GN Xuân - Đối với tôi, Tết có mùi tuổi thơ. Đó là thứ mùi của lá khô đốt cháy, mùi của lá chuối hơ hơ trên bếp lửa để rọc ra gói bánh tét, bánh rò. Thứ mùi gọi chung là mùi tuổi thơ ấy còn là mùi gừng tươi giã nhuyễn để bỏ vô trong đường bát đun sôi, sên lại rồi để hòa với bột gạo, bột nếp làm bánh tổ hay đổ vào trong cốm nếp rang phồng, sau khi nhặt vỏ trấu thì bỏ vào khuôn ép thành bánh nổ.
Bánh tét ngày xuân - Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn
Tôi thương nhất là mùi chiều, khói bếp chụm bằng củi than nơi những nồi bánh tét sôi sùng sục tỏa ra. Đám trẻ con thường chạy lon ton quanh những nồi bánh to tướng, thường là của vài ba nhà chung xóm nấu chung cho đỡ củi lửa để hưởng khói thơm và hơi nước đậm đà mùi bánh nấu từ thứ nếp thơm (quê tôi gọi là nếp mèo) tỏa ra. Những ngày cuối năm trời lạnh, miền Trung thi thoảng còn có mưa phùn nên được chạy quanh những bếp lửa nấu bánh còn có một niềm thích khác: ấm!
Mùi của khói trầm hương mà người dân quê thắp mộ trong chiều ba mươi hay cúng rước ông bà trong những ngày cuối năm, rồi thắp nơi bàn thiên để cô bác “vô gia cư” (theo quan niệm cô hồn ở quê tôi) cũng là thứ mùi ký ức, cứ tới gần Tết là lại xộc về, nghe nhớ đến diết da, khó tả.
Mùi trầm hương ấy còn là kỷ niệm đầu tiên tôi theo mẹ tới chùa vào sáng mùng một, đầu năm, bà con quê tôi, dù có đạo hay không có đạo đều tới chùa thắp nhang dâng Phật, thì thầm nguyện cầu một năm thái hòa, an khang.
Mùi của Tết còn là mùi thức ăn quen thuộc, ngày mùng một Tết, hầu như ai cũng ăn chay nên tôi gọi đó là mùi thanh khiết. Người chưa theo Phật thì ăn chay kiểu “làm phép”, rằng, ăn một ngày đầu năm coi như ăn cả năm, tuy không đúng tinh thần nhà Phật nhưng khi ăn cũng tinh tươm chuẩn bị. Ở quê, ăn chay người ta chỉ biết tới đậu hủ, rau luộc hay rau sống gì đó nên hễ nghe ai ăn chay trường thì thường dễ được người ta lè lưỡi, rồi khen, và xuýt xoa “răng mà giỏi rứa hè”.
Tôi đi xa mưu sinh, về bày lại cho má nhiều món chay ngon, đẹp mà mình có duyên được thưởng thức ở chốn thị thành, rồi má học, làm theo, ai tới nhà tôi ngày mùng một cũng được ăn thử món này, món kia và khen ngon. Mùi Tết là mùi của những món chay chiên-xào lan tỏa từ những buổi sớm chuẩn bị mâm cúng dâng ông bà mà má là đầu bếp chính, chuẩn bị chu đáo, cẩn thận, với tâm niệm cúng kính phải làm đàng hoàng, bởi “trước cúng sau mới được ăn”.
Còn âm thanh Tết? Với tôi, đó là tiếng sột soạt của chổi chà quét sân, quét ngõ của chị Hai con cậu gần nhà, tiếng của bà con ở quê xúm xít, chung tay phát tỉa bờ rào chè tàu để đón Tết thật đẹp. Từ hàng chè tàu tới góc sân với những chậu hoa vạn thọ do chính người dân quê trồng, tỉa, chăm chút, gửi gắm tình cảm được bài trí trở lại, ở những vị trí thích hợp để Tết thực sự về, rực rỡ.
Tiếng của những bước chân đi ngoài đường, sát bờ hè nhà tôi cùng dăm ba câu đổi trao của dì Bảy, cô Ba xóm dưới ngang nhà khi sương mai còn dày đặc cũng là thứ âm thanh đặc quánh mang tên “ký ức Tết”. Quê tôi hồi đó, nói nghe xa xôi vậy chứ chừng mười năm trước, khi cái ăn còn thiếu thì người ta vẫn còn làm đủ thứ bánh trái quê nhà, bây giờ đa số dùng bánh mua… cho khỏe. Những người hoài cổ và thích những điều dung dị, chân quê như tôi thì lại nhớ khôn nguôi cái tiếng chày cối đá quết bột bánh in cồm cộp, nhớ cả tiếng lách tách của lửa than để dưới những nia bánh được sắp cẩn thận…
Tiếng chuông chùa vào đúng lúc giao thừa vang vang trong màn đêm, báo hiệu năm cũ qua, năm mới tới cũng là thanh âm trong trẻo để tôi nhớ, và chờ đợi trong mỗi đêm cuối năm, thời khắc giao thừa. Ngày trước, khi pháo còn được phép đốt, tiếng pháo nổ râm ran đêm ba mươi, sáng mùng một của nhà hàng xóm cùng mùi thuốc pháo ngai ngái cũng gợi cho lòng mình thổn thức mỗi khi nghĩ về.
Thanh âm, mùi, màu… những “trần cảnh” tác động tới “sáu căn” của mỗi người đủ để gọi Tết về trong tâm tưởng luôn là những tươi vui, lành mạnh, đậm đà tình nghĩa. Trong đó, nhất là những lời chúc nhau một cách chân thành của người quê - với tôi, là âm thanh mang tên xí xóa những vui buồn trong năm, cùng hướng về phía trước trong tình làng xóm tắt lửa tối đèn có nhau, hoạn nạn chia chung…