Vào dịp cuối năm, nhìn thiên hạ đổ xô đi sắm tết, chuẩn bị Noel, tôi lại nhớ đến nao lòng không khí tết ở quê. Gió se se lạnh. Nắng hanh hao. Mưa bụi lây phây như đính kim sa trên mái tóc mướt xanh của cô thôn nữ. Gò má ai ửng đỏ, tiếng cười ai khúc khích vắt vẻo hai triền đê. Và đặc biệt là hương trầm ngan ngát, nghi ngút trên bàn thờ tổ tiên. Có một cảm giác thật thiêng liêng, thanh tịnh.
Mẹ tôi bảo: “Thành tâm cúng lễ là một cách nhớ ơn đến những người đã khuất. Quan trọng không phải là mâm cao, cỗ đầy hay nhiều món sơn hào hải vị. Cái chính là ở lòng thành. Vì vậy, mẹ chọn đốt hương trầm".
Tôi không thể quên dáng mẹ đứng lặng trước bàn thờ vái lạy cầu phúc cho cả gia đình trong buổi chiều tất niên. Năm nào cũng vậy, cứ vào những giây phút như thế, mẹ dễ xúc động và hay trầm ngâm. Dù không nói ra nhưng tôi hiểu, ở tuổi nào, cha mẹ cũng luôn là những bến bờ yêu thương, để con cái tìm về đón nhận sự che chở, vỗ về. Nhất là trong dịp cuối năm...
Nơi này, thành thị phồn hoa, đô hội. Rậm rịch chuyển sang tháng chạp, dạo quanh khắp lượt các cửa hàng, tôi chỉ thấy toàn hình ảnh ông già tuyết hay cây thông Noel trang trí rực rỡ sắc màu. Chợt "thèm” mùi hương trầm nhè nhẹ, lan toả trong không gian. Văng vẳng đâu đây, tiếng hát ai đưa: “Chúng ta lại đón giao thừa. Phút giây lặng lẽ mong chờ. Lắng nghe mùa xuân về…”, “Để biết ta còn mãi trong đời. Phút mong chờ ấy tuyệt vời. Chứa chan niềm tin yêu”.
Suốt năm hối hả làm việc, vào dịp này, ru hồn theo giai điệu sâu lắng của ca từ bài hát, mở lòng đón nhận mùi hương trầm quê nhà, những người con xa quê như tôi dường như có cơ hội “sống chậm lại”. Có người dành vài giây, phút hay thậm chí với ai giàu xúc cảm sẽ dành hàng giờ đồng hồ mà nhớ về cố hương. Rồi ước ao ngày trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mình cất tiếng khóc chào đời, gắn biết bao kỷ niệm mến thương.
Tết đang đến gần. Thi thoảng tôi vẫn cố đi tìm cho mình một mùi nhang thân thuộc. Đó là một phần hình ảnh quê hương lưu giữ trong trái tim tôi.