Một giờ với “Nhà sưu tập đồ nát”

GN - Nếu ai đó nói rằng: thời gian vô cùng, không gian vô tận, thì đối với ông Hồ Tấn Phan, 77 tuổi, ở phường Phú Hậu, thành phố Huế, 38 năm chưa hẳn là nhiều trong hành trình tìm kiếm, sưu tập cổ vật ở dòng sông Hương hiền hòa, thơ mộng.

Năm 18 tuổi (1958) anh Phan dạy học và từng làm hiệu trưởng của một trường tiểu học ở Bình Định. Năm 1961, anh được chuyển về Huế công tác cho đến năm 1988 thì xin nghỉ việc vì mất sức lao động.
mot gio 2.JPG
Ông Hồ Tấn Phan được mệnh danh là "nhà sưu tập đồ nát"

“Nặng lòng chi rứa Huế ơi! / Săn tìm cổ vật hết đời thì thôi”, đó là cảm nhận của nhiều người dành cho ông Phan, người đã 38 năm rong ruổi trên khắp các nẻo đường trải dài sông Hương ở thành phố Huế để săn tìm cổ vật ở dưới đáy sông.

Có lẽ ở Huế và cả nhiều nơi khác nữa, chỉ có ở nhà ông Phan cổ vật được trưng bày một cách thoải mái đến vậy: hiện vật có mặt khắp mọi nơi, từ phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp cho đến trải khắp quanh vườn, ra đến tận cửa ngõ. Đồ nguyên vẹn có, đồ nát (vỡ) thì nhiều hơn. Vì thế, có người ví ông là “nhà sưu tập đồ nát”, ông nhoẻn cười và cũng tự nhận mình như thế.

Ông Phan tâm sự: “Trước năm 1975 ít ai biết rằng, dưới dòng sông Hương lại có nhiều cổ vật đến thế. Nhà bác học Lê Quý Đôn được cử vào làm Hiệp trấn Thuận Hóa, và cũng chính trên đất Thuận Hóa xưa, ông đã cho xuất bản tác phẩm “Phủ biên tạp lục”, đây là tác phẩm có giá trị hiếm hoi viết về xứ Đàng Trong với giá trị khoa học cao. Tuy vậy, Lê Quý Đôn cũng chưa biết những trầm tích ở đáy sông Hương. Phải chăng, đây là sự khám phá tình cờ của những người dân sông nước, của dân vạn đò ở Thừa Thiên Huế từ những năm 1975. Với cuộc sống mưu sinh hàng ngày như nghề lặn để tìm sắt thép, nhôm nhựa hay các phế liệu khác dưới đáy sông cho đến nghề khai thác cát sạn, dần dần, có một số người chuyên hành nghề trục vớt đồ cổ dưới dòng sông Hương, họ tích lũy những hiện vật ở nhiều địa điểm khác nhau: ở dưới gầm đò, trên nhà chòi hoặc chất thành đống ở đâu đó mà họ thấy tiện lợi. Từ đó, một đội ngũ chuyên thu gom, mua cổ vật do dân vạn đò trục vớt được trên sông Hương cũng được hình thành.

Từ những năm 80, 90 của thế kỷ XX, ở Thừa Thiên Huế đã hình thành 2 giới rõ rệt: người chơi đồ cổ (gồm khách nội địa và khách thập phương) và người chuyên buôn bán đồ cổ. Nhưng cụ Phan không thuộc 2 giới trên. Đơn giản cụ chỉ nhận thấy: đây là những hiện vật khảo cổ học, có giá trị cao về khoa học, lịch sử và văn hóa nên cần phải gìn giữ, bảo tồn cho con cháu.

Theo giới chuyên môn, lớp trầm tích khai quật ở đáy sông Hương có đến hàng chục ngàn tiêu bản, trong đó có không ít những tiêu bản quý hiếm và tiêu biểu. Bước đầu tìm hiểu những hiện vật này, nhà nghiên cứu Huế Hồ Tấn Phan luận giải: Những hiện vật trên nằm trong 3 giai đoạn chính:

1. Giai đoạn tiền và sơ sử (cách đây trên dưới 2.500 năm): đây là hiện vật khai quật khảo cổ học thuộc văn hóa Sa Huỳnh, là một trong ba nền văn hóa tiền và sơ sử rực rỡ trên đất nước Việt Nam: văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung. Một số lượng lớn hiện vật trong giai đoạn này đã chứng minh rằng: Thừa Thiên Huế là một không gian chính của văn hóa Sa Huỳnh.

2. Giai đoạn văn hóa thời Chăm-pa (từ 192 đến 1306): Trước 1975, khi nghiên cứu về vương quốc Chăm-pa, người ta chủ yếu dựa vào thành tựu những công trình xây dựng đền tháp và điêu khắc đá, ngoại trừ những bia đá bằng chữ Phạn và chữ Chăm cổ. Sau năm 1978, người ta đã tiến hành nhiều cuộc khai quật khảo cổ học ở các tỉnh miền Trung, phát hiện được một số hiện vật khảo cổ học bằng gốm và các chất liệu khác (trong đó có sự góp mặt không nhỏ các hiện vật ở đáy sông Hương), từ đó giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu của giới chuyên môn ngày nay càng sáng tỏ hơn.

3. Giai đoạn Đại Việt và Việt Nam (từ 1306 đến 1975): Ở giai đoạn này, những hiện vật khảo cổ học của nền văn hóa Đại Việt chiếm ưu thế. Ngoài ra, nước Đại Việt đã bắt đầu phát triển, có quan hệ quốc tế tương đối lớn. Vì vậy, ở dòng sông Hương có nhiều hiện vật của nước ngoài như: Trung Quốc, Nhật Bản và một số của các nước phương Tây như Mỹ, Pháp.

Nhà nghiên cứu Huế - Hồ Tấn Phan kỳ vọng rằng: Với những hiện vật nêu trên, nếu chúng ta biết hệ thống hóa thì nó sẽ trở thành một bộ thông sử xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử Việt Nam. Trong đó giai đoạn đầu (tiền và sơ sử) là những tư liệu độc nhất. Nếu không có nó, chúng ta sẽ bất lực trong việc nghiên cứu, tìm hiểu những giai đoạn về trước. Ngay cả 2 giai đoạn sau (văn hóa Chăm-pa, Đại Việt và Việt Nam), mặc dù đã có bi ký và thư tịch cổ, nhưng những hiện vật này đã bổ sung một cách có hiệu quả cho giới nghiên cứu khảo cổ học.

Đúng vậy, nghiên cứu lịch sử bằng hiện vật như ông Phan đang làm là một cách tiếp cận trực tiếp có giá trị thực tiễn, sinh động nhất.

Mới đây, những cổ vật có giá trị cao về khoa học, lịch sử, văn hóa đã được ông Phan chọn lọc trưng bày, triển lãm tại Festival Huế 2014 với chủ đề “Dòng sông kể chuyện” tại văn phòng Festival thành phố Huế (nay là Công viên Phan Bội Châu, sát cầu Trường Tiền-Huế) và đã được giới chuyên môn trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. “Dòng sông kể chuyện” gồm có 8 mảng chính. 1. Dấu ấn dòng sông; 2. Mấy ngàn năm trước; 3. Một thời Chăm-pa; 4. Thấp thoáng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; 5. Thuần phong mỹ tục; 6. Nối đêm vào ngày; 7. Văn hóa ẩm thực; 8.  Đời thường xưa nay. Mỗi đề tài được trưng bày ở một ngôi nhà rường cổ, tạo thành một hệ thống liên hoàn, xuyên suốt.

mot gio 1.JPG


Cổ vật khai quật ở sông Hương được ông bài trí khắp vườn

Thành phố Huế sở hữu trong mình 2 di sản văn hóa thế giới (Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế), là thành phố lịch sử của Việt Nam và thế giới. Vì thế, những hiện vật trong lớp trầm tích ở sông Hương, nếu chúng ta biết khai thác và sử dụng có hiệu quả sẽ góp phần làm nên những bảo tàng lịch sử, văn hóa, để ngày càng xứng danh với tên gọi là thành phố lịch sử.

Người ta thường thấy ông Hồ Tấn Phan xuất hiện trong các hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học cấp tỉnh hoặc trung ương, nhiều ý kiến xác đáng của ông đã phần nào giúp cho các cơ quan quản lý trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, khảo cổ học. Ngoài ra, một số sinh viên các trường đại học ở Huế muốn đến tìm hiểu, nghiên cứu cổ vật được khai quật ở dòng sông Hương đều được ông giúp đỡ chu đáo.

Ông Hồ Tấn Phan hiện là Ủy viên UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Hội đồng Tư vấn của MTTQVN tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều người gọi ông là nhà nghiên cứu Huế hay “ông vua săn tìm cổ vật”. Còn ông thì khiêm tốn nhận mình là “Người mở cuộc khai quật khảo cổ trên sông Hương”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.