Lên chùa bẻ một cành sen.
Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng.
Hà Anh
Đầu xuân đi vãn cảnh chùa, một việc được cho là rất quan trọng mở đầu năm mới của nhiều người Việt Nam. Họ cho rằng đi lễ đầu năm sẽ tẩy rửa những gì không tốt của năm cũ và mang lại một năm mới nhẹ nhàng, thanh bình hơn. Gia đình tôi cũng vậy, cứ vào mùng Một hàng năm cả nhà lại cùng nhau đi chùa thắp hương, cầu xin một năm mới an khang thịnh vượng.
Trước đây, chùa làng tôi không to như những chùa nổi tiếng khác, ngôi chùa mang đậm nét làng quê, kiến trúc rồng phượng đơn giản, thanh bình. Coi chùa là một vị sư già, cụ không đi được nữa mà chỉ nằm một chỗ lại không có người thân quen nên các bà trong làng thay phiên nhau ra chăm sóc cụ. Thỉnh thoảng tôi vẫn hay ra thăm chùa thăm cụ, thắp mấy nén nhang cho chùa thêm ấm áp vì ngày ấy ít người nên được thắp hương thoải mái không bị cấm như bây giờ. Trước sân chùa là một cái ao nhỏ xíu chỉ đủ để thả cá chép hàng năm vào ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp, một cây đại to, một cột cờ Phật. Không hiểu sao tôi yêu thích phong cảnh thanh bình ấy đến thế, một khoảng không gian nhỏ nhưng vô cùng mềm mại và thánh thiện.
Mấy năm sau sư cụ mất, hội Phật giáo điều về chùa một sư khác, trẻ hơn, có học hơn, nghe đâu tốt nghiệp Đại học Phật giáo, và sư mới có đầu óc kinh doanh hơn. Bằng tiền quyên góp và điều động dân làng, sư thầy mở rộng chùa thêm ra, ngoài điện chính giữa bây giờ thêm bên tả bên hữu. Nên ngôi chùa ẩm thấp ngày nào bây giờ vươn vai đứng dậy trông không khác gì chùa vàng bên Thái Lan, tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn xa, người ta kéo đến ngôi chùa mới đông nghìn nghịt, số đầu hòm công đức cũng tăng theo. Nhưng riêng tôi thì thưa dần. Tôi nhớ sư cụ già và khoảng không gian yên tĩnh trước đây, thích được ngồi chiếu cói thắp hương hơn ngồi trên nền đá mới lạnh toát, và cứ thế mỗi lần đến lại cách nhau dài thêm ra.
Tôi theo đạo Phật, chính xác là "theo đạo Phật" vì tôi từng theo hội Phật giáo một thời gian và mang hiệu Phật. Vào mỗi thứ năm hàng tuần tôi lại khoác áo nâu sòng ngồi lần tràng hạt đọc kinh Phật với các cụ già. Người ta nói đi tu để tránh xa bụi trần và cho tâm hồn siêu thoát nhưng một khi tâm còn vướng bụi trần thì hồn không nhập Phật nên sau một thời gian tôi biết mình không thuộc về thế giới ấy nên tôi đành chia tay.
Tuy nhiên niềm đam mêm về văn hoá chùa chiền của tôi vẫn còn, hồi còn học du lịch tôi từng viết bài về các đình chùa miếu mạo tại thành phố Hải Phòng, một bài viết gần 30 trang viết tay. Ngày ấy tôi còn chưa biết đến Google nên để tìm kiếm được thông tin tôi phải lặn lội đến từng chùa một để trực tiếp ngồi nghe các sư cụ giải thích cặn kẽ về lịch sử của từng ngôi chùa, nhưng cũng vì thế mà tôi cảm thấy mình nhập tâm hơn.
Đình là nơi thờ thành hoàng trong làng, còn là nơi hội họp mỗi khi làng có việc gì quan trọng. Đối trẻ con chúng tôi đình là nơi tụ họp mỗi khi Trung thu rằm tháng Tám, thích lắm, được phát quà, được xem ca hát. Còn chùa là nơi thờ Phật, Phật thích ca mầu ni, Phật bà quan âm Bồ Tát... Ngôi chùa được coi là đẹp nhất ở Hải Phòng là chùa Hàng, đẹp và rất thanh bình. Đền là nơi thờ một vị danh nhân hoặc một vị có công với nước, ví dụ như ở thành phố tôi có đền Nghè thờ bà Lê Chân, người sáng lập ra thành phố Hải Phòng, rồi đền thờ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Bảo, nhiều lắm, bây giờ mà viết ra lại phải mất tới 30 trang giấy. Ngôi đền thờ Ngô Quyền ở Nam Hải - Hải Phòng còn là nơi lưu trữ các di tích lịch sử của trận đánh quân Nguyên trên sông Bạch Đằng. Tôi thích đền ngôi đền này vì một lý do khác, bởi vì ở đây có hàng bún tôm rất ngon của bà cụ bán hàng rong ven đường, bà chỉ bán vào mỗi dịp Tết mà thôi.
Nói chung đạo Phật, một đạo được coi là hiền lành nhất trong các đạo giáo, khuyên con người tránh xa tham sân si để có được một tâm hồn thanh thản, để có chết đi thì kiếp sau sẽ nhẹ nhàng hơn, mơ ước muôn thưở của con người, luôn mơ ước một cuộc sống thanh bình. Cho dù con người mang đạo giáo gì đi chăng nữa, hoặc theo đạo hoặc không theo đạo thì trước tiên phải sống sao khi nhìn lại lương tâm không bị cắn rứt, không trời nào Phật nào thấu hiểu tâm can con người bằng chính bản thân mình.