Một sư cô chia sẻ về bữa cơm của má

GN - Buổi chiều ghé qua Trung tâm triển lãm Phật giáo quốc tế, tôi được một vị khách nhiệt tình mời dùng bữa tối. Bữa ăn diễn ra trong một căn phòng yên tĩnh với bao nhiêu là món.

Sau hai tiếng đồng hồ vừa ăn vừa giải đáp những thắc mắc mà vị khách mời tranh thủ đặt ra, tôi trở về nhà với bộ dạng như một người vừa rời khỏi chiến trận: rã rời toàn thân, và... đói. Chế ly sữa uống tạm để buổi tối còn làm việc, khi kéo ghế ngồi xuống bàn, tự nhiên nhớ sao là nhớ những bữa ăn thơm ngon đong đầy tình thương yêu của má.

a 1 PGTT 910.jpg


SC.Hạnh Đức và má (giữa) cùng làm một món ăn - Ảnh: S.T

Nhớ lúc còn nhỏ ở nhà, đến giờ cơm, má lui cui nấu nướng, rồi dọn ra bao nhiêu là thức ăn, mấy anh em tôi chỉ việc ngồi vào bàn, ăn uống vô tư, rồi ý kiến đủ điều. Má lắng nghe những bình luận và yêu cầu của từng đứa về món này món kia mà không quên nhắc nhở mấy anh em “ăn cho no rồi lo mà học hành”, để rồi những bữa cơm sau các yêu cầu tưởng như bâng quơ đó sẽ bắt đầu trở thành hiện thực. Đọc đến đây, hẳn bạn sẽ nghĩ gia đình tôi có điều kiện lắm, nhưng không, lúc đó nhà tôi còn rất nhiều khó khăn. Năm anh em tôi lại đang tuổi ăn tuổi lớn, nên chỉ riêng chuyện ăn học của chúng tôi thôi, đã khiến ba má quần quật suốt cả ngày lẫn đêm ngoài đồng.

Tôi còn nhớ những tháng năm đó, ba thường rời nhà khi mặt trời chưa thức dậy và chỉ trở về lúc trăng đã lên cao, có khi mấy ngày liền anh em tôi chẳng nhìn thấy mặt ba nữa.

Thỉnh thoảng trong những giấc mơ chập chờn, nghe tiếng thùng nước khua lanh canh ngoài giếng, tôi biết ba đã về và đang quay nước phía sau hè. Má thì hay đi làm ở gần nhà và lo cơm nước cho chúng tôi mỗi ngày. Những bữa cơm tuy đơn sơ, chỉ toàn rau trái quanh vườn nhưng chúng tôi không hề thấy ngán, vì má luôn thay đổi cách chế biến.

Chỉ với món đu đủ, má có thể nấu canh, xào hay làm gỏi, có khi còn làm cả mứt cho anh em tôi ăn vặt. Quanh nhà, ngoài rau trái, má trồng nào là bình tinh, sắn mì, củ chuối rồi xay lấy bột, để dành làm các loại bánh thơm ngon cho chúng tôi đi học về đói có cái mà lót dạ. Vì vậy nên dù nhà nghèo, không có tiền đi hàng quán như chúng bạn, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có cảm giác thiếu thốn hay thèm thuồng bất cứ thứ gì.

Thuở khó khăn rồi cũng dần qua, tiếng khua lanh canh của thùng nước bên giếng trong đêm của ba và những bữa cơm “của một đồng, công một lượng” của má nuôi năm anh em tôi lớn khôn từng ngày, và đi theo sự nghiệp của riêng mình.

Khi bước ra xã hội, thế giới quanh tôi như rộng hơn, các mối quan hệ nhiều hơn, và những bữa ăn được mời theo đó cũng tăng lên. Bên mâm cơm xã hội đó, dù được tiếp đãi hết sức nhiệt tình, dù có nhiều món ăn mới lạ, nhưng tôi vẫn luôn mong chờ, và tranh thủ về nhà mỗi khi có dịp, để được thấy ba vui vẻ thu hoạch các thứ trồng được trong vườn, còn má thì tất bật với việc chế biến thành những món ăn khác nhau, có cái gói ghém lại để chuẩn bị cho chúng tôi mang theo khi rời nhà. Chỉ bao nhiêu đó thôi, nhưng tôi cảm nhận được niềm vui và tình thương yêu của ba má. Điều đó trở thành niềm an ủi lớn lao, giúp ấm lòng đứa con luôn phải xa nhà một mình vì lý tưởng của mình, như tôi.

Ai đó đã từng nói: trên đời, mọi chuyện đều có sự bù trừ hết sức rõ ràng, mà Phật giáo gọi là luật Nhân quả. Tình cảm cha mẹ thì bao la, đức hy sinh của Người là vô bờ bến, nhưng nếu không biết trân trọng và giữ gìn, chúng ta cũng sẽ dễ dàng đánh mất cơ hội cảm nhận được niềm hạnh phúc thiêng liêng ấy, bởi cha và mẹ chỉ - có - một trên đời, mà cuộc đời thì vô thường biến đổi. Vậy chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ, nâng niu và sẻ chia niềm hạnh phúc này khi còn có thể, bạn nhé!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.