Một trong “ngũ đại tòng lâm” của Gia Định xưa

GN - Cùng với quốc tự Khải Tường, các chùa Kim Chương, Mai Khâu (Gò Cây Mai) và Giác Viên, tổ đình Giác Lâm được liệt vào danh sách năm ngôi tòng lâm lớn, tiêu biểu (ngũ đại tòng lâm) của đất Gia Định đầu thế kỷ thứ XX.

Theo thời gian và những thăng trầm của lịch sử đất phương Nam nói riêng và của dân tộc nói chung, nhiều ngôi đại tòng lâm ấy đã không còn hiện hữu, may thay chúng ta còn được ngôi tổ đình này. Qua đó, hậu thế có thể có những cảm nhận cụ thể về đời sống văn hóa tâm linh của vùng đất Gia Định xưa, TP.Hồ Chí Minh ngày nay đã được bắt rễ như thế nào và có vai trò quan trọng gì vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa đặc trưng Nam Bộ, làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc.

>> Lễ kỷ niệm 270 năm khai sơn tổ đình Giác Lâm

BTN_01.jpg


Chùa Giác Lâm, Di tích văn hóa - lịch quốc gia - Ảnh: Bảo Toàn

Nơi lưu dấu ấn 270 năm

Sách Đại Nam nhất thống chí, tập thượng, phần về Biên Hòa - Gia Định đã đề cập đến ngôi chùa Giác Lâm. Theo đó, không gian nơi ngôi cổ tự này tọa lạc được mô tả như sau: “Chùa Giác Lâm ở địa phận xã Phú Mỹ Thọ, huyện Bình Dương, trên chỗ gò bằng, có gò kim đôi rộng độ ba dặm, trên gò cỏ thơm mọc dày như trải nệm, cây cao bóng mát như lọng che”.

Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí thì mô tả: “Chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn, cách phía Tây Lũy Bán Bích ba dặm..., cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú!"… Trịnh Hoài Đức cũng cho biết thêm, ngôi danh lam này được xây dựng trang nghiêm, phong cảnh u tịch thiền vị, là địa chỉ mà các tao nhân mặc khách trong vùng tìm đến đàm đạo, ngắm trăng, ngâm vịnh. Tác giả của Gia Định thành thông chí còn mô tả trong khuôn viên chùa có nhà thủy tạ giữa ao sen, dù ở chốn đô thị nhưng yên tịnh, “ngó xuống chợ búa rộn ràng xa cách ngoài tầm mắt”.

Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người xã Minh Hương phát tâm kiến tạo vào mùa xuân năm  Giáp Tý - 1744. Cột mốc hết sức quan trọng của lịch sử ngôi chùa được đánh dấu từ lúc Tổ Viên Quang được cung thỉnh về làm trụ trì vào năm 1772. Tên gọi chùa Giác Lâm (Giác Lâm tự) cũng bắt đầu từ đó .

Tổ Viên Quang (?-1827), trong phả hệ truyền thừa dòng Đạo Bổn Nguyên thiền phái Lâm Tế, thuộc đời thứ 36, sinh trưởng tại đất Đồng Nai, từ thuở nhỏ đã sớm bộc lộ tố chất pháp khí và thông minh khác người, là bằng hữu với Trịnh Hoài Đức. Sau khi xuất gia với Hòa thượng chùa Đại Giác (Đồng Nai), Tổ lên đường cầu học và có thiện duyên thọ giáo với Tổ Phật Ý Linh Nhạc, chùa Sắc tứ Từ Ân, một trong những đại tòng lâm ở Gia Định. Với sở học vượt trội, ngài được Tổ Phật Ý Linh Nhạc cắt cử làm điển tọa, pháp sư quảng diễn Phật pháp, giảng kinh điển tại Sắc tứ Từ Ân.

Năm 1774, đáp ứng lời thỉnh cầu của cư sĩ Lý Thụy Long, ngài được Tổ Phật Ý Linh Nhạc chính thức cử về làm trụ trì chùa Tập Phước (Cẩm Sơn) và chính thức đổi hiệu chùa là Giác Lâm.

Với sở đắc Phật pháp và sở học uyên thâm, ngài Viên Quang đã nhanh chóng xây dựng chùa Giác Lâm trở thành một trung tâm Phật giáo thu hút nhiều vị Tăng tài, trí thức và Phật tử đến tu học. Ngài cũng đã chủ trương đại trùng tu ngôi chùa này trở thành phạm vũ, bắt đầu từ 1798 cho đến 1804 mới hoàn thành. Phát huy thế mạnh của một ngôi đại già lam mới đại trùng tu, Tổ Viên Quang đã liên tục tổ chức các lớp đào tạo Tăng tài, thuyết giảng cho Phật tử các giới, đặc biệt là tổ chức Đại giới đàn tiếp dẫn hậu lai vào năm Gia Long thứ 18 (1819). Sử sách ghi nhận rằng, vào thời điểm đó, chùa Giác Lâm là địa chỉ tâm linh, văn hóa và tôn giáo được đông đảo người dân Gia Định biết và quy tụ.

Tổ Viên Quang là người có vai trò hết sức quan trọng đối với lịch sử của ngôi cổ tự Giác Lâm. Có thể nói, ngài là người đã tạo dựng cho ngôi chùa này trở thành một đại tòng lâm của Gia Định. Công đức hoằng pháp, tiếp dẫn hậu lai, đào tạo Tăng tài tại chùa Giác Lâm của ngài có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển của Phật giáo ở vùng đất mới phương Nam. Với những đóng góp đó, ngài được xem là người đã đặt nền móng cho giai đoạn phát triển đầu của Phật giáo ở Nam Bộ.

Tiếp nối Tổ Viên Quang, Tổ Tiên Giác Hải Tịnh (Nguyễn Tâm Đoan, 1788-1875), một trong những pháp khí của ngài tiếp tục phát huy tâm nguyện hoằng dương Chánh pháp, không chỉ ở ngôi đại tòng lâm này mà rộng ra các nơi khác. Tổ Tiên Giác Hải Tịnh là một danh tăng đất Nam Bộ, được phong Tăng cang quốc tự Linh Mụ (ở kinh đô Phú Xuân) dưới triều các vua Gia Long và Thiệu Trị. Ngài là người thành lập trường hương, trường kỳ ở chùa Giác Lâm và cùng với các đồng đạo khác thành lập trường hương đầu tiên ở đất phương Nam. Tổ cũng là người có ý thức về lịch sử, đích thân biên soạn bộ sách Ngũ gia tông phái ký toàn tập, ghi chép diễn biến của các sự kiện Phật giáo quan trọng thời bấy giờ, để lại cho hậu thế những tư liệu tham khảo quý để nhận thức đúng hơn về thực trạng Phật giáo thời bấy giờ.

BTN_10.jpg
Chánh điện chùa Giác Lâm, ngôi cổ tự 270 năm tuổi của Gia Định - TP.HCM - Ảnh: Bảo Toàn

Lịch sử chùa Giác Lâm chắc chắn không thể không nhắc đến các thế hệ truyền thừa kế tục sau đó, như chư tổ Minh Vi Mật Hạnh, Minh Khiêm Hoằng Ân, Như Lợi, Hồng Hưng Thạnh Đạo, Nhựt Dần Thiện Thuận, và gần đây là cố Hòa thượng Lệ Sành Huệ Sanh.

Chúng ta được biết ngày 7 và 8 tháng 6 năm 2014 này, chùa Giác Lâm kỷ niệm 270 năm khai sơn, đồng thời tưởng niệm nhân húy nhật lần thứ 16 của cố Hòa thượng Thích Huệ Sanh (1935-1998), trụ trì chùa Giác Lâm từ năm 1974 cho đến ngày viên tịch.

Trong thiện duyên được tham gia các công tác Phật sự của Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được biết đến Hòa thượng Thích Huệ Sanh. Cố Hòa thượng là vị giáo phẩm đạo hạnh, phong thái giản dị, tính cách khiêm cung, với uy tín trong giới Tăng Ni và Phật tử thành phố, ngay từ lúc thành lập Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP năm 1982 sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập tại Hà Nội (1981), Hòa thượng (lúc bấy giờ giáo phẩm Thượng toạ) đã được chư tôn đức giáo phẩm tín nhiệm cơ cấu vào chức vụ quan trọng là một trong những Phó Trưởng ban của nhiệm kỳ đầu tiên do Đại lão HT.Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban, chúng tôi cũng là Phó Trưởng ban.

Hòa thượng cũng là vị trụ trì đã đóng góp nhiều cho việc trùng tu, xây dựng mới một số hạng mục thuộc chùa Giác Lâm, đặc biệt là tái thiết bảo tháp Xá Lợi, tức bảo tháp Ngũ gia tông phái (1993). Tính tình nhu hòa, nhún nhường, nhưng trong Phật sự, Hòa thượng là người kiên trì, nhẫn nại và không mệt mỏi tổ chức các lớp học bổ túc cho Tăng Ni, mở các đạo tràng hướng dẫn Phật tử cư sĩ tu học định kỳ tại ngôi danh lam này trong hoàn cảnh sau khi đất nước hòa bình thống nhất.

Các lớp sơ cấp Phật học dành cho Tăng Ni của quận vẫn được duy trì và đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng huấn. Song song đó, các khóa tu bát quan trai, các thời giảng hàng tuần dành cho Phật tử vẫn được tổ chức thường xuyên, góp phần vào công tác giáo dục Tăng Ni, hoằng pháp của Phật giáo TP nhiều năm qua.

Giá trị lịch sử, văn hóa của chùa Giác Lâm

Đất Gia Định hơn 300 năm thì cũng gần chừng đó, ngôi chùa Giác Lâm tròn 270 năm tuổi. Điều đặc biệt là khác với các ngôi danh lam cùng thời, chùa Giác Lâm được kế tục, gìn giữ và phát huy giá trị của nó qua bao thăng trầm, đổi thay và biến động của thời cuộc ở vùng đất mới.

BTN_08.jpg
Chùa Giác Lâm là bảo tàng sống về đặc trưng kiến trúc tôn giáo ở Nam bộ - Ảnh: Bảo Toàn

Từ một cơ sở tôn giáo do người Minh Hương kiến tạo, chùa đã được Việt hóa, được tôn tạo và mang những đặc trưng về kiến trúc, điêu khắc, tín ngưỡng tôn giáo Việt trên đất phương Nam, nay trở thành một ngôi tổ đình thuộc dạng lâu đời nhất ở đất Nam Bộ còn bảo lưu nhiều giá trị đặc sắc.

Với chiều dài 270 năm, chùa đã qua nhiều lần trùng tu. Về tổng thể, chùa được kiến trúc theo kiểu chữ Tam, mái hình bánh ít - kiểu kiến trúc quen thuộc của ngôi nhà người dân ở Nam Bộ, trong một không gian hợp lý, không hề có sự phô trương mà hòa mình vào thiên nhiên cây cối, tạo nên cảnh u tịch của thiền môn.

Một đặc sắc nữa là hệ thống tượng pháp trong cấu trúc tín ngưỡng - tôn giáo tại chùa Giác Lâm vô cùng phong phú, nhất là hệ tượng thờ mang đặc trưng thành tựu cao của nghệ thuật điêu khắc của người Việt ở Nam Bộ các thế kỷ trước, đặc biệt là dấu ấn của mỹ thuật Việt trên đất Nam Bộ thế kỷ XVII - XIX.

Không những thế, chùa còn là một bảo tàng nhỏ, lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, kiến trúc của tiền nhân chúng ta ở thế kỷ trước qua những chi tiết chạm trổ trang trí tinh xảo; các tác phẩm đối, thi, phú… của chư Tổ, các tao nhân mặc khách, danh nhân tặng, giao lưu hiện còn được gìn giữ ở ngôi cổ tự này. Tất cả là những tư liệu sống hết sức quý giá để chúng ta có thể tìm hiểu về đời sống tâm linh, văn hóa của cha ông chúng ta; đồng thời cũng thể hiện sự linh hoạt, khả năng dung nạp và chuyển hóa, sức sống của nền văn hóa ấy là vô cùng phong phú, vô cùng lớn lao, không quá câu nệ mà ngược lại phóng khoáng và hòa đồng với môi trường mới.

Với những giá trị to lớn như vậy, chùa Giác Lâm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988.

Nhắc lại dấu ấn lịch sử của ngôi chùa gần ba trăm năm này, tôn vinh những giá trị của di tích lịch sử - văn hóa chùa Giác Lâm (TP.Hồ Chí Minh), không gì hơn với ước mong thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục truyền thống của tiền nhân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử ấy một cách tốt đẹp qua việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo, tổ chức sinh hoạt nội tự, hoằng pháp và giáo dục qua văn hóa... Có như thế, ngôi cổ tự xưa nhất Gia Định - TP.Hồ Chí Minh mới thực sự hiện hữu một cách ý nghĩa giữa cuộc đời này. Bởi văn hóa Phật giáo, văn hóa tâm linh luôn là những giá trị sống sinh động, hiền đẹp và bất tận trước dòng thời gian.

HT.Thích Giác Toàn
(Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN)

____________

* Mời bạn đọc đón xem chùm ảnh chùa Giác Lâm do PV Giác Ngộ online thực hiện trong bản tin chiều tối nay tại www.giacngo.vn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.