Nếu như có ba…

GN - Có ba, chắc chắn bạn sẽ không sợ ai ăn hiếp, vì phía sau mình lúc nào cũng có bóng dáng của người đàn ông vững chãi, để mỗi khi có ai đó hăm he, bạn có thể lấy ba để “khè”, rằng, “tao về nhà tao méc ba tao...”.

Méc với ba không chỉ là méc chuyện bạn A, bạn B chọc ghẹo, có ý đồ “uýnh” mình mà còn là méc với ba về việc... “má la con kìa ba”, hay “má hổng có thương con” như một cách tìm đồng minh, tìm lá chắn cho mình mỗi khi có lỗi.

ba va con.jpg


Có ba, còn được có ba là hạnh phúc, hãy trân quý - Ảnh minh họa

Có ba để méc như thế thật hạnh phúc và sẽ hạnh phúc hơn khi có ba chở mình đi học, như có lần thằng em mình nói, thích nhất là ngồi sau xe ba và móc... rốn. Hai ba con có thể nói với nhau nhiều chuyện, nhiều chuyện nhất là nói về má, có khi ba bênh con nhưng lắm lúc cũng bênh... má, tất nhiên đó là khi con có lỗi.

Ông bà mình nói, “còn cha gót đỏ như son...” để chỉ cho việc có ba là sướng lắm, đâu có phải động tay chân gì đâu mà gót không son, không đỏ? Cũng lại có câu, “con không cha như nhà không nóc” - gió sẽ lộng vô, thiếu một sự chở che, bình yên, vững chãi...

Không có ba là một thiệt thòi, nhưng có ba mà ba nhậu nhẹt, đánh đập vợ con, sáng xỉn chiều say thì có khi còn thiệt thòi hơn. Đó là tiên đề về việc ứng xử, về tình cảm và trách nhiệm của ba đối với gia đình đã bị sứt mẻ, thậm chí không những không có trách nhiệm mà còn là gánh nặng, là nỗi khiếp sợ cho cả gia đình.

Có ba là có một nửa trong một tổ ấm lý tưởng: đủ đầy cả ba lẫn mẹ.

Có ba thì sẽ có thể tự hào mà nhẩn nha lời bài hát “ba là cây nến vàng, mẹ là cây nến xanh, con là cây nến hồng, ba ngọn nến lung linh, thắp sáng một gia đình”. Và sẽ không rưng rức, giấu nước mắt đừng rơi giữa đông người khi lời bài hát khép lại: “lung linh lung linh, tình mẹ tình cha, lung linh lung linh cùng một mái nhà...”.

Tôi không có ba, theo nghĩa ba còn đó, nhưng đi xa trong trường nghĩa: ba không ở bên cạnh để dắt dìu, đỡ nâng. Nên tôi thèm tiếng ba như thèm một điều gì đó thuộc về cổ tích. Tôi từng ước ba mình sẽ xuất hiện, giống y như cổ tích, có ông Bụt hiện ra, đó là khi rơi vào cảnh túng bấn, ngặt nghèo, tưởng như không thể nào vượt qua được... Nhưng rồi, ba tôi không phải là Bụt, trong khi có rất nhiều “Bụt” không phải là ba mình.

Tôi không ghét ba thì nói chi tới oán hận. Vì tôi biết, mình mang trong tim một phần hạt giống của ba, một sự tiếp nối từ tế bào đầu tiên của đấng sinh thành. Nên, nếu ghét ba thì có khác chi tôi đang thù ghét chính mình?

Trái tim tôi không phải tự dưng rộng lượng, mà được cơi nới từ những bài học về từ bi, về hiếu đễ của nhà Phật. Công sanh thành, dưỡng dục sánh bằng non biển, tất nhiên, sanh-dưỡng ấy cũng là do nhân duyên trùng trùng, không ai có thể biết được ngọn ngành nên quy kết lỗi lầm có khi lại thành phiến diện. Nên thôi, dừng lại, bởi ông bà mình dạy “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” còn gì. Trước là trách lỗi mình, chắc mình cũng tạo nhân duyên chi đó bất thiện nên mới còn ba mà nghìn trùng xa cách, nên mới có ba mà như không.

Tôi nghĩ thế mà thương ba, vì biết ba cũng còn phải tử sanh lên xuống, chi phối bởi nghiệp duyên trùng trùng.

Biết ba mình còn sống đâu đó, âu cũng đã là hạnh phúc, dẫu chưa bao giờ gặp mặt, vì biết, còn có cơ hội gặp nếu đủ duyên. Nhưng, chắc chắn, duyên do mình tạo, khi lòng mỗi người đã nhẹ hẫng, đã không còn vướng víu chút gì.

Má tôi từng hỏi, giờ gặp ba, con sẽ hành xử thế nào?

“Thì con sẽ thương ba, sẽ gọi ba, ôm ba, và nói, sao ba đi lâu quá, để tới giờ mới được nghe con gọi hai tiếng “ba ơi”. Hì, con chờ đợi lâu quá rồi, con ước mình sẽ bé lại để ngồi sau lưng ba, để ba chở đi học trên con đường làng quanh co, ổ gà ổ voi và thò tay móc rốn ba như thằng em của con, rồi chắc hai ba con sẽ cười vang...”.

Có ba, còn được có ba là hạnh phúc, hãy trân quý. Vì, có nhiều người ước mong được có ba, còn có ba mà đâu có được. Ba dẫu có lỗi lầm thì ba cũng có ơn lớn, trao cho mình sự sống, ngẫm kỹ thì sẽ thứ tha, sẽ có thể nắm tay ba mà xoa mà xuýt, con cảm ơn ba, ôi, con thương ba quá, ba ơi...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.