GNO - Từ 5 năm trở về trước, Sri Lanka vẫn còn khá mới mẻ và chưa được biết rộng rãi với nhiều người học Phật tại Việt Nam nhưng những năm gần đây số lượng du học sinh Việt Nam đến đất nước này nhiều hơn.
Theo đó, trước năm 2010 có khoảng 5-10 du học sinh thì cho đến thời điểm hiện tại, số lượng Tăng Ni sinh và sinh viên Việt Nam học tại Sri Lanka đã vượt hơn 50 vị, con số này tăng lên sau mỗi năm.
Theo khảo sát của chúng tôi thì nơi đây đang trở thành địa điểm du học Phật pháp được nhiều Tăng Ni sinh VN chọn lựa (sau Ấn Độ và Myanmar về số lượng du học sinh).
Tăng Ni sinh VN du học tại Sri Lanka
Sri Lanka là đất nước Phật giáo Nam truyền với số lượng Phật tử chiếm 70,1% dân số. Đây là trung tâm học tập và nghiên cứu Phật giáo số 1 của thế giới với truyền thống học thuật lâu đời. Phật giáo đươc truyền vào Sri Lanka vào thế kỷ thứ 3 TCN và cũng là nơi sản sinh ra các học giả Phật giáo lỗi lạc như ngài Buddhaghosa cũng như vô số các học giả Phật giáo nổi tiếng thế giới thời cận hiện đại.
Sri Lanka có công lao lớn trong việc bảo tồn kho tạng kinh điển Pali vốn ban đầu lưu giữ bằng truyền thống tụng thuộc và cũng là nơi đầu tiên chuyển bộ đại tạng thành chữ viết.
Sri Lanka có di sản giáo dục Phật giáo hàng ngàn năm, nguồn kinh sách, tài liệu Phật pháp phong phú, học giả tinh thông cả Phật giáo Nam truyền (Pali tạng) lẫn Phật giáo Đại thừa (Sanskrit tạng).
Đây cũng là quốc gia Phật giáo thuần thành, người dân hiền hoà, xã hội đạo đức. Ngũ giới là nền tảng đạo đức căn bản của xã hội. Uống rượu và hút thuốc được coi là hành động rất xấu xa và tuyệt đối không được phép xuất hiện nơi công động cũng như để trẻ con thấy được. Ngày Chủ nhật và ngày Rằm (Poya hay Fullmoon day) hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa để người dân đi chùa tu học, cúng dường, nghe Pháp.
Ngoài ra, với hệ thống quần thể di sản Phật giáo của thế giới như trung tâm Phật giáo cổ đại với cây Đại Bồ Đề tại Anuradhapura, kinh thành Polonaruwa, chùa Xá Lợi Răng Phật Maligawa cùng cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, được người dân Sri Lanka bảo tồn do được giáo dục từ nhỏ về không chặt phá cây cối, bảo vệ núi rừng sông hồ, muôn thú sống bình yên, tự do mà không lo bị săn bắt, giết hại.
Đặc biệt, chư Tăng Ni rất được cung kính tại đất nước này.
Chương trình giáo dục đại học và sau đại học của Sri Lanka
Chương trình đại học hay Cử nhân (BA-Bachelor of Art hay Undergraduate Program) kéo dài trong thời gian 4 năm với 8 học kỳ. Sinh viên được trang bị các kiến thức nội điển, ngoại điển, cổ ngữ Pali và Sanskrit (tuỳ chọn) cùng các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học để học viên có đủ khả năng làm việc, nghiên cứu độc lập hoặc trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới đáp ứng nhu cầu mới của thời đại.
Sinh viên có thể chọn một trong 3 ngôn ngữ Anh văn, Sinhalese, Tamil để theo học.
- Chương trình sau đại học (Postgraduate Programs) bao gồm Thạc sĩ (MA), Phó Tiến sĩ (MPhil) và Tiến sĩ (PhD).
Chương trình MA chia làm 2 loại - MA một năm và MA hai năm. Đối với MA một năm hay còn gọi là chương trình A, học viên hoàn thành từ 6 - 10 học phần và viết bài tiểu luận nhỏ khoảng 5.000 từ. Tuy nhiên muốn học tiếp lên Tiến sĩ, học viên phải học lớp MPhil (2-3 năm) bắt buộc.
Chương trình MA hai năm hay còn gọi là chương trình B, học viên trải qua một năm đầu để học các học phần bắt buộc và năm sau làm và bảo vệ luận văn tốt nghiệp trước hội đồng khoa học. Tốt nghiệp chương trình MA hai năm, học viên có thể nộp đơn và đề cương nghiên cứu (proposal) - xin xét trực tiếp lên làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ mà không cần phải qua MPhil.
Chương trình MPhil (Master of Philosophy) dài khoảng 2-3 năm, học viên không học như MA mà chỉ làm việc nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo sư (supervisor). Sau khi hoàn thành MPhil, học viên có thể đăng ký lên Tiến sĩ.
Riêng trường Kelaniya University, sau một năm MPhil, nếu học viên đã viết được trên 2 chương cho luận án (thesis) có thể được xét chuyển tiếp lên chương trình Tiến sĩ. Cuối cùng, chương trình cao nhất là nghiên cứu sinh (NCS) Tiến sĩ dài từ 3-5 năm: NCS làm việc và tự nghiên cứu độc lập dưới sự hướng dẫn của giáo sư được phân công. Luận án Tiến sĩ phải được thẩm định và xét duyệt qua một hội đồng khoa học.
Các trường đại học nổi tiếng của Sri Lanka
1) Buddhist & Pali University of Sri Lanka (BPU) ở Colombo chuyên đào tạo về chuyên ngành Phật học và Pali với các chương trình BA, MA, MPhil, PhD. Đây là trường được Nhà nước tài trợ đặc biệt cho Tăng Ni nên học phí vào loại rẻ nhất nước. Chương trình BA học phí khoảng 150 USD/năm có ký túc xá (KTX) cho sinh viên quốc tế (1.000 rupees/1 tháng - tương đương 165.000VND). Học phí MA khoảng gần 100 USD/khoá. MPhil (khoảng 1.000 USD/năm). Tuy nhiên đầu ra của trường khá khó, chỉ khoảng 10-15% sinh viên tốt nghiệp mỗi năm; không có KTX cho học viên sau đại học - Website: www.bpu.ac.lk
2) Kelaniya University (cách thủ đô Colombo 15km): chương trình đào tạo giống PBU, BA (4 năm) khoảng 500-650 USD/năm, MA học 6 môn với mức học phí 750 USD/năm, MPhil khoảng 1.000 USD/năm, PhD tương đương MPhil. Trường không có KTX cho sinh viên quốc tế nên sinh viên phải tự tìm nhà trọ hoặc chùa để ở - Website: www.kln.ac.lk
3) Peradeniya University: trường xếp hạng 2 sau Colombo University (trường Colombo không có khoa Phật học) theo bảng xếp hạng Đại học Quốc tế của Sri Lanka, trường toạ lạc tại Peradeniya gần thành phố cổ Kandy. Chương trình MA một năm học 10 môn, không nộp tiểu luận và MA hai năm học 6 môn và thesis với mức học phí tương đương 1.200 USD/khóa, PhD học phí khoảng 4.200 USD/khoá. Giống Kelaniya University, trường không hỗ trợ KTX cho SV Quốc tế - Website: www.pdn.ac.lk
4) Sri Lanka International Buddhist Academic (SIBA) thuộc quản lý của chùa Xá Lợi Răng Phật Maligawa, thành phố di sản Kandy. Trường SIBA liên kết cấp bằng với MCU của Thái Lan có hỗ trợ KTX cho SV Quốc tế. Cảnh quan đẹp và mát mẻ, môi trường học quốc tế thuận lợi trao đổi tiếng Anh. Trường SIBA hiện có chương trình ưu đãi cho sinh viên đến từ Việt Nam, Trung Quốc và Myanmar với mức học phí trọn gói (5.000 USD/BA 4 năm) và 5.500 USD/MA 2 năm, PhD 3 năm, không có chương trình MPhil) bao gồm học phí chương trình và một khoá học Diploma tiếng Anh, chỗ nội trú (phòng ghép), phí bảo hiểm y tế suốt khoá học - Website: www.sibacampus.com
Những điều cần thiết chuẩn bị cho việc du học tại Sri Lanka
- Tài chính: các trường đại học tại Sri Lanka ít khi có học bổng cho sinh viên nước ngoài nên ngoài mức học phí đã nêu trên, mỗi du học sinh cần chuẩn bị tài chính cho việc ăn ở đi lại. Mức chi phí sinh hoạt trung bình mỗi năm khoảng 3.000 USD;
- Sức khoẻ: học tập bên nước ngoài cần có sức khoẻ tốt để có thể đảm bảo việc học tập, nghiên cứu lâu dài. Khí hậu, thổ nhưỡng của Sri Lanka tương đối giống Việt Nam (khu vực Colombo khí hậu giống Sài Gòn, khu vực Kandy thuộc vùng cao nguyên nên khí hậu mát mẻ giống Đà Lạt) nên việc thích nghi với điều kiện mới không quá khó khăn; thử thách duy nhất có lẽ là thức ăn của Sri Lanka khá khác biệt thức ăn Việt Nam, có mùi cà ri Ấn Độ;
- Ngoại ngữ và cổ ngữ: 90% người dân Sri Lanka có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Hầu hết các trường đại học dạy bằng tiếng Anh và Sinhalese. Do đặc điểm Phật giáo Nam truyền nên cổ ngữ Pali là một bắt buộc, biết thêm Sanskrit là một lợi thế trong nghiên cứu. Để có thể bắt nhịp tốt với chương trình học tại Sri Lanka, học viên bắt buộc phải thông thạo tiếng Anh (từ trình độ B, C hoặc TOELF IBT 60, IELTS từ 6.0 trở lên), hầu hết các trường đại học đều không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ khi đăng ký.
Thủ tục đăng ký nhập học: Trường PBU, Kelaniya, Peradeniya bắt đầu phát và nhận hồ sơ nhập học từ khoảng tháng 10, 11 và nhập học đầu tháng 2 mỗi năm. Trường SIBA có thể nộp từ tháng 6, 7, 8 cho học kỳ mùa thu và tháng 1, 2, 3, 4 cho học kỳ mùa xuân.
Giấy tờ đăng ký bao gồm: 1) đơn xin nhập học (theo mẫu download từ website của trường), 2) bằng cấp và bảng điểm. Nếu học BA thì cần bằng tốt nghiệp THPT và học bạ hoặc bằng và bảng điểm các trường trung cấp, cao đẳng Phật học tại Việt Nam. Học viên MA cần nộp bằng, bảng điểm Học viện Phật giáo Việt Nam hoặc bất cứ đại học nào của Việt Nam (những nhóm ngành không thuộc khối Khoa học Xã hội & Nhân văn phải học chuyển đổi). 3) Giấy khai sinh và passport. 4). 3 - 5 ảnh passport (kích cỡ 5x5). 5) Giấy chứng nhận Tăng Ni (Tăng tịch) không bắt buộc đối với các trường thuộc Bộ Giáo dục.
Visa: sau khi nộp hồ sơ, nếu trúng tuyển, các trường Đại học sẽ gửi giấy thông báo trúng tuyển về để xin visa. Lưu ý quý thầy cô cần phải xin loại ENTRY VISA tại Lãnh sự quán (LSQ) Sri Lanka tại Hà Nội (có thể gửi giấy tờ nhờ người làm giúp mà không cần phải ra Hà Nội). Nếu xin VISIT VISA sẽ không được gia hạn RESIDENCE VISA 1 năm và buộc phải trở về nước để làm lại ENTRY VISA.
Phí xin ENTRY VISA tại LSQ khoảng dưới 60 USD có giá trị trong vòng 1 tháng. Sau khi qua Sri Lanka, học viên sẽ tiếp tục làm gia hạn RESIDENCE VISA 1 năm. Ngoại trừ SIBA được miễn phí (RELIGIOUS VISA), sinh viên các trường Đại học còn lại phải đóng 20.000 rupees (khoảng 138 USD) cho 1 năm gia hạn.
Thích Đồng Tâm
* Để biết thêm thông tin chi tiết, quý sư, thầy cô có thể tham khảo tại website chính thức của trường hoặc nhận sự tư vấn trực tiếp từ ĐĐ.Thích Đồng Tâm (facbook: Áng Mây Bay; số điện thoại, Viber, Zalo: +94.71.359.2531; email: nguyenkhactin@yahoo.com).