Một giọt nước một mầm cây

Một giọt nước một mầm cây
Giác Ngộ - Tôi nhớ một cảnh nao lòng khi còn làm phóng viên cho một tờ báo nọ, một người mẹ K’Ho đứng trước cánh rừng cháy rụi mà nơi đó, hôm qua bà đã hái nấm, hái rau, và trái cây rừng từ trong ấy. Những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má tàn tro là một viễn cảnh đau buồn mà tôi từng chứng kiến...

Một giọt nước vừa tan
Một mầm cây bật dậy

Tôi chọn hai câu này trong bài thơ Nghe em qua điện thoại của nhà thơ Mai Văn Phấn. Tập thơ Và đột nhiên gió thổi đã thổi thấu lòng tôi với những gì u lệ nhất của thơ. Không cần quảng cáo vớ vẩn, thơ Mai Văn Phấn mặc nhiên găm vào thời đại chúng ta. Trắc trở và mạnh mẽ. Sâu thẳm và bật thức bao người. Dĩ nhiên là thơ không dễ đọc, nhưng tôi tin trái tim Mai Văn Phấn ở đấy, trong tất cả những gì anh viết. Một trái tim yêu thương và trong sáng!

Bởi được trích ra nên tôi không hiểu theo văn bản thơ. Sẽ là có lỗi chăng? Không, vẫn còn đấy cốt lõi thơ tròn đầy. Vì thế tôi sẽ không làm mất thơ của Mai Văn Phấn. Tôi yêu hai câu thơ tuyệt đẹp này, đơn giản vì nó là nguồn sống của trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Vâng, một giọt nước mà thấy cả đại dương, một mầm non mà thấy cả đại ngàn. Hai câu thơ như lời kinh Bát Nhã mở ra nguồn mạch của muôn loài. Biên độ bình yên của Tâm chợt vô lượng đưa ta tiến sâu vào bản chất vũ trụ. Nếu trong Tâm kinh nói về tính Không, thì đây là tính Hữu. Có giọt nước là có tất cả. Một mầm cây bật dậy, cả quả đất xanh thẳm, sống động bởi cuộc sống sẽ sinh sôi. Đây là tứ thơ duy nhất, dung chứa trọn vẹn nội dung một cách hoàn mỹ mà lại vô cùng giản dị và trong sáng nhất!

Hiện nay, qua các phương tiện thông tin, chúng ta biết quả đất đang bị phá hoại bởi sự vô ý thức của con người, thì một lời cảnh báo là vô cùng quan trọng. Nhưng cảnh báo chỉ là cảnh báo, hàng ngày những cánh rừng bay mất, những loài chim tuyệt chủng. Quả đất như người mẹ hào phóng đã trở nên nghèo đi vì sự vơ vét của lũ con. Chúng ta vô cùng đau xót và lo lắng vì những dự báo quả đất nóng lên, băng tan, nhiều vùng bị ngập lụt, tài nguyên cạn kiệt! Sẽ ra sao nếu con người cứ tiếp tục chìm trong tham dục mà quên để "đức hậu" lại cho con cháu mai sau!?

Theo tôi, biểu tượng "giọt nước và mầm cây" là biểu tượng đẹp nhất và có ý thức nhất trong thơ Mai Văn Phấn. Bởi sự xuất hiện của nước trên các hành tinh như sao Hỏa, sao Kim đồng nghĩa với sự sống và niềm hy vọng về một thế giới hòa bình ấm no và hạnh phúc.

Nói về giọt nước thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là truyền thuyết về cái chén Khổng Tử. Tương truyền, khi Khổng Khâu đi ngang qua sa mạc, trong lần khát suýt chết thì có một ông lão hiện ra tặng cho Ngài cái chén múc nước. Nhưng kỳ lạ thay, cái chén được chế tác thế nào mà múc nước đầy quá hoặc ít quá thì tự chảy không còn một giọt mà múc vừa đủ thì còn. Có lẽ từ hàm ý này mà Khổng Tử lập nên đạo trung dung chăng? Có hay không có giọt nước đã lập nên đạo của cuộc sống? Chuyện khác của Đức Phật, Ngài có nói rằng: "Trong một giọt nước có vô số sinh vật". Lúc nhỏ được nhiều người giải thích, Phật vì chứng Thiên nhãn thông nên Ngài nhìn thấy như chiếc kính hiển vi vậy, trong giọt nước có rất nhiều vi khuẩn. Ở thời Ngài tại thế, câu này có vẻ khó tin được. Nhưng câu nói của Đức Phật hàm chứa một nhãn quan về đời sống thực mà nước đem lại. Những dẫn chứng này nói lên vị trí quan trọng của giọt nước đối với đời sống con người cả tinh thần lẫn vật chất, cả vật lý và tâm lý v.v... Vì vô minh, tức những tham sân si che lấp chúng ta đã xâm hại nguồn nước. Hiện nay, trên thế giới có hơn một nửa số người có nguy cơ không có nước sạch hoặc mất nguồn nước sạch do ô nhiễm môi trường. Thế kỷ XXI được mệnh danh là thế kỷ di trú một phần cũng do ô nhiễm môi trường, nguồn nước cạn kiệt. Ở Việt Nam, vấn đề môi trường và ô nhiễm nguồn nước đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Con sông Thị Vải và nhiều con sông khác đã được báo chí cảnh báo và phanh phui là một minh chứng cho điều này. Để được "một mầm cây bật dậy" chúng ta phải làm gì, trong hành động của mỗi người, một đứa con của đất mẹ bao dung? Nếu Trung Quốc ngăn dòng Mêkông, chúng ta sẽ ra sao? Trong khi đó, vì thiếu hiểu biết, chúng ta đã xả nước thải giết chết nhiều con sông vừa thơ mộng vừa đem lại nguồn lợi dồi dào cho bao con người bé nhỏ. Chúng ta tiếp tục khoan vào lòng mẹ 100, 200 mét một cách "vô tư" để thỏa mãn cuộc sống yếu hèn, ích kỷ của chúng ta. Rồi mai sau con cháu chúng ta nghĩ sao, nếu gia tài mà tiền nhân để lại là một gánh nặng về lũ lụt, đói khát?!

Tôi nhớ một cảnh nao lòng khi còn làm phóng viên cho một tờ báo nọ, một người mẹ K’Ho đứng trước cánh rừng cháy rụi mà nơi đó, hôm qua bà đã hái nấm, hái rau, và trái cây rừng từ trong ấy. Những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má tàn tro là một viễn cảnh đau buồn mà tôi từng chứng kiến...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.