Một ngày nhắc nhớ, đời đời tri ân

Giác Ngộ - “Công cha nghĩa mẹ ơn thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”. Câu ca dao ngắn nhưng hàm chứa ba chủ thể đáng kính là cha-mẹ và thầy, những người đã sinh ra mình, nuôi mình khôn lớn, trao truyền kiến thức và dạy mình lối sống. 

Tất nhiên, cha mẹ, thầy cô, ai cũng dạy mình phải sống tốt, tử tế…, bởi các bậc đáng kính ấy thương mình và hiểu rõ đó chính là điều kiện để có hạnh phúc, có chất liệu giúp đời, giúp mình.

thay.jpga.jpg

Mừng Ngày Nhà giáo VN, 20-11

Thầy cô, cha mẹ dạy mình những lý lẽ cao thượng và bằng lối sống thực tế đã xác minh thêm một lần nữa bài học: sống tử tế sẽ là điều kiện cần để có hạnh phúc, để có thể ngẩng cao đầu mà sống… Đến khi học đạo, những vị thầy khai đạo, mở thông trí tuệ và tưới tẩm hạt giống từ nơi tâm mình đã dùng Tam vô lậu học (giới-định-tuệ) để nhắc nhở, hun đúc mình làm người Phật tử tốt, đúng Chánh pháp, từ đó tiến lên con đường giải thoát, làm một bậc thánh, làm Bồ tát, làm Phật. 

Vị thầy của trời người đã khai đạo Bồ đề cho thế gian, cho cõi Ta bà này đã dùng đủ phương, mọi chước để có thể giáo hóa những đứa con còn trong “nhà lửa” bởi lòng từ bi của Ngài quá lớn. Những nguyên tắc sống đạo đức (giới) cùng những công hạnh chứa đựng tâm từ bi lớn, trí tuệ lớn của Phật… chính là những phương thuốc mầu nhiệm Ngài đã trao lại cho chúng ta, bảo chúng ta nên uống nếu muốn hết bệnh khổ.

Chúng ta đã từng khổ, đã có lúc nhớ tới thuốc của Ngài và uống, rồi hết khổ nhờ diệu dược của Ngài nhưng cũng không ít lần mình quên. Quên uống thuốc nên bệnh mới tái phát để rồi mình vẫn còn luân hồi ở đây. Quán chiếu điều đó và thấy rõ, do mình quên thầy, quên thuốc nên mình mới bệnh. Và thầy của mình, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni trước khi nhập diệt cũng chỉ nhắn gửi một điều: “Lấy giới làm thầy”. 

Nhớ giới và thực tập giữ giới một cách miên mật, đầy đủ thì mình sẽ hết khổ, dứt khổ. Và đó chính là nhớ thầy, tri ân, báo ân thầy. Hiểu như vậy để thấy rằng, thầy của chúng ta, Đức Phật cao quý đã dạy về hạnh biết ơn có nghĩa là mình phải thực tập và có hạnh phúc giống như Ngài, trên những nguyên tắc đạo đức mà Ngài đã tuyên dạy. Đó mới chính là báo ơn một cách tối thượng.

Thông thường, chúng ta là những người học trò thiếu lòng biết ơn, đối với cha mẹ, thầy cô của thế gian và những vị thầy trong đạo. Vì thế những ngày như là Ngày Nhà giáo thực tế là ngày để tri ân thầy cô trong ngành sư phạm nhưng rộng hơn cũng là ngày nhắc nhớ ơn thầy - những vị thầy đã dẫn đạo, truyền đạo, trao cho mình diệu dược chữa trị khổ đau. 

Và cách để báo ơn cũng chính là cách làm cho mình hạnh phúc, vượt thoát khổ đau. Nói đến đây mới thấy lòng từ của chư Phật, chư Bồ tát là quá lớn. Ngài thị hiện và trao cho môn đồ thuốc chữa bệnh khổ của tâm, để rồi bảo uống thuốc chính là đã báo ơn. Nếu hiểu tận cùng cái tâm ý của những bậc thầy giải thoát như thế thì mình phải biết chuyên cần phát nguyện đời đời tri ân. Có nghĩa là đời đời, dẫu sinh ở đâu cũng gặp được pháp Phật, học hỏi, hành trì và trao truyền pháp ấy cho tất cả chúng sinh. Đó là công hạnh hoằng dương Chánh pháp, giúp chúng sinh bớt khổ, đi đến dứt khổ là phụng sự chúng sinh. 

Phật dạy: Phụng sự chúng sinh cũng là cúng dường chư Phật. Món cúng ấy thật lợi lắm, lợi cho mình, lợi quần sinh, lợi ở ngay thời điểm mình nhớ Phật, mình phát nguyện, thực tập và lợi cả đời đời kiếp kiếp sau, bởi đó là hạt giống để mình đi mãi trên đường giác ngộ, giải thoát, dẫu có sinh ở đâu, gặp chướng ngại gì…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.