Mùa hoa Tết

GN - Ký ức hoa Tết lại có dịp bùng dậy trong tôi. Và, một miền nhớ, một miền nhớ từ gốc quê tràn về...

Cũng như những miền quê khác, quê tôi, khi tiết trời đã chuyển sang giữa thu, bà con đã chuẩn bị hoặc xuống giống trồng hoa Tết, tùy theo thời điểm rộ hoa của từng giống hoa. Thế là chả có một gia đình nào không trồng hoa Tết. Việc trồng hoa Tết ở quê tôi là để đón xuân. Mà trước hết để cắt cành cắm bình dâng lên bàn thờ tổ tiên ông bà cùng với mâm ngũ quả trong ba ngày Tết.

Không gì thiêng liêng và ấm cúng bằng chiều ba mươi Tết. Trong thời khắc thiêng liêng đó, ba tôi thường lau dọn lại lần cuối bàn thờ tổ tiên, rồi đặt lên bánh mứt cùng mâm ngũ quả, bình hoa đượm sắc, đẫm hương nhất do chính bàn tay ông chăm bón để dâng lên tổ tiên. Lúc đó trong ký ức tuổi thơ tôi rộn lên nỗi niềm khó tả, khi thấy ba tôi đốt hương tưởng nhớ ông bà rồi trầm ngâm bên tách trà nóng nhìn khói hương mềm mại như sợi tơ vòng vèo bay lên mà lòng ông như hoài tưởng xa xăm.

hoacucmamxoi.jpg
Hoa Tết

Hoa Tết trồng ở phố biển quê tôi vẫn là hoa vạn thọ, loại hoa Tết truyền thống, trồng bằng cách dâm cành, ít sâu bệnh lại rộ hoa thường đúng dịp Tết. Riêng cái tên hoa vạn thọ đã gợi lên sự vĩnh cửu trong bất tận thời gian. Sắc hương của hoa lại gần gũi thấm đậm nét xuân quê ấm áp, yên bình muôn thuở. Chẳng hiểu vì sao trong muôn ngàn hương sắc hoa xuân, khi nhìn hoa vạn thọ, lòng tôi lại ấm lên như bắt nhịp với nỗi vấn vương hoài niệm Tết quê nồng nàn. Bởi tình quê như đã đậm đặc trong tâm hồn, máu thịt tôi. Sắc hoa vạn thọ rực rỡ dưới nắng xuân xưa giờ lại hiện hữu, như dày thêm trong ngăn kéo ký ức riêng tôi.

Cũng như làng quê bên cạnh, gần nhà tôi lại có dăm ba gia đình chuyên nghề trồng hoa. Không những hoa Tết, lại trồng hoa cho cả ngày thường quanh năm suốt tháng. Nghề trồng hoa cũng mặn mòi, khổ nhọc không kém gì trồng rau đậu, lúa ngô. Cũng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng xem ra còn nặng lòng hơn. Thâu đêm suốt sáng quẩn quanh, gần gũi với hoa. Tưởng chừng như nghe được nhịp chuyển nhựa qua từng mạch cây, phiến lá, từng hơi thở của hoa. Ấy vậy mà hoa còn “đỏng đảnh” với nỗi nhọc nhằn với người chăm nó. Thiếu nước một tí đã héo lá. Thừa nước một tí lại úng thối thân cành, rục gốc.

Với hoa Tết, có thể nói người trồng có kinh nghiệm phải tính thời điểm ra hoa đúng dịp Tết theo từng giờ, chứ không phải tính theo ngày, tháng. Đấy là chưa nói đến sự thất thường của thời tiết. Quá nắng một chút hoa ít đậm sắc, ít ngát hương. Quá mưa một chút lại dập cánh, tàn nhụy. Lại cần phải nói đến thời điểm ra hoa. Nếu ra sớm hay muộn dịp hoa Tết, hoa mang nỗi oan “bẽ bàng” (đối với hoa trồng trong chậu). Lúc đó sợ hoa tàn, người trồng hoa phải cắt cành bán để cắm bình, thì chỉ mong sao kiếm lại chút vốn dành cho giống, cho phân. Còn công sức xem như ngửa mặt nhìn trời! Những năm mưa thuận gió hòa, tiết trời song hành với nhịp sống của hoa thì sắc hoa, hương hoa lại kiêu sa cùng niềm vui với người chăm bón .

Cùng với thú trồng hoa Tết, ba tôi lại có thú chơi mai, cây cảnh. Để có chậu mai ưng ý ra hoa đúng dịp Tết lại càng công phu hơn. Bởi nó đòi hỏi công chăm bón kéo dài cả năm. Ngoài việc tưới nước, việc uốn thân, sửa cành, bấm chồi, bón phân phải theo quy trình đúng thời điểm yêu cầu của cây mai, sự quyết định cho hoa mai rộ đúng dịp Tết còn phải nói đến việc trảy lá mai. Đấy là một nghệ thuật, một quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài của người chơi mai.

Tôi lớn lên đã thấy những chậu mai ba tôi trồng trước sân. Thuở ấy, khi tôi đến độ tuổi lớp năm, lớp sáu đứng sà sà bên chậu mai đã cùng ba trảy lá mai. Tôi thay ba trảy những cành thấp vừa tầm với của tôi. Cứ thế hàng năm tôi vẫn giúp ba công việc này theo tầm với cao hơn. Những lúc cùng ba trảy lá mai, tôi thường nghe ông đọc những câu thơ về hoa mai. Trong đó có câu xưng tụng hoa mai của Chu Thần Cao Bá Quát với những ngôn từ đẹp nhất: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm / Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm chu du tìm gươm cổ /Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai). Những kỷ niệm êm đềm ấy cùng hương sắc mai vàng theo suốt đời tôi.

Càng lớn, tôi càng biết cảm nhận thêm nét đẹp dung dị, ấm áp mà kiêu sa của hoa. Hàng năm, cứ sau ngày 23 tháng Chạp, ba hay đèo tôi trên chiếc xe đạp lên phố xem chợ hoa Tết. Thuở ấy, chợ hoa thường được bày bán ở những con phố có vỉa hè rộng. Tôi thích nhất được xem chợ hoa khi hoàng hôn xuống, khi đêm về. Muôn ngàn hương sắc hoa bồng bềnh cùng sương xuân, cùng sự tán sắc của những ngọn đèn đường mờ ảo, cùng những bước chân nhẹ nhàng, cùng lời chào mời, ngã giá lịch thiệp, nhỏ nhẹ của người bán kẻ mua. Tôi như đắm say, cuốn hút vào muôn sắc hoa. Và ngỡ như mình lạc vào đêm liêu trai. Ba tôi giục tôi về vì sợ đi đường đêm vắng. Tôi lại cứ tần ngần không muốn chia tay với những sắc hoa kỳ ảo trong đêm.

Màn đêm càng buông xuống, sương xuân giăng mắc càng dày, bồng bềnh trong  ánh điện, cùng sắc hoa lại càng cho đêm thêm huyền ảo. Trên đường về, dưới những ngọn đèn đường hắt bóng trong sương, qua những con phố vắng cùng hơi đêm se lạnh, thi thoảng tôi bắt gặp những gánh hàng hoa của những cô thôn nữ lặng thầm đếm bước, hay chiếc xe đạp chở đầy hoa vẫn còn rong ruổi. Tôi thầm nhủ: “Phía sau nét kiêu sa của hoa cũng lắm nỗi nhọc nhằn!”.

Tôi lớn lên theo từng mùa hoa Tết. Những năm lên phố trọ học cấp ba, vào dịp mùa hoa Tết, tôi lại thường về để cùng ba chăm hoa, cùng trảy lá mai, rồi cùng ba đi chợ hoa Tết. Không còn chiếc xe đạp cọc cạch, cà tàng soi đèn pin qua đêm, thay vào đó, ba chở tôi bằng xe máy. Chợ hoa Tết vẫn như xưa, duy chỉ khác những ngọn đèn đường cao áp sáng rực đến từng kẽ lá, cánh hoa trên những con phố rộng hay quảng trường thênh thang.

Thời gian vẫn trôi. Mùa hoa Tết lại về. Tôi đã trưởng thành. Năm nay tôi lại thay ba đèo ông bằng xe máy đi thăm chợ hoa Tết. Vẫn đi qua những con phố cũ. Ba tôi thỏ thẻ: Mùa  hoa Tết năm nào cũng đẹp phải không con? Tôi khẽ: Dạ! Và tiếng xuân cũng thì thầm trong tôi…

Bùi Huyền Tương

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.