Myanmar cấm du khách leo lên các ngôi chùa ở Bagan

Myanmar đã cho tăng cường bảo vệ quanh các ngôi chùa ở Bagan để ngăn du khách không leo trèo lên sau khi cố đô này trở thành Di sản thế giới mới được UNESCO công nhận trong tháng 7-2019.

bagan-15641104767541466567720_jpg.jpg
Du khách chờ ngắm hoàng hôn từ đỉnh chùa Shwesandaw ở Bagan. Ngắm hoàng hôn hay bình minh trên nóc các ngôi chùa là một trong những điều thu hút du khách nhưng có hại cho các ngôi chùa - Ảnh: REUTERS

Theo báo Anh Independent, chính quyền Myanmar đang nỗ lực bảo vệ các bảo tháp, chùa, tu viện, công sự và các di tích khác của Bagan vì danh hiệu mới đi kèm với những ràng buộc về bảo tồn.

Cụ thể, Myanmar cam kết di dời tất cả khách sạn trong khu phố cổ hiện nay ra khu vực dành riêng cho lưu trú vào năm 2028.

Trước đây, Bagan từng cấm du khách leo trèo lên các ngôi chùa trong thành phố cổ nhưng không thực hiện triệt để do lo ngại mất khách du lịch.

Theo trang tin tức Mizzimar, bảo vệ sẽ được bố trí trực ở nhiều địa điểm để ngăn du khách leo lên các công trình cổ. 

Tuy vậy nhiều du khách tỏ ra không vui với chính sách mới này. Anh William Wright, du khách người Mỹ, cho biết: "Ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn là điều tôi mong chờ nhất khi đến Bagan. Tôi đã chạy khắp các ngôi chùa trong ba ngày với hi vọng tìm được một chỗ ngồi với tầm nhìn tốt. Tuy nhiên, không có chùa nào còn cho du khách leo lên nữa. Đây thực sự là một thông tin làm du khách bực bội".

Rất nhiều chùa trong phố cổ Bagan đang trong tình trạng hư hại, cần phục dựng và đã đóng cửa không cho tham quan kể từ năm 2016 do hậu quả của một trận động đất mạnh tàn phá thành phố.

2016-bagan-1564109924564288349327_jpg.jpg
Cảnh hoang tàn tại một ngôi chùa ở Bagan sau trận động đất năm 2017 - Ảnh: REUTERS

Được UNESCO công nhận Di sản thế giới có thể thúc đẩy du lịch ở Bagan nhưng người địa phương cho rằng họ muốn sự tăng trưởng này phải bền vững và bất cứ sự thay đổi nào ở đây cũng phải do người dân địa phương thực hiện.

"Bagan không chỉ là nơi có vẻ đẹp siêu phàm, mà còn có tầm quan trọng to lớn về lịch sử, là di sản của một nền văn hóa đa dạng tràn đầy năng lượng và cởi mở với thế giới bên ngoài, một nơi mà chúng ta vẫn có thể rút ra bài học và cảm hứng", ông Thant Myint U, nhà sử học và đồng thời là chủ tịch Hội di sản Yangon, nói trên tờ Myanmar Times.

Ông Myint U cũng cho rằng cần phải di dời tất cả các hoạt động thương mại khỏi khu phố cổ, đảm bảo người dân Myanmar bình thường có thể tiếp cận nơi này và không biến Bagan thành một nơi thuần du lịch. Học sinh, sinh viên, người hành hương Myanmar cần được xem là trung tâm của kế hoạch liên quan đến Bagan.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.