Mỗi bài học là một “công án”

Anh 2, Thay Trong.jpg

GN - Thật bất ngờ khi ghé thăm góc tĩnh lặng được đặt ngay ở trường của thầy Nguyễn Thái Trọng, pháp danh Thiền Ẩn (ảnh) - giáo viên Ngữ văn kiêm Bí thư Chi đoàn Trường THCS Tân Nhựt (xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh, TP.HCM). Đó là nơi có nhiều sách lẫn ấm trà, và tượng Phật; chủ nhân của góc nhỏ vẫn thường dành thời gian ở đây để suy tư về những lời Phật dạy, chuyển tải lời dạy ấy vào trong từng bài giảng cho học trò. Nhân Ngày Nhà giáo VN 20-11, PG-TT gặp gỡ thầy với một cuộc trò chuyện thú vị. Thầy Trọng chia sẻ:

Ngay từ bé tôi đã được bà ngoại và mẹ dẫn đi chùa lễ Phật. Tôi thích ngồi yên và ngắm nhìn tượng Phật. Rồi từ đó, Đức Phật đã luôn hiện hữu trong tâm tôi, cùng tôi đi qua cuộc đời này hơn 30 năm… Đôi khi tôi tự hỏi: Có lẽ một nhân duyên lành đã được vun trồng từ nhiều đời chăng?

Tôi đến với nghề dạy học cũng là một nhân duyên. Thuở nhỏ, tôi rất thích đọc sách và mê học nhất là môn Văn, thậm chí còn học lệch môn khiến rất nhiều thầy cô phiền lòng, lo lắng. Ngay từ những ngày tháng đầu tiên của cấp THCS, tôi đã nuôi dưỡng ước mơ lớn lên sẽ thi vào sư phạm để dạy Văn. Thầy cô giáo cũng nhận ra tôi có năng khiếu nên bồi dưỡng thêm để tôi vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp thành phố và tôi đã không phụ sự kỳ vọng của thầy cô và bạn bè… Kể từ đó, tôi đã mơ mình được đứng trên bục giảng. Còn bây giờ bục giảng là một phần quan trọng của đời tôi!

Nhiều năm đứng trên bục giảng, điều thầy thao thức nhất là gì? Và thầy đã giải quyết việc ấy như thế nào, trong tâm thế của một người thầy và một người con Phật?

- Gần 10 năm đứng trên bục giảng, điều tôi thao thức nhất vẫn là việc học trò mình chuẩn bị hành trang gì và hướng đi như thế nào để bước vào đời. Đây đúng là một “công án” thật sự cho mỗi em. Nếu không giải quyết được, các em sẽ bước chân vào cuộc đời một cách vội vã hoặc lúng túng. Những bước đi đầu tiên ấy sẽ ảnh hưởng không tốt đến cả cuộc đời các em. Cho nên người làm thầy ngoài việc truyền đạt kiến thức còn phải là người “hướng đạo” cho học trò.

Trong khả năng của mình, tôi luôn lắng nghe và chia sẻ với học trò những gì cần thiết nhất cho những bước đi dài. Ở tuổi 15 các em chưa đủ “sáng mắt sáng lòng” để hoạch định một hướng đi, một nghề nghiệp trong tương lai nhưng các em đã biết mơ ước. Tôi khuyên những học trò nhỏ của mình hãy cứ ước mơ nhưng phải xây dựng nó trên nền tảng của hiện tại - ngày mai bắt đầu từ hôm nay!

Nghề giáo là một nghề không đơn giản, nhất là trong thời đại bây giờ, trong cơ chế thị trường…

- Tôi xin khẳng định là không có nghề nào là đơn giản! Mỗi nghề nghiệp có một đặc thù và độ khó riêng. Nếu ta thực sự yêu thích và quyết tâm “sống chết” với nghề thì nghề sẽ không phụ ta. Tôi đặt học trò mình nơi trái tim nên tôi không cảm thấy bị chi phối, ràng buộc hay bị áp lực từ ngoại cảnh. Tôi nghĩ, mặc dù mình đang sống trong cơ chế thị trường nhưng mình vẫn cứ ung dung đi bởi vì tôi biết có những thứ không thể nào đem ra mua bán được mà chỉ có thể trao truyền và tiếp nhận bằng trái tim mà thôi.

Trong phương châm giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn”, thì khi dạy đạo đức cho học trò, thầy đã thổi vào lòng các em những giá trị gì?

- Tôi hướng các em theo tinh thần “Từ bi” mà Đức Phật đã dạy. Tôi không đủ khả năng để hiểu hết nghĩa lý sâu xa của “Từ bi” nên chỉ dạy học trò mình một khía cạnh của “Từ bi” là “tình thương”.

Các em phải biết thương bản thân, thương những người trong gia đình và thương bạn bè. Bởi nói như thầy Minh Niệm: “Tất cả cũng tàn phai/ Chỉ tình thương ở lại/ Những gì trao hôm nay/ Sẽ theo nhau mãi mãi”… Và cũng chỉ có tình thương mới chuyển hóa được những hạt giống của hận thù, bạo động. Tôi thầm mong học trò mình khi gặp một cảnh đời bất hạnh, một số phận không may, thay vì lạnh lùng, vô cảm bước đi thì “lòng chợt từ bi bất ngờ” để tim mình có thể nhói đau và rơi nước mắt… Đó chính là tình người vậy!

anh 1, Thay Trong.jpg

Thầy Trọng và học trò cũ nơi góc nhỏ ở văn phòng đoàn trường

Theo thầy, nếu được dạy những giá trị của nhà Phật ở nhà trường (như ở Thái Lan chẳng hạn) thì sẽ giúp ích được những gì cho các em trong việc rèn luyện nhân cách, vốn đang là vấn đề quan tâm lớn nhất hiện nay?

- Những lời vàng minh triết của Đức Phật nếu được ứng dụng một phần nhỏ để giảng dạy trong nhà trường thì tôi thiết nghĩ sẽ đem lại rất nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài cho thế hệ trẻ. Chúng ta hãy để phần nghi thức của tôn giáo sang một bên mà đến để thấy những giá trị thật sự của đạo đức Phật giáo trong việc chuyển hóa khổ đau, giáo dục con người nói chung và thế hệ trẻ nói riêng.

Thầy Nguyễn Thái Trọng, sinh năm 1983 còn được biết đến với bút danh Đức Sơn Thái Trọng trong các bài bình luận, cảm nhận về thơ Haiku Việt và thơ của các tác giả viết về Phật giáo như Trụ Vũ, Đông Tùng, Thích nữ Trung Hiếu… Thi thoảng, Đức Sơn Thái Trọng còn cộng tác với nguyệt san Giác Ngộ và một vài tạp chí Phật giáo khác.

Tôi xin trích dẫn vài điều trong “Giới thứ tư: Lắng nghe và ái ngữ”:  Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói năng gì khi biết cơn bực tức đang có mặt trong con, nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào gốc rễ của những bực tức ấy, nhận diện những tri giác sai lầm trong con và tìm cách hiểu được những khổ đau trong con và trong người mà con đang bực tức. Con nguyện học nói sự thật và lắng nghe như thế nào để có thể giúp người kia thay đổi và thấy được nẻo thoát ra ngoài những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên những sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể”.

Đó có phải là kỹ năng sống không? Có phải là những giá trị đạo đức mà biết bao thế hệ tiền nhân vẫn dạy dỗ thế hệ hậu sinh không? Trên đây chỉ là một ví dụ điển hình cho việc chúng ta có thể áp dụng lời Phật dạy vào việc giáo dục nhân cách học sinh.

Kho tàng giáo pháp mà Đức Phật ban tặng cho thế gian này thật đồ sộ và uyên áo nhưng không có nghĩa là những lời minh triết đó chỉ nằm đằng sau lớp cổng thâm nghiêm của nhà chùa mà không thể đi vào cuộc đời, thấm vào từng tế bào não, từng nụ cười của những mầm non đang chập chững bước vào đời.

Nếu có một chia sẻ, gửi gắm thì thầy sẽ nói điều gì với học trò của mình và với việc giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống cho các em trong thời buổi hiện nay?

- Tôi thích hai câu trong bài hát “Khát vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “Hãy sống như đời sông, để biết yêu nguồn cội. Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao”. Đó cũng chính là sự gởi gắm của tôi dành cho những học trò mình.

Xin cảm ơn thầy!

Chúc Thiệu thực hiện

* Xem thêm bài vở cùng chủ đề:

>> Nghĩ nhân ngày Nhà giáo
>> Khi tu sĩ là nhà giáo
>>
Bung tay gieo hạt
>> Ngày hội tri ân tại Trường Phật học TP.Đà Nẵng
>> Lễ tri ân của Tăng Ni sinh các khóa giảng sư
>> Quảng Nam: Tăng Ni sinh tổ chức lễ tri ân
>> Tăng Ni sinh Học viện tri ân giáo thọ
>> TP.HCM: "Mênh mông tình thầy" tại Học viện PGVN


* Bài vở cộng tác cho trang PG-TT vui lòng gửi về phatgiaovatuoitre@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.