Năm của các sự kiện lớn, hướng đến Kỷ niệm 50 năm thành lập Báo Giác Ngộ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1285 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1285 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chúng ta đang bước vào những ngày đầu của năm mới 2025, năm với các sự kiện lớn của TP.HCM, đất nước và Phật giáo.

Ngày hội của non sông

Đó là Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước 30-4 (1975-2025), một dấu son trong lịch sử của dân tộc, nối liền hai miền Nam-Bắc sau 21 năm chia cắt. 849.018 liệt sĩ đã hy sinh, hòa mình vào đất mẹ. Đó là chưa kể bao mất mát của người dân trong hoàn cảnh đặc biệt không ai muốn: chiến tranh!

Đất nước này, nền độc lập, hòa bình và thống nhất này, do đó, là vô giá; không thể đánh đổi bằng bất cứ mỹ từ hão huyền nào.

Trong ý nghĩa duyên sinh, chúng ta không bao giờ được quên sự hy sinh của các thế hệ tổ tiên, ông cha, tiền nhân; và không được quyền xao nhãng trách nhiệm thừa kế, thấu cảm những nỗi nhọc của dân, như Trần Nhân Tông đã cảm tác hơn 700 năm trước, sau chiến thắng Bạch Đằng:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Bởi chiến tranh của dân tộc ta là chiến tranh nhân dân, có lúc cả người tu cũng phải cởi cà-sa khoác chiến bào ra trận, tự nguyện làm điều mà trong đời thường không ai muốn chỉ để bảo vệ đất nước.

Do vậy, để không phụ bao hy sinh của hàng triệu người đã ngã xuống để cho đất nước có hình hài như hôm nay, chỉ còn con đường sống thật xứng đáng, vượt lên mọi hẹp hòi, cùng một mục đích duy nhất là xây dựng đất nước vươn mình, phát triển nghìn thuở vững vàng.

Ngày hội của Phật giáo 5 châu

Năm 1999, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thống nhất thông qua quyết định Vesak - Kỷ niệm ba sự kiện thiêng liêng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Ngày Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn là Lễ hội văn hóa toàn cầu. Hàng năm, sự kiện này được tổ chức ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York và các quốc gia thành viên.

Khó khăn chung của TP.HCM, đất nước cũng đã từng bước vượt qua, theo đó khó khăn của Báo Giác Ngộ cũng vậy, chắc chắn sẽ vượt qua, và khi đứng vững được rồi thì tiếp tục phát triển, các huynh đệ cùng nỗ lực đưa tờ báo tiếp tục phát triển với vị trí quan trọng trong Phật giáo, như chúng ta đã làm được trong gần 50 năm qua. Dù tôi hiện diện hay sẽ không hiện diện ở Báo Giác Ngộ, thì tấm lòng của tôi vẫn sống với tờ báo này cùng tất cả huynh đệ, để giữ vững tiếng nói của Phật giáo và nâng lên một tầng cao mới trong giới báo chí ở Việt Nam chúng ta”.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ GHPGVN

Việt Nam là nơi đã từng ba lần tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (Hà Nội 2008, Ninh Bình 2014, Hà Nam 2019). Đầu tháng 5-2025 này, lần thứ tư sự kiện này được tổ chức tại nước ta, và lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, nối tiếp chuỗi hoạt động Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Đại diện của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục sẽ cùng về Việt Nam, quy tụ tại TP.HCM tham dự sự kiện này.

Đây là dịp để chúng ta, những người Phật tử, cả xuất gia và tại gia, để Giáo hội giới thiệu bản sắc Phật giáo Việt Nam gắn bó với dân tộc hơn hai ngàn năm qua, với các thành tựu về tư tưởng, như lời của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ khẳng định trong Diễn văn khai mạc Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981: “Phát xuất từ trong lòng một dân tộc thông minh, sáng tạo, lại được huấn luyện trong ánh sáng trí tuệ của Phật-đà, Phật giáo Việt Nam luôn luôn biết ứng phó với hoàn cảnh trong mọi tình huống, tìm được cho mình những pháp môn tu hành riêng biệt Việt Nam, thể hiện được những sắc thái độc đáo của một nền văn hóa Phật giáo gắn chặt với nền văn hóa dân tộc”.

50 năm Báo Giác Ngộ

Nếu tính thời gian ngày được cấp giấy phép hoạt động báo chí, năm 2025 cũng đánh dấu Báo Giác Ngộ tròn nửa thế kỷ phụng sự Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc từ sau ngày đất nước thống nhất cho tới nay.

Trải qua những chặng đường phát triển, Báo Giác Ngộ - tiếng nói của Phật giáo yêu nước, là cơ quan ngôn luận vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trở thành tiếng nói chính thức của Giáo hội. Báo không chỉ mang trách nhiệm thông tin hoạt động Phật giáo trên cả nước và cả nước ngoài, mà còn làm chiếc cầu nối chuyển tải chính sách về tôn giáo đến với hàng chục triệu tín đồ và phản ánh tâm tư nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử đến lãnh đạo.

Báo Giác Ngộ được xem là một tờ báo thông tin chung của GHPGVN. Đặc biệt, với chức năng và nhiệm vụ được giao, Báo Giác Ngộ đã kịp thời thông tin về các thành quả và nội dung của các hội nghị, đại hội Phật giáo các cấp của Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, cũng như giới thiệu các sinh hoạt, tu học tại các tự viện, Tăng Ni, Phật tử đến với độc giả trong và ngoài nước. Báo Giác Ngộ đã cùng với Giáo hội kịp thời phủ chính những thông tin, hình ảnh chưa chính xác, thậm chí là thông tin không chính xác đối với tự viện, cá nhân Tăng Ni thuộc GHPGVN”.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn

Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Trong Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Báo Giác Ngộ được giữ nguyên, không sắp xếp lại.

Báo cũng được xem là “ngọn cờ đầu” của Giáo hội, về lĩnh vực thông tin, truyền thông và báo chí, có công lớn đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 2025 đánh dấu tròn 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, trong đó Báo Giác Ngộ cùng với một cơ quan báo in tôn giáo khác được xem là điểm son, sự sáng tạo và niềm tự hào; là cơ quan báo có thời gian hoạt động liên tục, lâu nhất, đa dạng trong sản phẩm báo chí đối với 96 năm lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam, kể từ ngày tạp chí Pháp Âm ra đời, đặt nền tảng cho công cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX.

Quá trình và lịch sử là một vấn đề quan trọng, không có một tồn tại nào mà không có quá khứ và lịch sử của riêng mình. Tuy nhiên, không thể bám trụ vào quá khứ mà để bụi thời gian che khuất tầm nhìn tương lai, điều quan trọng và ý nghĩa hơn hết chính là nhận thức đúng đắn trong hiện tại để có những nỗ lực, hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số và xây dựng chất lượng thông tin nhằm đồng hành cùng độc giả, gắn bó với Tăng Ni, tín đồ và những người yêu mến đạo Phật. Đó là một cơ hội lớn mà thời đại đem đến với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật nhưng đồng thời cũng là một thách thức để Ban Biên tập Báo Giác Ngộ phải hướng tới nhằm tiếp tục song hành cùng đất nước.

Những gì có được hôm nay là thành quả của các thế hệ lãnh đạo TP.HCM, lãnh đạo đất nước, chư vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, đặc biệt là sự yêu mến của Tăng Ni, Phật tử, bạn đọc báo Giác Ngộ. Với cơ sở đó, cùng những đổi mới tinh gọn để vươn mình mạnh mẽ hơn, Báo Giác Ngộ chắc chắn cần sự chuyển đổi theo thời đại, nỗ lực hơn nữa để hòa mình vào hệ sinh thái số, đến với bạn đọc, cung cấp những gì bạn đọc cần trong một thế giới thông tin toàn cầu với nhiều công cụ thông minh…

Chào năm mới 2025 với những sự kiện quan trọng của đất nước và Phật giáo, cả với tuổi 50 năm của Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.