Mong muốn chương trình lễ hội Vu lan phong phú hơn

Khóa tu Ngày an lạc lần thứ 45 với chủ đề “Vu lan và đạo làm con” tại Việt Nam Quốc Tự, với sự tham dự của gần 400 Phật tử vào ngày 3-9 vừa qua - Ảnh: Như Danh/BGN
Khóa tu Ngày an lạc lần thứ 45 với chủ đề “Vu lan và đạo làm con” tại Việt Nam Quốc Tự, với sự tham dự của gần 400 Phật tử vào ngày 3-9 vừa qua - Ảnh: Như Danh/BGN
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi đi làm xa nhà, vào ngày lễ Vu lan cũng tranh thủ đi chùa để học thêm hạnh hiếu nhằm hiếu thảo hơn với cha mẹ. Tuy nhiên, trong ngày rằm tháng Bảy tôi thấy nhà chùa cùng các Phật tử chủ yếu làm lễ cúng: Cúng dường trai tăng, cúng hương linh tổ tiên, cúng thí thực quỷ thần, phóng sinh, từ thiện v.v… mà không thấy các hoạt động thiết thực nhằm giáo dục lòng hiếu thảo, đáp đền thâm ân sinh dưỡng của cha mẹ.

Trong khi những người bạn của tôi đi các chùa khác kể rằng lễ Vu lan ở đó có chương trình tụng kinh, thuyết giảng, cài hoa hồng, văn nghệ rất xúc động. Như vậy, mỗi chùa làm lễ Vu lan khác nhau? Tôi muốn đi chùa có tổ chức lễ hội Vu lan với nhiều chương trình giáo dục hiếu đạo phải làm thế nào?

(HUỆ LỘC, nhansinh…@gmail.com)

Bạn Huệ Lộc thân mến!

Lễ hội Vu lan Báo hiếu rằm tháng Bảy thường kéo dài cả tuần. Bắt đầu từ mùng 8 (tháng Bảy âm lịch) nhà chùa khai kinh, tuyên sớ. Phật tử vân tập về chùa hàng đêm tụng kinh Vu lan, kinh Báo ân cha mẹ, sau thời tụng kinh chư Tăng thường ban pháp thoại ngắn, hoặc dặn dò về tinh thần hiếu đạo, tiếp đến là dâng sớ kỳ siêu cho các gia đình Phật tử.

Đến chiều tối ngày 14, sau khóa lễ tiểu sám hối, các chùa thường tổ chức thuyết pháp, tọa đàm về hiếu đạo hoặc văn nghệ mừng lễ Vu lan, cài hoa hồng, thắp nến tri ân v.v... Những chùa không tổ chức các hoạt động này thì sau khóa lễ sám hối, các Phật tử tùy duyên thắp hương, lễ Phật.

Vào ngày rằm, buổi sáng thường tổ chức thuyết pháp, gần trưa cúng dường trai tăng, sau đó là cúng hương linh tổ tiên, Phật tử dùng cơm chay thân mật. Đầu giờ chiều thường có lễ quy y Tam bảo, xế chiều cúng thí thực quỷ thần, phóng sinh, thả đèn, từ thiện v.v…

Trên đây là những nét chính trong hoạt động tu học mùa lễ hội Vu lan báo hiếu ở các chùa. Mỗi chùa tùy vào hoàn cảnh thực tiễn của chùa mình mà linh động, tùy duyên, tổ chức lễ nhằm giáo dục tinh thần hiếu đạo, răn nhắc Phật tử biết ơn và đền ơn cha mẹ, cúng kính ông bà tổ tiên.

Lịch trình tu học và Phật sự mùa lễ hội Vu lan báo hiếu thường được niêm yết tại chùa hay trên các phương tiện truyền thông của chùa. Do vậy, mỗi khi mùa Vu lan về, bạn cần tìm hiểu để biết về lịch trình tu học của nhà chùa mà tham dự. Hiện nay, các Phật tử ngoài bổn phận tham dự các hoạt động của chùa mình, họ còn tranh thủ tham dự các tiết mục đặc sắc ở các chùa khác.

Đơn cử như chùa nào có thời thuyết pháp của các vị giảng sư danh tiếng, chùa nào tổ chức văn nghệ Vu lan có nhiều ca sĩ ngôi sao, chùa nào làm lễ cài hoa hồng xúc động, kể cả việc chùa nào thường đãi các món chay ngon v.v… đều được mọi người quan tâm, ghi lịch và tham dự, tạo nên không khí lễ hội nhộn nhịp, ấm áp đạo tình.

Vì bạn chỉ đến chùa vào ngày rằm nên có thể đã bỏ sót nhiều sinh hoạt khác trong mùa Vu lan Báo hiếu chứ không hẳn là chùa không tổ chức. Ngày này, tuy lễ cúng khá nhiều nhưng nếu chú tâm vào những lời huấn từ của chư tôn đức, để ý đến tiếng kệ lời kinh, bạn vẫn có thể hiểu được ý nghĩa của lễ cúng dường trai tăng, hiến cúng cha mẹ ông bà tổ tiên đã quá vãng, mở rộng tấm lòng bố thí cho các loài quỷ thần đang đói khát, dang rộng bàn tay với những người có chút khó khăn…

Chính những xúc cảm này sẽ khiến tâm bạn lắng lại, nhận ra nhiều sự liên hệ với cội nguồn, biết ơn ông bà cha mẹ, những người xung quanh, kể cả những người đang giữa đôi bờ âm dương hư ảo. Từ đó, bạn cũng như mọi người sẽ sống với lòng biết ơn, tha thứ và yêu thương nhiều hơn.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.