Hạnh phúc cần phải được thiết lập, xây dựng và nuôi dưỡng bằng tình yêu, hiểu biết và kinh tế ổn định; nhưng để có được bình an - thứ giá trị mà có kinh tế chưa chắc đã mua được - người ta cần phải có niềm tin tôn giáo và sự hành trì tu tập.
Gửi gắm niềm mong ước...
Đôi khi, ở xã hội này, con người ta đã có tất cả: tình yêu, tài sản, địa vị, quyền lực… nhưng vẫn cảm thấy bất an, vẫn cảm thấy chưa có hạnh phúc. Và đối với nhiều người, khi chứng kiến cuộc sống đầy bất an, bạo lực, khủng bố, bất bình đẳng… ở thế giới này, họ đã hơn một lần mong thoát khỏi nó, mong được lên thiên đường, sống chung với Thượng đế hoặc vãng sinh về cảnh giới hoàn toàn không có khổ đau. Trớ trêu thay, ngay cả chúng sinh ở Thiên giới, tức các vị trời, lại cũng có chung một thao thức, một mong ước… rất con người, như con người: họ cũng ước mong được học hỏi, được hiểu biết về cách thức tạo dựng những phúc lành cao thượng, gieo trồng những hạt giống phước điền nhằm xây dựng một đời sống an lành và hạnh phúc. Chuyện như vầy:
Hôm nọ, khi Đức Thế Tôn đang cư ngụ tại thành Xá-vệ, trong tịnh xá Kỳ viên. Bấy giờ, đêm đã vào khuya, có một vị trời, dung sắc thù thắng, hào quang chiếu rạng, sáng tỏa Kỳ viên, xuống nơi Phật ngự, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên, cung kính bạch Phật, bằng lời kệ rằng:
"Chư thiên và nhân loại
Suy nghĩ điều hạnh phúc
Hằng tầm cầu mong đợi
Một đời sống an lành
Xin ngài vì bi mẫn
Hoan hỷ dạy chúng con
Về phúc lành cao thượng".
Trên đây là những điều được chính Tôn giả A Nan nghe và tường thuật lại thành bản kinh có tên Mahamangala sutta, được kết tập trong tạng kinh Pali, bộ Sutta Nipata, 258-269. Bản kinh này thường được biết đến với tên gọi là kinh Phước đức, hay kinh Đại phước đức hoặc kinh Đại hạnh phúc và được các Phật tử các nước Phật giáo Nam truyền như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan… trì tụng thuộc lòng mỗi ngày. Cũng với nội dung này, trong tạng kinh Bắc truyền chữ Hán, nó được kết tập thành phẩm 39, phẩm Cát tường của bộ kinh Pháp cú, thuộc Đại tạng kinh Đại chính tân tu, số 210; và phẩm 42 cùng tên trong bộ Pháp cú thí dụ, số 211 thuộc ĐTK ĐCTT.
Mở đầu bản kinh đã cho thấy, không những chỉ loại người, mà cả chư thiên, đều suy nghĩ, mong ước, tìm cầu và mong đợi một đời sống an lành. Hóa ra đời sống ở Thiên giới không hẳn đã được an lành! Kinh điển Phật giáo cho chúng ta biết đời sống của các chư thiên có phước báo và sung sướng hơn hẳn loài người, nhưng vẫn còn chịu sự chi phối của sinh tử luân hồi nên chưa hết khổ đau. Mà chưa hết khổ đau thì vẫn còn xu yếu tầm cầu hạnh phúc. Để thỏa mãn cho những thao thức của cả chư thiên và nhân loại, Đức Thế Tôn trình bày 38 phương cách sống đưa tới phúc lành cao thượng mà theo Đức Thế Tôn, thực tập theo những điều này mới chính là phước đức lớn nhất hay cát tường, tốt đẹp nhất! Đọc bản kinh, chúng ta thấy rõ nội dung của nó chứa đựng những giá trị luân lý đạo đức hết sức căn bản của con người, đồng thời đưa ra những chỉ dẫn mang tính định hướng nghiệp rất cơ bản, những phương cách hành xử giữa cá nhân với gia đình và xã hội rất nhân văn.
Trong phẩm Cát tường kinh Pháp cú, chúng ta có 49 điều cát tường, nhiều hơn kinh Phước đức 10 điều, nhưng tựu trung nó cũng là những chỉ dẫn thiết yếu cho đường đời cũng như tiến bộ tâm linh. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là, trong khi kinh Phước đức mở đầu bằng lời khuyên :
"Không gần gũi kẻ ác (1)
Thân cận bậc trí hiền (2)
Tôn kính bậc đáng kính (3)",
thì phẩm Cát tường kinh Pháp cú đưa ra lời cảnh tỉnh:
"Ai vui tin chính pháp (1)
Là điều kiết tường nhất.
Chẳng phải xin trời, người (2)
Cũng không cúng thần thánh (3)
Để cầu điều may mắn
Là điều kiết tường nhất".
Không thể cầu cạnh, van xin người khác cho mình sự bình an, hạnh phúc, mà ngay cả các đấng trời, đất, thánh thần… chúng ta cũng không thể cầu cúng cho họ mà đạt được điều may mắn. Sự thật này cũng đã được nói đến trong kinh Pháp cú, phẩm Đức Phật:
“Tìm nhiều chỗ quy y
Nơi thần cây, sông, núi
Họa tượng, lập miếu thờ
Cúng tế để cầu phước
Ai quy y như vậy
Không tốt lành, tối thượng
Bởi thần kia đâu đến
Để cứu khổ ai đâu?”1
Các vị thần linh không ai đến để cứu khổ cho chúng ta, không ai đến để ban cho chúng ta sự bình an, hạnh phúc. Chúng ta cũng không thể cầu phước bằng cách họa tượng, lập miếu thờ thần cây, núi đá, miễu bà, dinh cô… Muốn có được đời sống an lành, hạnh phúc chân thật chúng ta cần phải tu tập, hành trì đúng Chánh pháp để chuyển hóa thân tâm thoát khỏi mọi nhiễm ô, phiền não. Sau khi đã xác định không ai ngoài bản thân của mỗi chúng ta chịu trách nhiệm về cuộc đời của chính mình, hạnh phúc hay khổ đau là hệ quả tất yếu của các hành nghiệp chính mình gây tạo ra, chúng ta bắt đầu thực tập: không gần gũi kẻ ác (1), thân cận bậc trí hiền (2), tôn kính bậc đáng kính (3). Tổ tiên ta vẫn thường dạy ‘gần mực thì đen’, còn chư Tổ thì dạy ‘hiệp tập ác giả trưởng ác tri kiến’, tức gần gũi kẻ xấu ác thì chỉ làm cho cái thấy, cái biết ngày một trở nên xấu xa. Cho nên, không những cần phải tránh xa kẻ ác mà còn phải ‘thân cận bậc trí hiền’, điều mà trong kinh thường nói là ‘thân cận thiện sỹ’, tức gần gũi thầy lành bạn tốt để làm cho cái thấy, cái biết ngày càng trở nên rộng lớn, sáng suốt. Sáng suốt để mà biết phân biệt, để ‘tôn kính bậc đáng kính’, chứ không phải gặp đâu cũng lạy, thấy ai cũng cúi đầu cho họ ‘quán đảnh’!
Rồi thì, đối với môi trường sống, cần phải lựa chọn ở trú xứ thích hợp (4). Trú xứ thích hợp là khi ở đó mình có thể được tạo tác nhân lành (5) và được đi trên đường chánh (6). Tạo tác, gieo trồng hạt giống tốt lành, thiện pháp thì gặt được quả báo tốt đẹp, an vui. Đi trên đường chánh là y chỉ trên Bát Chánh đạo.
Bát Chánh đạo dạy cho một người Phật tử phải sống chánh nghiệp và chánh mạng. Cho nên, cần phải có học (7), để có nghề hay (8), và nghề ấy lương thiện (13). Trong xã hội phát triển và mở cửa hội nhập như xã hội chúng ta ngày nay thì người có học và có nghề giỏi có rất nhiều cơ hội thành công, nhưng cần phải biết cung kính (22), khiêm nhường (23), nhẫn nhục (27), thuần hóa (28) và tự kiềm chế (19) để không bị say sưa (20). Không nghiện ngập say sưa trong rượu chè và càng không nên để say sưa, đắm mình trong dục vọng, lợi danh. Muốn vậy, cần phải biết hành trì giới luật (9) để hành vi không lỗi lầm (17) và xả ly tâm niệm ác (18). Thiết lập đời sống tự tại, thong dong (36) nhờ tu tập thiền định (31); gần đời mà chẳng hôi tanh mùi đời (vô nhiễm 37) nhờ sống phạm hạnh (32); thấy được chân lý của cuộc đời (33) nhờ thường yết kiến Sa-môn (29), đúng thời nghe Chánh pháp (26) và tùy thời đàm luận pháp (30). Đối với mình thì tri túc (24), đối với người thì tri ân (24). Đối với gia đình thì hiếu thuận bậc sanh thành (11), chăm sóc vợ và con (12); đối với người ngoài thì bố thí (14), hành đúng Pháp (15) và giúp ích hàng quyến thuộc (16). Đối với thiện pháp nếu tinh cần thực tập (21) thì khi xúc chạm việc đời tâm không hề lay chuyển (35).
Cầu nguyện an lành...
Tựu trung, những điều vừa được chỉ dẫn nếu thực hành không chỗ nào thối thất (38) thì đâu đâu cũng có được an toàn, hạnh phúc. Đó là những chỉ dẫn của Đức Thế Tôn về một con đường chắc chắn đưa đến thành tựu sự nghiệp ở đời và cũng thành tựu đời sống tâm linh vững chắc, chứng ngộ quả Niết-bàn (34). Đây chính là phương cách tầm cầu phước đức tối thượng nhằm đạt được đời sống hài hòa và tiến bộ cho cá nhân cũng như đưa đến hạnh phúc cho gia đình, hòa bình cho xã hội.
Sau đây chúng ta hãy đọc toàn bộ nội dung bản kinh:
Kinh Hạnh phúc
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn
Ngự tại Kỳ viên tịnh xá Cấp Cô Độc
Gần thành Xá-vệ
Khi đêm gần mãn
Có một vị trời
Dung sắc thù thắng
Hào quang chiếu diệu
Sáng tỏa Kỳ viên
Ðến nơi Phật ngự
Ðảnh lễ Thế Tôn
Rồi đứng một bên
Cung kính bạch Phật
Bằng lời kệ rằng:
Chư thiên và nhân loại
Suy nghĩ điều hạnh phúc
Hằng tầm cầu mong đợi
Một đời sống an lành
Xin Ngài vì bi mẫn
Hoan hỷ dạy chúng con
Về phúc lành cao thượng.
Thế Tôn tùy lời hỏi
Rồi giảng giải như vầy:
Không gần gũi kẻ ác
Thân cận bậc trí hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phúc lành cao thượng
Ở trú xứ thích hợp
Công đức trước đã làm
Chân chánh hướng tự tâm
Là phúc lành cao thượng
Ða văn nghề nghiệp giỏi
Khéo huấn luyện học tập
Nói những lời chơn chất
Là phúc lành cao thượng
Hiếu thuận bậc sanh thành
Chăm sóc vợ và con
Sống bằng nghề lương thiện
Là phúc lành cao thượng
Bố thí hành đúng pháp
Giúp ích hàng quyến thuộc
Hành vi không lỗi lầm
Là phúc lành cao thượng
Xả ly tâm niệm ác
Tự chế không say sưa
Tinh cần trong thiện pháp
Là phúc lành cao thượng
Biết cung kính khiêm nhường
Tri túc và tri ân
Ðúng thời nghe Chánh pháp
Là phúc lành cao thượng
Nhẫn nhục tánh thuần hóa
Thường yết kiến Sa-môn
Tùy thời đàm luận pháp
Là phúc lành cao thượng
Thiền định sống phạm hạnh
Thấy được lý thánh đế
Chứng ngộ quả Niết-bàn
Là phúc lành cao thượng
Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng
Những sở hành như vậy
Không chỗ nào thối thất
Khắp nơi được an toàn
Là phúc lành cao thượng.
Hạo Nhiên
________________
(1) Kinh Pháp cú Bắc truyền, phẩm Đức Phật, kệ 14-15, Thích Nguyên Hùng dịch.