chờ, cứ nghi ngại và cứ hẹn… “từ từ, mai mốt cũng chưa muộn” (lỡ chiều tối đẹp trời ông Diêm vương đến “nhắc tên” mình thì không biết lúc đó có van xin nài nỉ… từ từ mai mốt… có được không nữa).

Nói tóm lại là sở dĩ chúng ta đau khổ là do lòng quá tham lam, ích kỷ, do có tham lam (tiền tài, danh, sắc) mà có tranh chấp, lòng người sân hận hung bạo và si mê gây nên xung đột, chiến tranh (chiến tranh ngoại cảnh và chiến tranh trong tâm mình). Ấy vậy mà chúng ta chưa chịu “tu mau kẻo trễ”, chưa chịu “buông bỏ” những tham đắm hệ lụy làm mê mờ tâm trí, chẳng thấy đường chánh để thoát nẻo luân hồi.

Có khi chúng ta lại “đi sai đường” nữa là khác: tập “buông bỏ” mà “bỏ” xe đạp để đi xe Hon-da, giờ lại khởi ý “bỏ” xe Honda đi...Toyota (không biết có ai hiểu “sai đường” như tôi nữa không).

Bởi thế nên các Ngài mới thương xót cho chúng sanh mà… “Cho đến bây giờ mặt vẫn chau” là vậy đó.

T.Nhuận Thường

* Bài viết là chia sẻ riêng, văn phong của tác giả là tu sĩ - họa sĩ, đang tu tập, làm việc tại TP.HCM. Mời bạn chia sẻ những góc nhìn cuộc sống, mang tính thời sự, qua nhãn quan Phật giáo. Hoan hỷ gửi bài về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.