Một nhân cách lớn

Giác Ngộ - Mới đó mà đã 14 năm kể từ ngày HT.Thích Thiện Hào, vị giáo phẩm Phật giáo mà cuộc đời, hành đạo và phụng sự nhân sinh đầy ý nghĩa của Người như một huyền thoại sống động nhất. Những dấu ấn sâu sắc mà cố Hòa thượng để lại trong lòng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam khó có thể xóa nhòa dưới lớp bụi thời gian.
Vào thời kỳ gian khó nhất, giữa lúc tồn tại đầy những dị biệt, bất đồng trong quan điểm phục vụ, gót chân của vị lãnh đạo GHPGVN in dấu lên khắp các tỉnh thành từ Cà Mau đến Quảng Trị chỉ với tâm nguyện duy nhất là củng cố tinh thần đoàn kết của Tăng Ni các tông môn, hệ phái. Những chuyến đi như thế đã góp phần giải tỏa được nhiều thực trạng vướng mắc mà nếu không giải quyết rốt ráo sẽ dẫn đến bất hòa, tạo nên sự phân hóa trong nội tình tổ chức Phật giáo tại các địa phương.
htthichthienbao.gif
Sự có mặt đúng lúc của Hòa thượng vào những thời điểm cần thiết lúc bấy giờ đã mang lại sự ổn định nhất định về tổ chức. Khi còn trẻ tôi đã từng nghe thầy tôi nói: “Một con người có đạo phong, khi họ đặt chân đến đâu thì chỗ đó dù đang bất an cũng trở thành bình an, nơi nào bất hòa trở nên hòa…”. Bề dày uy tín xã hội cùng với đạo phong khả kính của Hòa thượng đã làm nên nhiều việc đến độ trở thành “bất khả tư nghì” như vậy chăng? Tôi đã tự hỏi và lờ mờ nhận ra nhân cách lớn của vị lãnh đạo Phật giáo thời ấy.Trong những năm đất nước bị qua phân, Hòa thượng đã không ngần ngại cống hiến cho Tổ quốc đời sống thanh tịnh của một người xuất gia; khi đất nước hòa bình, độc lập, tự do, Hòa thượng lại tiếp tục vì sự nghiệp kế tục mạch truyền thừa Phật pháp của Phật giáo nước nhà, Người đã không nề lao nhọc, ra sức tạo dựng sự gắn kết mọi thành viên Tăng Ni, Phật tử cùng chung sống tu tập hài hòa, thống nhất trong một tổ chức Giáo hội. Thử hình dung, một vị Hòa thượng tuổi đời đã 80 nhưng hàng ngày vẫn cần mẫn ngồi trên chiếc xe Peugeot 205 cũ kỹ đến văn phòng làm việc rất đúng giờ, về các địa phương xa xôi chỉ đạo công việc Phật sự, thiết nghĩ đó chính là phong cách làm việc tận tụy của một người lãnh đạo. Trong sinh hoạt tại trú xứ, Hòa thượng luôn thể hiện nếp sống thanh bần, đạm bạc, đơn giản, không có nhu cầu đòi hỏi lợi ích gì cho bản thân mà chỉ chú tâm làm việc đạo, việc đời với cái tâm trong sáng như gương… Những năm đầu thống nhất Phật giáo, có một số Tăng Ni bất đồng quan điểm về chính kiến đã tỏ thái độ không hợp tác, không đồng thuận trong sinh hoạt Giáo hội, lại thêm cái nhìn và suy nghĩ không mấy thiện cảm về Hòa thượng. Nhưng về sau, chứng kiến hình ảnh một vị Hòa thượng tuổi già lụm cụm vẫn hàng ngày chống gậy đến văn phòng và không từ chối bất cứ công tác Phật sự nào khi cần đến, những Tăng Ni này đã phải kính phục khi đối diện với Hòa thượng, ở một con người sáng rực tinh thần “hòa quang đồng trần”, một con người có lý tưởng phục vụ nhân sinh được tôi luyện trong chiến tranh và bình dị khiêm cung trong đời sống. Tôi đã từng có lần chứng kiến Hòa thượng nhường chiếc giường nệm êm ái hàng ngày Hòa thượng dùng làm chỗ ngả lưng cho một vị Hòa thượng tuổi đời đáng em, tuổi đạo đáng học trò, và ung dung xuống chiếc võng nằm nghỉ trưa. Lúc đó thực sự tâm thức tôi rất xúc động về cách ứng xử đầy đạo tình nhưng toát lên đạo phong khả kính của một nhà lãnh đạo Giáo hội.Nói đến tính kế thừa, Hòa thượng luôn để tâm lo nghĩ thậm chí từ trước cả 2 nhiệm kỳ hoạt động. Tôi đã từng biết ít nhất hai vị mà Hòa thượng đặc biệt lưu ý giao nhiệm vụ nối nghiệp Ngài, ngày nay đều ở trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội. Đúng là Hòa thượng đã áp dụng tinh thần “trạch nhân ký sự” (chọn người giao việc). Sẽ không nói quá, nếu Giáo hội biết vận dụng tinh thần kế thừa mà Hòa thượng Thích Thiện Hào đã thể hiện khi Ngài còn sinh tiền, chúng tôi nghĩ rằng việc trồng người mới có ý nghĩa thiết thực, và lực lượng dự bị kế thừa tương lai của Giáo hội sẽ có bước chuẩn bị lâu dài trước khi bước vào vị trí lãnh đạo tương lai.Từ nhiều việc làm “ứng biến tùy duyên” vì lý tưởng phục vụ Phật pháp, dù ngay cả thời khắc sắp mãn duyên và thân xác tứ đại đang phải chống chọi với nỗi đau đớn do căn bệnh nghiệt ngã hoành hành thân xác, nhưng tinh thần của Hòa thượng vẫn minh mẫn nhớ nghĩ đến sự nghiệp chung của Phật giáo nước nhà. Trong phiên họp triệu tập các thành viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM tại phòng tịnh dưỡng chùa Xá Lợi, Hòa thượng đã ân cần dặn dò đại chúng lần cuối: “Tôi rất mong quý vị hãy vì sự nghiệp chung của Giáo hội, phải xây dựng tinh thần đoàn kết, bỏ đi những dị biệt bất đồng nếu có…”. Lời nói đơn giản nhưng hàm tàng sức mạnh của một lời hiệu triệu, soi đường cho các hoạt động “vì Đạo, vì Đời” của Giáo hội trong mọi thời điểm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.