Nhớ lại năm. tại miền Nam nước ta vào năm 1963, Chính phủ Ngô Đình Diệm đã đang tâm vi phạm nhân quyền, chà đạp tự do, đàn áp tôn giáo, ngang nhiên ra lệnh triệt hạ cờ Phật giáo ngay trong dịp đại lễ Phật đản Phật lịch 2507. Trước hành vi bất chấp luật pháp, coi thường đạo lý của một chế độ thất nhân tâm, khiến từng từng lớp lớp Phật tử vô cùng phẫn nộ đồng lòng đứng lên đòi lại quyền sống, quyền tự do tôn giáo. Tuy tình hình sôi động như vậy, nhưng các nhà lãnh đạo Phật giáo vẫn giữ thái độ ôn hòa, kêu gọi Phật tử bình tĩnh, đứng ra tiếp xúc với chính quyền, yêu cầu chính phủ rút lại lệnh hạ cờ Phật giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng. Vì tự do tín ngưỡng là một trong những quyền làm người mà Hiến pháp lúc bấy giờ đã quy định và công pháp Quốc tế cũng minh nhiên thừa nhận. Thế nhưng, Chính quyền lúc ấy vẫn ngoan cố, một mặt tìm kế hoãn binh, mặt khác quyết tâm tiến hành kế hoạch triệt hạ Phật giáo cho kỳ được. Như một giọt nước làm tràn ly nước, không còn cách nào khác, Tăng Ni Phật tử cả nước đã đồng lòng tổ chức các cuộc biểu tình, bày tỏ nguyện vọng, đòi lại quyền sống, quyền tự do tôn giáo. Không những giới trẻ nhiệt liệt hưởng ứng, mà ngay cả các bậc trưởng lão Hòa Thượng 8,9 mươi tuổi cũng chống tích trượng xuống đường, hòa mình cùng dòng chảy của những người con Phật, với một tinh thần vô uý và kiên cường. Cảm động trước mối ưu tư cho sự tồn vong của Đạo pháp mà các bậc trưởng lão đã thể hiện, Hòa Thượng Thích Quảng Đức quyết định dấn thân vào công cuộc đấu tranh bảo vệ đạo pháp, phát nguyện đem thân huyễn hóa làm ngọn đuốc soi đường, thức tỉnh lương tâm của nhà cầm quyền và đánh thức lương tri của nhân loại. Thế là, ngọn đuốc đại hùng, đại lực của Bồ-tát được thắp lên tại ngả tư đường Phan Đình Phùng và Lê văn Duyệt vào ngày 11, tháng 6, năm 1963. Từ đây, các phương tiện truyền thanh, truyền hình đưa tin đi khắp nước, rồi lan khắp năm châu. Hình ảnh Bồ-tát ngồi bất động trong ngọn lửa thiêng, thực sự làm chấn động muôn triệu con tim của nhân loại. Vì vậy, không những Phật tử trên khắp thế giới đồng lòng chia xẻ nỗi khổ đau của Phật tử Việt Nam đang gặp cơn Pháp nạn, mà các chính khách quốc tế, các nhà tranh đấu cho nhân quyền, các giới trí thức, nói chung là mọi người có lương tri trên toàn thế giới đều đồng thanh lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Phật giáo Việt Nam. Điều kỳ diệu hơn nữa là khi nhục thân của Bồ-tát được đem đi hỏa thiêu, thì trái tim đã trở thành bất diệt, không có bất cứ một thứ lửa nào có thể đốt cháy dù đã thiêu đi thiêu lại nhiều lần. Chứng kiến trước sự kiện hi hữu ấy, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã cảm tác một bài thơ ca ngợi:
Chỗ người ngồi: một thiên thu tuyệt tác,
Trong vô hình sáng chói nét từ bi.
Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro, lụa tre dần mục nát,
Với thời gian lê vết máu qua đi.
Còn mãi chứ ! Còn trái tim Bồ-tát,
Gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.
Vì lẽ, quả tim đó không phải là loại nhục thể bình thường mà là kết tinh của đại hùng đại lực, là biểu tượng của tinh thần vô uý bất khuất, khẳng định chân lý cái thiện thắng cái ác, từ bi xóa bỏ hận thù.
Qua sự kiện ấy, một vị giảng sư lúc bấy giờ đã diễn tả:
Lửa, lửa cháy hết y phục,
Thiêu đốt tất cả thịt xương,
Nhưng có một cái không cháy.
Đó là quả tim.
Vì quả tim là tượng trưng cho tình thương,
Lấy tình thương phủ lên sắt máu.
[ Thích Giác Đức ]
Đúng như vậy, theo tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, các Phật tử luôn luôn chủ trương dùng tình thương để hóa giải hận thù theo lời Phật dạy:
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật nghìn thu.
Hơn nữa, người Phật tử cũng ý thức rất rõ kẻ thù đích thực của con người là ba độc tham, sân, si. Chính ba độc này thường gây ra biết bao tai họa mà ít ai nhận diện được chúng. Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng không ra ngoài công lệ ấy, vì thế ông đã phải trả giá cho tham vọng bất chính trong âm mưu đàn áp Phật giáo để tôn vinh tôn giáo của mình. Bởi lẽ, phủ nhận sự tồn tại này để thăng hoa sự tồn tại khác, tiêu diệt sự sống này để phát triển sự sống khác là một điều nghịch lý, trái với quy luật tự nhiên và đi ngược lại truyền thống đạo lý của dân tộc. Truyền thống của dân tộc ta là quí trọng sự sống của mình và tôn trọng sự sống của kẻ khác, nói chung là: sống và để mọi người cùng sống. Vì đời sống của cá nhân liên hệ mật thiết với đời sống của tập thể; đời sống của tập thể tương quan khắng khít với đời sống của cộng đồng và đời sống của cộng đồng bao hàm trọn vẹn trong đời sống của toàn thể nhân loại. Theo quy luật đó, nhìn lại thực trạng Phật giáo của nước ta, một nhà trí thức đã viết:
Nhớ nước Việt ta xưa,
Từ Đinh, Lý, Trần, Lê,
Nền Đạo thống đã vang lừng rạng rỡ.
Trải bao thế cuộc đổi thay,
Dù cường bạo cũng khó thủ tiêu nền Chánh pháp.
[Nguyên Hồng]
Thật thế, Phật giáo Việt Nam đã đồng hành với dân tộc gần 2000 năm lịch sử, trải qua bao cuộc biến thiên, từng gặp biết bao thăng trầm vinh nhục; dù có lúc Phật giáo phải chịu đựng những thử thách khắc nghiệt, nhưng chung cục, đều vượt qua trở ngại, khắc phục ma chướng, phục hồi sinh lực để vươn lên, và chu toàn sứ mệnh cưu khổ chúng sinh.
Chính quyền Ngô Đình Diệm đã không học được bài học lịch sử, tưởng có thể dùng sức mạnh xe tăng đại bát bắt hàng giáo phẩm Phật giáo – những người không có một tấc sắt trong tay – phải khuất phục trước tham vọng đen tối của mình. Thế nhưng, ông đã lầm, rốt cuộc gậy ông đã đập lưng ông: Không phải giới Phật giáo mà chính là các Tướng lãnh đã đứng lên lật đổ chế độ độc tài gia đình trị phản lại quyền lợi của nhân dân. Tại sao họ làm như vậy? Đó là mệnh lệnh của lương tâm, chính mệnh lệnh ấy đã kêu gọi họ đứng về phía lẽ phải, bênh vực những người bị áp bức, đòi lại sự công bằng. Do vậy ta có thể nói, sự chiến thắng của cuộc cách mạng năm 63 chính là sự chiến thắng của công lý trước bạo lực, mà quả tim bất diệt của Bồ-tát là một lời hiệu triệu hùng hồn, đầy uy lực, kết hợp những tâm hồn đồng cảm, tạo nên một sức mạnh phi thường. Điều này cũng khẳng định một chân lý khác nữa là vũ khí tinh thần có một sức mạnh vô địch mà không có bất cứ một loại vũ khí vật chất nào sánh kịp. Vì đó là một loại vũ khí thiêng liêng, như vị thức giả vừa dẫn ở trên đã đúc kết:
Tinh thần ấy thiêng liêng bất diệt,
Quyển vàng giáo sử ghi danh.
Công đức kia truyền lại nghìn sau,
Đạo hạnh nêu gương chói lọi.
[Nguyên Hồng]
Kỷ niệm sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, chúng ta chỉ nhắm đến mục đích hóa giải mọi hận thù; người người sống với nhau trong tình huynh đệ bao la, luôn luôn tỉnh táo suy gẫm về những bài học lịch sử, thường xuyên cảnh giác đề phòng những hành vi thiếu ý thức của mình để khỏi dẫm lại những vết xe đau thương của quá khứ.