Một lần viếng thăm chùa cổ Thanh Lương – Khánh Hòa

Giác Ngộ - Từ ngã tư Thị trấn Ninh Hòa (Khánh Hòa), đi dọc theo quốc lộ 26 về phía Tây, đến cây số 5, rẻ vào hương lộ bên tay phải hướng vào truông Nhĩ Sự, đó là đường đến quê tôi, chùa Thanh Lương - Ngôi chùa cổ, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, ở làng quê Nhĩ Sự, xã Ninh Thân, huyện Ninh Hòa.

Chùa Thanh Lương được xây dựng trên mô đất khá cao, mặt hướng về Đông, đón ánh sáng mặt trời, như xua đi màn đêm u tối. Chung quanh chùa là vùng đất thổ mênh mông, trù phú và bên cạnh là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, bát ngát, phì nhiêu.

WTL (5).JPG
 
Chùa Thanh lương - Khánh Hòa
 
WTL (6).JPG

Rất tiếc do chiến tranh, nguồn gốc chùa Thanh Lương bị thất truyền, nên đến nay chưa ai có thể xác định chính xác chùa tạo lập cách nay bao nhiêu năm  và Tổ Khai sơn là vị nào ?

Tuy nhiên, từ đại hồng chung cổ lưu truyền trong chùa, trên thành chuông có khắc Hoà thượng Chứng minh, địa danh, vị Trụ trì, ngày, tháng, năm, lúc đúc chuông: "Thượng Bửu hạ Dương, Hòa thượng chứng minh, Ðại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Bình Khang phủ, Tân Ðịnh huyện, Trung tổng, Bình An xã, Bình An thôn. Trụ trì tăng Tích Nhơn Đại sư, Thanh Lương tự, phụng Phật, kim bổn đạo cập thập phương thiện nam tín nữ chúng đẳng. Cảnh Hưng nhị thập tứ niên, tứ ngoạt kiết nhựt chú Hồng Chung…”

Có nghĩa là tại thôn Bình An, xã Bình An, tổng Trung, phủ Bình Khang, huyện Tân Định, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt, Hòa Thượng húy thượng Bửu hạ Dương chứng minh đúc Đại Hồng chung, vào năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), tháng tư ngày lành (Phật đản), chuông do Ðại sư Tích Nhơn - Trụ trì chùa Thanh Lương cùng tất cả thiện nam tín nữ, thập phương.bổn đạo cúng dường tạo lập…“

WTL (1).JPG
WTL (4).JPG

Tháp tổ

 Từ  đó có thể khẳng định chùa Thanh Lương được khai sơn vào thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) năm thứ 24, (1763). Vị Trụ trì vào thời điểm đúc chuông là Ðại sư Tích Nhơn, ở thôn Bình An (Nhĩ Sự), xã Bình An, tổng Trung, phủ Bình Khang, huyện Tân Định (Ninh Hòa)

Hòa thượng Chứng minh đúc chuông là Ngài Tế Hiển – Bửu Dương, chính là Tổ khai sơn chùa Thiên Bửu, thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà, khoảng thời vua Lê Dụ Tông (1706-1729).  

Vào thời Tây Sơn và Nguyễn Ánh đánh nhau, đại hồng chung của các chùa bị tịch thu mang đi đúc súng. Để tránh nạn lấy chuông đúc vũ khí, chùa Thanh Lương đã đem chuông dấu ở Bàu Bơi, (giáp ranh giới giữa Nhĩ Sự và Đại Cát). Hòa bình lập lại mọi người đi tìm, nhưng không tìm thấy. Dân làng Đại Cát và Nhĩ Sự đem lễ vật đến bàu cầu nguyện, thình lình đại hồng chung nổi lên, nhưng rồi lại chìm xuống nước. Mọi người lặn xuống tìm xem thì thấy chuông úp sấp trên cát. Cùng nhau kéo lên, kéo hết hơi hết sức, vẫn không di chuyển được chút nào.

WTL (3).JPG

Cổng tam quan

Sau đó, hào lão làng Nhĩ Sự thiết lập hương án thành tâm cầu nguyện, xin thỉnh chuông về chùa Thanh Lương, thì lạ lùng thay, đại hồng chung tự nhiên nhẹ bổng, mọi người khiêng về chùa  nhẹ nhàng.

Chính nhờ đại hồng chung này mà các vị Trụ trì đương thời biết được các vị Tổ Khai sơn chùa Thiên Bửu, chùa Phổ Hóa, chùa Thanh Lương: sống vào thời Hậu Lê, và các chùa tạo lập vào  thời Vua Lê Cảnh Hưng.

Và cũng từ ấy, thật khó quên được những phút giây khi đắm mình trong khung cảnh thanh cao, thoát tục. Tiếng chuông chùa Nhĩ Sự tiếp tục ngân lên, đều đều hằng đêm, làm cho không gian và thời gian lúc ấy như lắng đọng trong một thể điệu trầm thiêng, tĩnh tại.

Chùa Thanh Lương đã trải qua nhiều lần trùng tu, những lần trùng tu gần đây như: Trùng tu năm 1940, 1961, 1994, và toàn cảnh ngôi chùa Thanh Lương huy hoàng, uy nghi, lộng lẩy như hiện nay, được đại trùng tu vào năm 2008 (Mậu Tý) dưới đời ĐĐ. Thích Nguyên Hân – Thiện Hoan trú trì gồm: Chánh điện, Tổ đường, Đông lang, cổng Tam quan, Tượng đài Quan Thế Âm, Tượng đài Phật Di Lặc, Tháp Đại sư Thích Từ Nhẫn…

WTL (2).JPG

Chuông chùa Thanh Lương

Đến thăm chùa Thanh Lương chúng ta có cảm nhận, đây thật là cảnh Thiền môn thanh tĩnh, bốn bề vắng lặng, từ tiếng chuông ngân nga, tiếng gõ mõ, hòa với tiếng ve sầu râm ran, tiếng chim hót lãnh lót, tạo thành một bản hòa âm trầm hùng ân cần nhắc nhở mọi người: “Hãy lánh dữ làm lành, tu thân, hướng thiện

Đặc biệt, tại chùa Thanh Lương có cây me cổ thụ hằng vài trăm năm, gốc me mấy người ôm không xuể, đứng sừng sửng, vươn cao vòi vọi, tán lá xum xuê, che rợp bóng mát cho chùa, bất luận nắng, mưa, gió, rét như những người nông dân ở đây luôn chịu đựng một nắng, hai sương, nhưng lại rất anh dũng, kiên cường trong quá trình dựng nước và giữ nước.    

Thanh Lương ngôi chùa cổ giữa làng quê Nhĩ Sự,  Ninh Hòa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của những người nông dân, cần cù chất phát, hiền lành. Đúng là:

“Chùa đứng hiền lành tự thuở xưa,
Hồn dân gởi gắm tự bao giờ,
Tổ tiên bồi đắp qua năm tháng,
Nối tiếp không ngừng lớp tuổi thơ”
(Ngày vui dân tộc – Huyền Không)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.