Năm Dần kể chuyện cọp Thất Sơn

Bên chân núi Kéc là trại ruộng Thới Sơn (nay là Nhà Bàng, Tịnh Biên), là nơi diễn ra cuộc tranh tài ác liệt giữa Bùi Thiền Sư và cọp dữ
Bên chân núi Kéc là trại ruộng Thới Sơn (nay là Nhà Bàng, Tịnh Biên), là nơi diễn ra cuộc tranh tài ác liệt giữa Bùi Thiền Sư và cọp dữ
“Thất Sơn huyền bí” là cụm từ mà nhân dân cả nước dùng để nói về những điều bí hiểm của một vùng đất biên thùy cực Nam vào những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước.

“Thất Sơn huyền bí” là cụm từ mà nhân dân cả nước dùng để nói về những điều bí hiểm của một vùng đất biên thùy cực Nam vào những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước.

Đây là giang sơn của ác thú và bệnh tật hoành hành. Nhưng đó cũng là nơi các đạo sĩ, nhà sư đến tu tập hoặc hành thiện cứu đời, giúp nước trong ách thống trị của ngoại bang.

Nhận xét về miền Thất Sơn, học giả Pháp P.Gourou đã viết trong quyển L’utilisation du sol en Indochine Francaise, rằng đây là một nơi độc đáo mà toàn cõi Nam kỳ không có địa thế nào giống như vậy.

Đúng vậy, miền đất này thuở ấy là một nơi bí hiểm với nhiều chuyện ly kỳ nên người đời gọi là “Thất Sơn huyền bí”. Trong bối cảnh ấy, con người và ác thú, nhất là cọp, đã “gặp” nhau tạo nên những câu chuyện huyền thoại.

Nhân năm Canh Dần, xin kể một vài chuyện ngày nay hiếm người biết, trước tiêu khiển, sau ngẫm nghĩ về việc “tương sanh” giữa con người và con thú.

Thất Sơn còn được gọi là Bảy Núi, tên gọi rất quen thuộc với người địa phương và của cả nước. Theo cố bô lão Lương Văn Phụng thì Thất Sơn gồm 7 ngọn: núi Kéc (Anh Vũ Sơn), núi Giài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn) và núi Tô (Phụng Hoàng Sơn).

Còn trong tác phẩm Thất Sơn huyền bí, nhà văn Hồ Biểu Chánh cho rằng Thất Sơn gồm: núi Trà Sư, núi Kéc, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Tô và núi Cấm.

Đại Nam nhất thống chí thì ghi Thất Sơn là núi Tượng, núi Tô, núi Cấm, núi Ốc Nhâm, núi Nam Vi, núi Châm Biệt và núi Nhân Hòa. Cho nên nhà văn Sơn Nam trong quyển Danh thắng miền Nam bảo: “Con số bảy này không căn cứ vào thực tế, có thể đến hai mươi hoặc ba mươi ngọn núi to nhỏ, nhưng Bảy là dựa vào phong thủy”.

Người địa phương thì coi Thất Sơn bắt đầu từ núi Kéc và chấm dứt tại núi Tô, trong địa phận hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (thuộc tỉnh An Giang ngày nay). Đó là một khu vực rộng mà tiền nhân đã ca ngợi:

“Trước ba sông thêm rạng chí tang bồng
Sau bảy núi chẳng nao lòng tuấn kiệt”

Học giả Nguyễn Văn Hầu phác họa khung cảnh Thất Sơn vào lúc bấy giờ trong tác phẩm Nửa tháng trong miền Thất Sơn như sau: “Xa xa một vài sóc Thổ (*) mà mỗi sóc thì đâu lối năm bảy mái tranh, còn bao nhiêu là rừng. Cọp beo, rắn độc cùng với những muỗi mòng, con ve, con vắt cùng nhau ngự trị một giang sơn riêng. Vậy mà có người vận động quần chúng vào đây để khai hoang lập ấp”. Đó là Phật Thầy Tây An.

Phật Thầy Tây An chính danh là Đoàn Minh Huyên, sinh năm Đinh Mão (1807) ở làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Đéc.

Sau thời gian hành thiện, bị Pháp bắt, không phát hiện “tội” gì nên chúng tha, ngài tìm đến núi Sam tu trong ngôi chùa của phái Lâm Tế. Đó là Tây An cổ tự ngày nay. Tại ngôi chùa này, ngài khai hoang mở trại ruộng cho bổn đạo vừa canh tác vừa tu tập vừa là cơ sở chống Pháp.

Hoạt động năng nổ nhất trong việc mở ruộng lập làng tại mảnh đất này là hai đại đệ tử của Phật Thầy Tây An: cụ Đình Tây (Bùi Văn Tây) và cụ Tăng Chủ (Bùi Văn Thân, cũng gọi Bùi Thiền Sư).

Trong khi cùng dân khai khẩn đất hoang, lập trại bên chân núi Kéc, đã có truyền thuyết về răn cọp dữ giữ yên trại ruộng của Bùi Thiền Sư.

Ông Tăng Chủ là một người hình vóc to lớn dị thường, miệng rộng, tai dài, hai bàn tay buông thõng phủ gối, tay chân đầy lông, tiếng nói vang vang như sấm động nhưng tâm tính là một con người thuần hậu. Đặc biệt, ông là một người võ nghệ cao cường. Nguyễn Văn Hầu kể chuyện Bùi Thiền Sư với cọp trong tác phẩm Nửa tháng trong miền Thất Sơn, như sau:

“Một lần cọp về xóm vào chập tối, người ta rút lên trên gác đóng cửa kín mít, đánh mõ tre báo động vang trời. Ông Tăng một mình cầm mác thong (**) trèo xuống thang rượt cọp. Dưới ánh trăng mờ, cọp nhào tới phủ lên mình ông Tăng. Ông lẹ làng ngồi xuống, một tay dựng đứng mác thong lên, một tay thủ thế chờ cọp rơi xuống. Cọp hoảng hốt khi gặp tọa bộ của ông Tăng cùng ánh sáng lấp lánh của ngọn mác thong, liền né sang một bên. Trong lúc cọp mất thăng bằng chao mình trên lưng chừng, thì ông Tăng đấm lẹ vào hông nó một quả đấm thôi sơn và thuận chân bồi thêm vào hạ bộ nó một miếng đá nặng đòn. Cọp rống lên một tiếng vang rừng rồi ngã lăn bất tỉnh.

Ông Tăng không giết cọp, bước tới vực nó dậy, miệng lẩm bẩm:

- Tao tha cho, từ nay phải bỏ tánh ngang tàng, đừng tới đây nữa mà mất mạng!

Cọp gằm mặt xuống đất, kéo la lết cái chân què vào rừng và từ đó không dám bén mảng đến xóm nữa”.

Chuyện đánh cọp và thu phục cọp của Tăng Chủ đâu chỉ một lần, mà cả năm ba lần. Vì vậy mà những khi thấy bóng dáng ông thì chúa sơn lâm đều lủi nhanh, chạy thục mạng vào rừng sâu. Điều đáng quan tâm là những khi bị tai nạn như sập bẫy hoặc đau bệnh gì đó, bọn ác thú này cũng đều tìm đến ông để được chữa trị. Nguyễn Văn Hầu kể tiếp chuyện ông Tăng Chủ trong quyển sách nêu trên:

“Ở tại đình Xuân Sơn, một hôm ông Tăng đi thăm ruộng về thì trời đã tối. Khi đến gần cửa, ông trông thấy bóng một con cọp nằm lù lù bên mé đường mòn. Thấy ông, nó đứng dậy há miệng, quào cổ rồi cúi đầu tỏ vẻ đau đớn lắm.

Ông Tăng hiểu ý nó, bảo:

- Mắc xương rồi đó chớ gì! Sao không tới đây sớm tao cứu cho mà để đến nỗi ốm o quá vậy? Thôi, nếu quả mắc xương thì ngay cổ ra.

Cọp riu ríu vâng lời. Ông Tăng co tay ấn vào cổ nó một cái. Lập tức nó sặc lên mấy tiếng rồi khạc ra một thỏi xương lớn.

Vài hôm sau, cọp cõng tới trước sân trại ruộng ông Tăng một con heo rừng vừa vật chết để đền ơn cứu mạng”.

Thất Sơn còn là nơi khai phát đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Bửu Sơn hay Bảo Sơn là hai tên gọi khác của miền đất biên thùy này. Vì vậy Bửu Sơn Kỳ Hương có nghĩa là mùi thơm quý lạ giữa núi báu.

Đạo này do cụ Ngô Lợi (Ngô Viện, Ngô Tư Lợi) sáng lập. Vì giữ “tứ ân”, trọng “hiếu nghĩa” là: ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn tam bảo, ơn đồng bào và nhân loại nên còn gọi là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Ngoài tu tập, đạo này còn là một phong trào nghĩa quân kháng Pháp.

Về cụ Ngô Lợi, có một vài chi tiết liên quan tới cọp như cụ sinh năm Canh Dần (1830) (tại Dội, gần biên giới Việt Nam - Campuchia). Cụ Ngô Lợi liên lạc với cụ Quản cơ Trần Văn Thành - một đại đệ tử của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên và là một lãnh tụ kháng Pháp. Vì vậy mà nhà cầm quyền thực dân bí mật theo dõi, tìm bắt nhưng không hoàn thành kế hoạch.

Là vị khai sáng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương nên khi cụ Ngô Lợi viên tịch (vào năm Canh Dần, 1890) trong lúc không đau ốm gì, được bổn đạo suy tôn là Đức Bổn Sư. Tương truyền, di hài cụ được một mãnh hổ cõng vào giấu trong một hang núi, đặc biệt xác không có mùi hôi thối, chỉ dần khô lại.

Đó chỉ là một vài chuyện của vô vàn chuyện về Thất Sơn huyền bí.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.