Mọi thứ đổi thay, tình thầy không thay đổi

Thầy đến thăm và động viên học trò nghèo -  Ảnh: Đ.L
Thầy đến thăm và động viên học trò nghèo - Ảnh: Đ.L
Mới gặp lại thầy trong chuyến về quê gần đây, thấy thầy ốm  hơn xưa, thầy nói do bệnh gan “hành” thầy. Nhìn thầy, thấy thương thầy quá, ngày xưa thầy tận tụy với em và với 45 thành viên của 10-3, 11-3 và 12-3.

Ngày thầy về nhận lớp của em - lúc đó thầy mới ra trường. Quê thầy ở Quảng Ngãi nhưng vì cô (vợ thầy) ở Quảng Nam nên thầy theo cô về Quảng Nam . Nhận công tác ở một trường nghèo nằm heo hút ở vùng Tây Quế Sơn với số lượng học sinh không nhiều, mà học trò nào cũng nghèo. Nhiều bạn ở trên đầu nguồn sông Thu Bồn, muốn đi học phải mang gạo từ quê xuống ở nội trú tại trường để học. Ngôi trường mà em và thầy đã gắn bó suốt ba năm và mãi đến giờ thầy còn công tác là Trường THPT Nông Sơn, ở xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam.

Thầy dạy môn Văn với cái cách mà xưa nay em chưa được học bao giờ - mới nhưng rất hiệu quả: thầy dạy thảo luận, ra đề “mở”, và luôn khuyến khích những suy nghĩ và những cảm thụ mới từ học trò. Chính vì vậy mà những bài giảng văn chương của thầy “vào” trong em rất nhanh. Thầy tâm đắc câu nói “Văn học là nhân học” và thầy diễn nghĩa cho em hiểu: “Người yêu văn ít nhiều cũng sẽ có trong mình chất nhân văn, cái tâm thiên lương. Và văn cũng thể hiện được con người nên đọc văn ta có thể hiểu được một phần con người”. Từ cách hiểu ấy thầy đã dạy em phải sống chân thật giữa cuộc đời, học văn, học báo phải có tâm trong sáng thì mới có thể viết tốt, soi sáng những mảng tối còn tồn tại trong xã hội.

Đem bài học ấy vào cuộc sống như một hành trang trong rất nhiều món quý giá mà em góp nhặt từ cuộc đời, trường lớp để đi với nghề báo. Ấy vậy mà có lúc em cũng vấp váp, vô tình hoặc cố ý (vì không thắng nổi tâm tham lam, ích kỷ) em cũng đã làm rơi rớt những giá trị mà lẽ ra em phải giữ gìn cẩn thận. Ví như có lúc em cũng sử dụng ngòi bút của mình với tâm “kiếm tiền để xoay xở cuộc sống đang lúc khó khăn”. Thật chua chát phải không thầy? Ngày 20-11 em mới dám nói điều này như một lời sám hối vì em có lúc bỏ quên hành trang thầy dạy: giữ tâm thiên lương, trong sáng.

Em còn nhớ, hồi thầy làm chủ nhiệm trong suốt ba năm phổ thông, em cũng là một trong những học sinh được thầy quan tâm. Có lẽ do hoàn cảnh của em và cả vì em là… đồng môn của thầy - cái cách mà thầy hay gọi những học sinh học bồi dưỡng văn. Đến giờ, mỗi khi gặp thầy, nghe thầy nói về nghề em cảm nhận thầy vẫn tâm huyết với nó như ngày mới ra trường. Có lúc thầy gọi điện trăn trở: “Thầy thấy hơi buồn vì bây giờ nhiều học sinh có vẻ đua đòi mà ít lo học… Nhưng thầy sẽ cố, không nản, dù còn một em chịu học thầy vẫn sẽ mỉm cười, vẫn tiếp tục bước lên bục giảng”.

Tấm lòng của thầy còn trải rộng và dung chứa nhiều học trò nghèo. Hễ em nào nhà nghèo mà có ý muốn học tập thầy đều tạo điều kiện, xin học bổng ở các nơi để hỗ trợ tinh thần cho các em… Thầy tâm sự: “Mấy năm nay đời sống người dân ở đây có khởi sắc hơn nhưng so ra thì vẫn còn khó khăn lắm. Mà làm thầy đâu có dễ, phải sâu sát học trò và nắm được sở thích, hoàn cảnh của từng em để dạy và để chia sẻ”. Có lẽ vì cách nghĩ và phương châm ấy mà mỗi đợt học trò ra trường đều trở lại thăm thầy, mỗi năm mỗi nhiều hơn. Còn với em, đứa học trò nghèo năm nào của thầy cảm nhận nhận rất sâu sắc rằng: mọi thứ theo thời gian có thể đổi thay, chỉ riêng tình thầy là không thay đổi!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 389/GP-BTTTT ngày 02-8-2022
Tổng Biên tập: Thượng tọa Thích Tâm Hải
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Xuân Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2025 - Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.