Nét chữ của mẹ tôi

GN - Mẹ tôi xuất thân làm nghề ruộng, từ nhỏ đã rành sáu câu việc cấy gặt hơn là thêu thùa may vá. Tản cư tránh bom đạn, mẹ đã nhiều lần bồng bế tôi về quê ngoại. Chứng kiến công việc của mấy dì, tôi thấy hình bóng chính người mẹ tần tảo của mình ngày trước trên đồng lúa. Cắm cúi với đồng lúa, mẹ học hành đâu có mấy chữ, cỡ vỡ lòng hay lớp 1, 2 bây giờ thôi. Ở chợ bán buôn lặt vặt xôi chè đắp đổi, cân đường, ký đậu mẹ nhẩm tính rất lâu, ăn nói thì vụng về, ti-vi cũng không xem được vì mắt yếu bẩm sinh. Vậy đó, mẹ quê mùa giữa chợ đời, thua thiệt.
net chu.jpg
Ảnh chỉ mang tính minh họa - từ internet

Tôi siêng học lắm, và đấy hầu như là thú vui duy nhất của một trẻ nghèo. Nhà lá dột nát mà tủ sách hàng đầu trong thị trấn, đủ sách đông tây kim cổ mua từ tiền mò cua bắt cá; nhiều lần tủ bị tạt nước mưa, phơi sách trên chiếu ngoài sân đầy một khoảnh rộng!

Nhưng mẹ tôi không biết xem sách, và đọc - khi cần, như giấy tờ hành chính - chật vật lắm, đánh vần từng chữ cái một theo cách xưa - nên tôi tôi không thể sẻ chia với mẹ tinh hoa văn hóa từ những trang sách, dù rất muốn. Điều ấy sau này có điều kiện tôi đã làm theo cách khác: mua thật nhiều đĩa VCD theo lớp lang nhất định để cho mẹ xem dần, hàng ngày, như học “hàm thụ” vậy: Tây Thi, Lưu Bình - Dương Lễ, Phạm Công Cúc Hoa, Bên cầu dệt lụa, Thoại Khanh - Châu Tuấn… Mấy trăm đĩa, và mẹ hạnh phúc theo cách có thể thấy được: mẹ nói nhiều hơn, trong bữa cơm hay lúc rảnh việc, về các nhân vật trong tuồng tích cổ với lời bình phẩm, cảm xúc. Đấy, mẹ tôi học “bổ túc” như thế đấy.

Đời học sinh của tôi ngay cấp II đã nếm mùi vị hạnh phúc: liên tiếp đoạt giải học sinh giỏi. Khi lên tỉnh tập trung luyện thi vòng toàn quốc, tôi xúc động nghĩ nhiều về người mẹ vụng về của mình. Trong quyển vở trắng tinh được thưởng, hàng viện trợ của Unicef, tôi cẩn trọng xin vài chữ lưu niệm từ thầy cô, bạn bè. Ở trang đầu tiên, tôi dành cho mẹ. Mẹ xúc động, lúng túng mãi, cây viết trật vuột trong tay, ngoằn ngoèo trên trang giấy trắng. Tôi... đã đọc cho mẹ mình viết: “Mẹ rất vui, mong con đi xa giữ gìn sức khỏe, đừng lo cho mẹ ở nhà…”. Chỉ có mấy chữ loằng ngoằng mà mẹ viết khá lâu, tôi nhìn trong làn nước mắt nhòe nhoẹt… Đấy là lần đầu tiên mẹ tôi viết. Quyển vở ấy sau bao biến đổi bể dâu, nay không còn nữa, song tôi nhớ rất rõ từng dòng lưu bút của thầy cô bạn bè, trước nhất là nét bút của mẹ mình.

Mẹ viết như thế, mấy chữ đã khó khăn, vậy mà Người nâng bước cho tôi vào đời, mua gánh bán bưng cho tôi có khoảng trống mà học hành, đọc nghìn vạn chữ. Bây giờ tôi gõ máy tính như nghệ sĩ dương cầm, có thể viết thẳng suy nghĩ của mình rất nhanh, gửi đi cộng tác các báo, chính là khởi đầu từ nét bút vụng về của mẹ. Mẹ tôi không viết bằng mực trên giấy - ngoài lần duy nhất như đã kể qua - mẹ viết bằng mồ hôi, ý chí trên chính cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn nắng gió.

Mẹ già rồi, trên bảy mươi, dáng còng, giấc ngủ nhọc nhằn. Người chỉ viết có một lần trong đời, theo lời đọc của con mình, mấy mươi năm trước. Mẹ ơi!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.