”Mộc bản thư khố” chùa Vĩnh Nghiêm

Giác Ngộ - Tỉnh Bắc Giang đang phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương tiến hành lập hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận kho "Mộc bản thư khố" chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu thế giới.

Chùa Vĩnh Nghiêm được dân gian quen gọi là chùa La, hay Đức La vì toàn bộ công trình kiến trúc tọa lạc trên một gò đồi nhỏ của xã Ông La thời xưa, sang thời Nguyễn đổi thành xã Đức La. Ngày nay, Đức La đã đổi thành xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

chua-1.jpg

Quang cảnh chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa được khởi dựng vào thời Lý. Đến thời Trần, Tam tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) đã cho mở rộng quy mô để làm nơi đào tạo Tăng tài. Suốt 700 năm, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những nơi tàng bản, in ấn kinh điển cho Phật giáo Việt Nam. Bởi vậy, ngày nay nơi đây còn bảo lưu được một kho "Mộc bản thư khố" đồ sộ nhất Việt Nam, không chỉ là bảo vật vô giá của quốc gia, mà còn là nguồn tư liệu để nghiên cứu nhiều lĩnh vực như: lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm, thân thế và sự nghiệp của nhiều vị cao tăng, lịch sử nghề khắc in mộc bản, tư tưởng, văn hóa… Đồng thời, còn giúp các nhà nghiên cứu có nguồn sử liệu quý giá về nghiên cứu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm. Chữ Nôm đã được sử dụng trong những trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm khi phiên tả lời thuyết pháp dưới dạng văn vần, thơ hoặc các bài diễn giải tư tưởng Phật học…

Kho "Mộc bản thư khố" của chùa Vĩnh Nghiêm với tổng số 3.050 bản khắc gỗ, niên đại từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX. Đại đức Thích Thanh Vịnh, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết, trong tổng số 3.050 bản khắc gỗ tại chùa gỗ, hiện đã thống kê được 34 đầu kinh, sách. Riêng Hoa Nghiêm kinh đã gồm hơn 2.000 bản gỗ, chiếm tới 2/3 số bản khắc tại đây. Trong kinh này, Phật dạy: Muôn đức hạnh của con người cũng như hoa của đất, đem hoa này trang nghiêm phép pháp thân cho nên gọi là Hoa Nghiêm. Tại đây còn có nhiều bản kinh khác: Di Đà kinh, Tỳ kheo ni giới kinh; Sa di ni giới kinh; Thiền tông bản hạnh; Quan Thế Âm kinh; Khai thánh chân kinh; Đại thừa chỉ quán; Sa di ni uy nghi; Bản nguyện chân kinh; Tịnh độ sám nguyện. Bản Tỳ kheo ni giới kinh, quy định: Bậc Tỳ kheo phải giữ được đầy đủ 348 giới cấm, phân ra làm 7 khoản: 17 giới cấm thuộc về Tăng đàn (không được làm tổn hại sư tăng); Xả đọa có 30 giới cấm; Ba dật đề có 78 giới cấm; Bá chúng học pháp với 100 giới cấm; Đề sa di 8 giới cấm; Thất diện tránh 7 giới cấm… Sa di ni giới kinh có 10 điều ngăn cấm dành cho những người (từ 7- 19 tuổi) phụng sự nhà sư và phục dịch các công việc ở chùa. Kho mộc bản hiện còn bản khắc của 13 tác phẩm văn học do các cao tăng thời xưa sáng tác: Yên Tử nhật trình (ghi hành trình của các sư tổ từng trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm lên Yên Tử); Thiền tịch phú (những bài phú về việc tĩnh dưỡng tu thiền); Thích Ca giáng đản truyền (truyền thuyết về ngày sinh của Đức Phật Thích Ca); Thượng đế khuyến thế văn; Thần du phương ký; Thiếu thất phú; Kim khoa ngọc luật; Tây phương mỹ nhân truyền; Văn xương kiến thế văn; Đáp tịnh độ tông tùy vấn đáp; Thái thượng cảm ứng biên; Đế quân cứu thế văn.

Kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cũng chứa nhiều sách giáo dục, khoa học cổ không chỉ dành cho nhà chùa mà còn dành cho cả quảng đại quần chúng nhân dân: Giới thực ngưu nhục (những lời khuyên răn không nên ăn thịt trâu); Giới đổ thập điều (10 điều khuyên răn không đánh bạc); Quá dâm thuyết (lời khuyên không được hoang dâm vô độ); Thái vi công quá cách (cách chế biến đồ ăn trong nhà chùa); An thai, thôi sinh phương (dạy các phương thuốc an thai, dưỡng thai hoặc tránh thai); Khuyến thế lương ngôn (lời khuyên làm việc thiện); Kết hữu phàm tứ huấn (bốn lời dạy trong việc kết bạn); Phụ kinh nghiệm cấp cứu thương (kinh nghiệm cấp cứu bệnh phụ nữ).

chua-3.jpg

“Mộc bản thư khố” chùa Vĩnh Nghiêm

Bộ ván in pho sách "Yên Tử nhật trình" có niên đại cuối thế kỷ XVI, là bộ ván in cổ nhất của kho mộc thư chùa Vĩnh Nghiêm. Đa số các mộc bản được khắc vào triều vua Cảnh Hưng nhà Lê (thế kỷ XVIII), bản muộn nhất được khắc vào thời vua Thành Thái nhà Nguyễn. Các mộc bản này do các nghệ nhân ở Bắc Giang, Bắc Ninh và chủ yếu là Hải Dương khắc thành nhiều đợt, vật liệu là gỗ thị hầu hết được khai thác tại vườn chùa. Đây là loại gỗ rất phù hợp với việc chạm khắc, như mềm, mịn, dai, dễ khắc, ít cong, vênh, khó nứt vỡ và khi in chữ không bị nhòe. Văn bản được khắc bằng chữ Hán hoặc Nôm, chữ khắc ngược, khi in ra giấy sẽ trở thành chữ xuôi. Kích thước các mộc bản không đồng đều tùy theo từng kinh sách, bản khắc lớn nhất chiều dài hơn 1m, rộng 40 - 50cm, bản nhỏ nhất chỉ khoảng 15 x 20cm. Vì đã qua nhiều lần in cho nên các mảnh ván đều có màu đen bóng bởi bề mặt được phủ bởi lớp dầu mực in khá dày. Lớp dầu mực này thấm sâu vào ruột gỗ, có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc, mối mọt rất hiệu quả. Phần lớp ván in được khắc chữ trên hai mặt, chữ khắc chân phương sắc nét, độ khắc sâu 1,5mm. Mỗi mặt ván dùng để in hai trang sách. Biên lan có khung viền 4 lề trang sách với một đường chỉ to đi cùng một đường chỉ nhỏ, người xưa gọi là "văn vũ biên lan". Bản tâm (hay bản khẩu) thường khắc dòng chữ cho biết tên sách, cùng với số thứ tự của trang, đồng thời trên và dưới khắc đuôi cá, gọi là ngư vĩ. Hai bên phải trái của thượng hạ biên lan có "Thiên đầu - địa cước" rộng 2,5cm. Nhiều trang được các nghệ nhân xưa khắc đan xen thêm những bức minh họa đường nét tài hoa tinh tế, bố cục chặt chẽ hài hòa, xứng đáng là tác phẩm đồ họa trứ danh của mọi thời đại.

chua-2.jpg

Mặc dù quý giá như vậy, nhưng suốt nhiều năm qua, việc bảo quản "Mộc bản thư khố" vẫn do nhà chùa đảm nhiệm, chưa thực sự có một phương án bảo tồn một cách khoa học. Đã mấy trăm năm tồn tại, với thời tiết khí hậu bất lợi của vùng chiêm trũng Trí Yên, nên một số bản mộc thư đã bị mục sứt, hoặc bị nhiễm nấm mốc. Theo ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành kiểm kê, phân loại đối với kho mộc kinh. Để mộc kinh còn mãi với thời gian, bên cạnh phương pháp bảo tồn cổ truyền khá hiệu quả như xếp trên giá gỗ lim, chân giá có chậu bằng đá chứa dầu lạc… Hiện Bảo tàng tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm, khai thác những kỹ thuật bảo quản tiên tiến, hiện đại. Để tránh nứt vỡ những mảnh ván khắc, trước mắt khắc phục bằng cách đóng, chốt gáy bằng đồng lá để tăng độ chắc chắn và giá trị thẩm mỹ. Đồng thời tiến hành phục chế một số mộc kinh bằng chất liệu phù hợp, hình thức tương đồng bản gốc để phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu của du khách và các nhà nghiên cứu.

Nếu được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, chúng ta sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc kêu gọi các nguồn đầu tư kinh phí, thậm chí cả các chuyên gia quốc tế hỗ trợ cho quá trình bảo tồn, phát huy giá trị vô giá của kho mộc kinh. Hy vọng, rồi đây kho mộc bản kinh Phật lớn nhất Việt Nam này sẽ được "đánh thức" sau giấc ngủ dài im lìm suốt gần hai trăm năm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.