Mùa Tết ăn chay

Ăn chay, sống xanh là nếp sống văn minh của người hiện đại - Ảnh: Internet
Ăn chay, sống xanh là nếp sống văn minh của người hiện đại - Ảnh: Internet

GN - Đã thành thông lệ, cứ vào những ngày đầu năm là mẹ tôi lại làm nhiều món chay để cúng tổ tiên, cho mọi người dùng và dành riêng mẹ. Mẹ thường đùa với chúng tôi: “Ba mươi Tết mẹ làm bữa cơm ông bà toàn là món mặn, tụi bây ăn cho đã đi nghen. Chớ qua đầu năm, mẹ ăn chay cả tháng, không có làm món mặn đâu mà dùng. Phải ăn chay theo mẹ thôi”.

Mẹ nói thế, chứ mẹ vẫn làm hai loại chay và mặn, để đứa nào ăn chay không được thì dùng mặn, và ngược lại. Cũng giống như mẹ, cứ đến Tết là hầu như anh chị em tôi đều dùng các món chay. Sau một năm dùng mặn trường kỳ, cộng với mấy ngày Tết đi đến nhà nào cũng toàn thết đãi thịt, cá nên cả nhà tôi cảm thấy ngán. Dùng món chay là giải pháp tốt nhất trong những ngày này, vừa lạ miệng, ngon, độc đáo lại cảm thấy tâm hồn thanh thản hơn.

Ngay từ cuối năm, mẹ đã đi chợ Tết chuẩn bị các món chay, mặn chất đầy trong tủ lạnh, để đến khi đầu năm là mang ra chế biến cho cả nhà dùng. Cũng chỉ là rau quả thôi, nhưng qua tay mẹ chế biến thì ôi thôi, món chay không chê vào đâu được.

Mẹ chế biến rất giản đơn, không cầu kỳ về hình thức lẫn tên gọi, nhưng trong đó là cả một hương vị đậm đà, tinh tế. Mẹ thường hay làm món đậu hủ ướp sả chiên giòn, nấm rơm xào đậu que, nấm đông cô xào cải thìa, bông chuối chiên giòn, canh chua chay, kho quẹt chay dùng với rau luộc… Vậy đó, toàn “hoa quả sơn” thế mà ngon đáo để. Mồng ba Tết, thay vì cúng gà như những nhà hàng xóm, mẹ tôi lại đem đồ chay đặt lên bàn thờ gia tiên với nhiều món trang trọng.

Mẹ bảo: “Hồi sống, ba mày cũng thích ăn chay vào những ngày Tết như mẹ. Ổng ăn những món mẹ nấu riết rồi đâm ra nghiện như tụi bây vậy. Thế mà…”. Mẹ bỏ lửng câu nói. Tôi hiểu, những lúc này mẹ đang nuối tiếc, đang nhớ về ba.

Đầu năm, bạn bè của anh chị em tôi đến chơi rất đông, chủ yếu là họp lớp. Tụi nó chọn nhà tôi vì sau nhà có khuôn viên khá rộng, thoải mái cho việc bày tiệc, chơi đùa và… quậy. Mẹ tôi là đầu bếp chính, làm những món ngon đãi chúng tôi, còn chúng tôi chỉ chạy vòng ngoài chứ chẳng dám “múa rìu qua mắt thợ”. Mà lạ thay, trong bữa tiệc, thức ăn bày biện đủ thứ, chay có, mặn có, nhưng nhìn tới nhìn lui thì đồ chay cạn đĩa, trong khi đồ mặn còn ê hề. Đứa nào cũng có tâm lý giống như gia đình tôi: thấy thịt, cá ngán tận cổ. Lời khen dành cho mẹ không kể xiết. Có nhiều đứa còn xin cả một hộp đồ chay để về nhà dùng nữa.

Anh Hai tôi thấy mẹ ăn chay nhiều quá lại lo: “Mẹ ăn toàn là rau củ, sao có sức khỏe được. Con lo mẹ thiếu chất rồi sinh bệnh”. Mẹ cười đôn hậu, mắng yêu: “Cha mẹ này chứ bệnh. Năm nào mẹ cũng ăn chay cả tháng Giêng, rồi ngày rằm mỗi tháng, vẫn làm ô-sin cho tụi bay phây phây mà có sao đâu. Vả lại, tụi con thấy đó, nhiều nghệ sĩ ăn chay trường như Việt Trinh, Bạch Tuyết, Trương Thị May… vẫn có sức khỏe tốt, phục vụ văn nghệ cho công chúng thường xuyên đấy thôi”. Tôi hỏi thêm: “Sao có một số quán bán đồ chay mà toàn gọi tên món mặn vậy mẹ?”.

Mẹ giải thích: “Thực ra nữ NSND Bạch Tuyết cũng đã từng nói (trên báo Phụ Nữ TP.HCM), không nên để tâm chuyện tên gọi làm gì. Chẳng qua họ gọi thế là để tạo cảm giác dễ dùng cho những người mới tập ăn chay mà thôi. Quan trọng là mình có lòng, hướng thiện, hướng Phật là được rồi”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.