Nam thiên đệ nhất động đón mưa xuân vào mùa trẩy hội

Chùa Hương khai hội Xuân Giáp Thìn - 2024 vào ngày mùng 6 Tết (15-2)
Chùa Hương khai hội Xuân Giáp Thìn - 2024 vào ngày mùng 6 Tết (15-2)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng mùng 6 Tết (15-2-2024), trong thời khắc đất trời và lòng người bừng giao cảm, cơn mưa xuân rải xuống Hương Sơn - chùa Hương (H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội). Tiếng trống của thầy trụ trì chùa gióng lên đã đánh thức mây núi, cỏ cây, vẫy gió tỏa hương theo bước chân người hành hương.

Ấn tượng đổi thay trong mùa trẩy hội mới

Chúng tôi có mặt tại bến Yến từ đêm trước ngày khai hội. Chứng kiến nét thay đổi lớn nhất tại lễ hội chùa Hương năm nay là dịch vụ thuyền đò. Dọc hai bên bờ bến Yến, hệ thống các máy kiểm tra vé đò đã được lắp đặt, khách phải có vé đò rồi mới được xuống bến. Dưới bến, tất cả các nhà đò, chủ thuyền không còn được tự ý mời khách như trước đây nữa, mà du khách được lực lượng của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương sắp xếp, đò nào đủ 20 khách thì rời bến và đến lượt đò tiếp theo được nhận khách.

Thuyền đò chở khách du xuân chùa Hương
Thuyền đò chở khách du xuân chùa Hương

Nếu như những năm trước, đò chở khách trên suối Yến với đủ kiểu dáng, kích thước khác nhau, thì nay hầu hết các thuyền, đò đã nâng cấp theo tiêu chuẩn, chở được từ 20-30 khách/thuyền, đều được sơn màu xanh và tất cả đều phải qua đăng kiểm, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

Trong không gian diễn ra lễ hội, mặc dù trời mưa nhỏ, lượng khách đông, song các hoạt động vẫn diễn ra an toàn, trật tự, không còn bị ách tắc. Bên cạnh đó, hệ thống wifi miễn phí phủ sóng trên toàn bộ khu vực chùa Hương và khu trung tâm xã Hương Sơn. Tại trạm soát vé và khu vực trung tâm Thiên Trù, Ban Tổ chức bố trí các điểm quét mã QR code giúp du khách dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin về Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn.

Phó Chủ tịch UBND H.Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024 phát biểu khai hội
Phó Chủ tịch UBND H.Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024 phát biểu khai hội

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, trong những ngày Tết, lượng khách du xuân chùa Hương khá đông, ước tính trong 5 ngày đầu xuân, hơn 140.000 lượt khách đổ về chùa Hương.

Tuy nhiên, trong sáng ngày khai hội (mùng 6 Tết), hệ thống soát vé thắng cảnh tại đây chỉ ghi nhận hơn 1 vạn khách đến tham quan, do đây là ngày các cơ quan, công sở khai trương khiến lượng khách trẩy hội thấp hơn.

Người dân trẩy hội chùa Hương dưới mưa xuân
Người dân trẩy hội chùa Hương dưới mưa xuân

Theo ông Hiển, để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra lễ hội, Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý thuyền đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông. Ban Quản lý cũng đã bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát gồm khoảng 200 người, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn và tuyên truyền người dân và du khách đi lễ văn minh.

Đất trời một thoáng bừng giao cảm

Suốt đêm mùng 5 và tinh mơ sáng mùng 6 tháng Giêng, Hương Sơn ấm áp và tạnh ráo, trời trong. Dòng người đến hội thưa thớt hơn mọi năm, nhưng không khí trước sân Thiên Trù vẫn rộn ràng náo nhiệt từ 6 giờ sáng ngày khai hội, bởi màn múa rồng, múa lân.

Đến 8 giờ, trong thời khắc đất trời và lòng người bừng giao cảm, cơn mưa xuân rải xuống đón dòng người trẩy hội.

Múa rồng trong ngày khai hội
Múa rồng trong ngày khai hội

Phát biểu tại lễ khai hội, Phó Chủ tịch UBND H.Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024, cho biết: Quần thể Hương Sơn (chùa Hương) là địa danh có tiềm năng lớn về môi trường sinh thái, có giá trị lịch sử văn hóa tâm linh và du lịch đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt gồm 21 ngôi chùa, động thờ Phật, đền thờ thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa. Trải qua gần 6 thế kỷ, quần thể Hương Sơn vẫn giữ nguyên được giá trị về lịch sử và danh thắng.

Thượng tọa Thích Minh Hiền phát biểu
Thượng tọa Thích Minh Hiền phát biểu

Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì quần thể tùng lâm Hương Tích nhận định: Hương Sơn nơi có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, đâu đó thấp thoáng những mái ngói đỏ, những kiến trúc cổ kính, ẩn hiện trong núi rừng bao la. Không chỉ có cảnh sắc, nơi đây còn nổi tiếng với những hang động cổ xưa được gắn liền với những huyền tích được lưu truyền trong dân gian từ bao đời, như: động Hương Tích, động Người Xưa…

Theo Thượng tọa trụ trì, kể từ khi vua Lê Thánh Tông (1460-1497) tuần du lần thứ hai tới đây và chư Tổ chống tích trượng khai sơn, dựng thảo am ở Hương Sơn đã tô bồi thêm cho đất nước một danh lam thắng cảnh để thế nhân thưởng ngoạn.

“Chầm chậm xuân về lòng đất chuyển

Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương

Tâm linh một thoáng bừng giao cảm

Lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn”.

Chư tôn đức cùng đại biểu niêm hương tại chùa Thiên Trù
Chư tôn đức cùng đại biểu niêm hương tại chùa Thiên Trù

Lễ hội chùa Hương giàu tính nhân văn, ý nghĩa tâm linh sâu sắc được kéo dài 3 tháng, là nơi hội tụ các nét đẹp văn hóa cổ truyền như: bơi thuyền, leo núi, hát văn, hát chèo, đêm thơ, rước kiệu… thu hút đông đảo người dân, Phật tử, du khách về tham dự.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.