Trong thi tập “Suối về Hoa nghiêm”, ấn bản 1974 tại Sài Gòn, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đã có lời giới thiệu về thi tập đầy cảm xúc này của Hòa thượng, lúc bấy giờ chỉ là một thanh niên du tăng Khất sĩ. Nhân mùa Vu lan, Giác Ngộ xin trích giới thiệu cùng quý bạn đọc những những cảm xúc và thi tứ ấy, trong cảm nhận về cha mẹ và thân phận con người...
Những cái “bên lề” của lịch sử, của tôn giáo, của triết học… rất thường khi là những cái quan trọng mà người ta ít khi ngờ tới. Mà những cái quan trọng đó gần như luôn luôn đầy tính hấp dẫn tình cảm, nói một cách nôm na là “dễ thương”.
Hoa nghiêm là tên một bộ kinh quý báu. Và cũng thế, “Suối về Hoa nghiêm” là một điều quý báu đối với những ai “đi vào với” Suối về Hoa nghiêm.
Đọc Suối về Hoa nghiêm, chúng ta tìm hiểu được tiến trình của một thanh niên đi vào với Đạo – là Nhạc, là Thơ… và để rồi sau khi “đi vào” với Đạo đã không “mất” trong Đạo: nói như thế là có ý muốn nói rằng đã không quên đi một cách hoàn toàn mọi chuyện đã trôi qua trong giai đoạn gọi là Đời.
Mà thật ra, tại sao lại nói có giai đoạn Đạo tiếp sau giai đoạn Đời? Đạo và Đời là một, thật ra là một. Đó là cái vòng tròn mà không ai có thể làm một dấu chân trên đó để phân cách làm hai.
Mục Kiền Liên vẫn hằng nghĩ đến người Mẹ của mình. Cái tâm thanh tịnh vẫn không hoàn toàn thanh tịnh được để vẫn có thể nghĩ tới người Mẹ đang đau khổ, và sau đó thực hiện được một điều để đời: Gương báo hiếu.
Nhà thơ Tha Phương Khách, qua Suối về Hoa nghiêm, đã nói lên bằng những vần thơ tuyệt tác, dạt dào tình cảm – và chân thành, nhất là chân thành – về cái ý nghĩa sâu nhiệm của việc khoác chiếc áo Đạo vào đời mình.
Mẹ! Mẹ muôn đời, muôn thuở, mẹ là đời sống của chính đứa con. Đứa con đó là Tha Phương Khách, đã viết Suối về Hoa nghiêm để mà nói về cái nguồn cái suối của tình thương, của đau khổ, của hạnh phúc, của sự rời bỏ nơi “quê hương giả hợp” để ra đi - như noi gương sự rời bỏ cung điện để ra đi của Thái tử Tất Đạt Đa ngày xưa vậy.
Con người đã rời bỏ “quê hương” để ra đi, khoác trên mình chiếc áo Khất sĩ, là một con người dạt dào tình cảm, đầy đạo hạnh, giàu hiếu thảo.
Người đó rất “nghệ sĩ”, “nghệ sĩ” vô cùng, và có lẽ cũng vì thế mà ký ức người đó không phai mờ chút nào đối với những kỷ niệm đầu đời.
“Mẹ là cô gái truân chuyên
Hai mươi tuổi ngọc vui miền hương quê
Sáng đi buôn, chiều lại về
Ngày ngày hai lượt gót mê phận nghèo.
“Thế rồi, có một người theo”, và thế rồi cuộc tao ngộ đó tạo ra một gia đình.
Nhưng rồi, “nước nhà gặp thuở can qua”, người cha ra đi và bỏ mình, tiếp đến người mẹ cũng rời xa con để ra đi, một cuộc ra đi mãi mãi làm người con mà sau này là tu sĩ, là nhà thơ Tha Phương Khách, trong tận cùng của khổ đau, đã tìm thấy lẽ vô thường của đời sống.
Suối về Hoa nghiêm gồm những phân khúc ngắn, bài nào cũng đầy tình tự, tình tự ruột thịt, tình tự quê hương.
Và điều quan trọng nhất là Suối về Hoa nghiêm đã mở ra trước chúng ta những “trang đoạn trường” mà lại đầy chất “trang nghiêm bình tĩnh” trước sự đoạn trường đó. Phải chăng, phải là con người đã tới được cái chỗ “Sắc cũng là Không” của đời sống mới có thể tạo nên được những bài thơ “khổ mà vui” như thế?
Tha Phương Khách đã buồn về cái chết của Cha Mẹ, về sự đau thương của đất nước, nhưng Tha Phương Khách cũng đã biết an nhiên bước “từng bước Khất sĩ” trên trái đất bao la này, nhìn thẳng vào bản lai diện mục của khổ đế trần gian.
Sài Gòn, mùa Phật đản 2518
Ủy viên Sáng lập Văn Mỹ Nghệ Phật giáo Việt Nam
Nguyễn Hữu Ba
Ngày xưa
Mẹ là cô gái truân chuyên
Hai mươi tuổi ngọc vui miền hương quê
Sáng đi buôn, chiều lại về
Ngày ngày hai lượt gót mê phận nghèo.
Duyên định
Ngờ đâu có một người theo
Thầm thương trộm nhớ dáng bèo hồng nhan
Rồi xui nên chuyện đá vàng
Hoa tiền định nở tào khang mặn mà.
Sứ mệnh
Nước nhà gặp thuở can qua
Chiến chinh máu lửa chan hòa lệ dân
Vì tình chung, gác tình thân
- Em ơi! Hãy nhớ duyên trần trăm năm.
Tiễn đưa
Thế là biền biệt xa xăm
Bóng người đi tận mù tăm sương ngàn
Tiễn đưa mắt đẫm châu tràn
- Mau về, con khóc đợi chàng đó nghen!
Chí tiền nhân
Việt Nam dòng máu hùng truyền
Muôn người như một thề nguyền đấu tranh
Chống xâm lăng, diệt thực dân
Dù cho phải chết nghìn thân cũng cười.
Một chiều nằm xuống
Đời anh theo dấu chân người
Một chiều nằm xuống mỉm cười hiên ngang
Ôi tiền nhân! Ôi cố nhân!
Hy sinh xương máu cho dân tộc mình
Sáng nào ca khúc hòa bình
Nhớ người chiến sĩ oai linh âm thầm.
Bào thai hai tháng
Người đi để lại tình thâm lạnh
Má thắm nghẹn ngào lệ thắm rơi
Số kiếp hồng nhan, ôi bạc phận
Đau thương chi xiết giữa dòng đời
Con gái hai mươi thành thiếu phụ
Khóc tình chưa cạn lệ chia ly
Rồi nay lại khóc thân đơn lẻ
Anh hỡi! Sao mà vội sớm đi?
Dòng máu anh còn ở trong em
Từng đêm thương nhớ tưởng từng đêm
Từng đêm sầu mộng đêm tình sử
Em đã trao anh trọn nỗi niềm
Bào thai hai tháng em nguyền giữ
Giọt máu tình anh là của em
Rồi mốt, rồi kia hoa sẽ nở
Hài nhi là hạnh phúc êm đềm.
Thuở con chào đời
(17-10-1949)
Mẹ sống gian nan trong hờn tủi
Bào thai mãi lớn theo thời gian
Ăn cay nuốt đắng đời mai mỉa
Mẹ vẫn vì con gánh phũ phàng
Rồi một ngày con lớn đòi ra
Là ngày mẹ đau đớn xót xa
Hỡi ơi! Rêm nhức cùng da thịt
Mẹ lại vì con cam chịu mà
Mười bảy tháng mười, năm bốn chín
Đêm đông buốt giá lạnh từng cơn
Vừa ra lòng mẹ oe oe khóc
Tiếng khóc con xua hết tủi hờn!
Sau này mẹ kể con nghe hết
Mẹ nói từ khi mẹ biết yêu
Mẹ vẫn hằng mong sao có được
Con trai trước nhứt để cưng chiều
Ngày cha con chết mẹ tan lòng
Con hỡi vì sao có biết không?
Vì bởi đến ngày con mở mắt
Người ta cha có con thì không
Mẹ đi sanh ở nhà thương Chúa
Có ngoại có dì Út con đưa
Giây phút quặn đau còn mơ ước
Phải chi có bóng dáng người xưa
Phút giây thầm tưởng cũng qua mau
Con biết không? Lệ mặn tuôn trào
Chết ngất đôi giờ cho con mẹ
Lọt lòng ra khỏi bến tình nhau
Đến khi tỉnh dậy nghe con khóc
Được biết con trai, sướng quá chừng
Đau khổ bao nhiêu, tiêu phút chốc
Chỉ còn trong mẹ nỗi vui mừng
Mai mốt rồi con sẽ lớn khôn
Sẽ là hình bóng của cha con
Trầm tư im lặng nhưng hào khí
(Dám nói dám làm chuyện nước non)
Con sinh ra giữa thời binh biến
Súng đạn quân thù ngập bốn phương
Cha chết vì hy sinh tử chiến
Mai sau con lớn nhớ soi đường
Bà Phước nhà thương thương con lắm
Muốn con không khổ, đặt tên TƯỜNG
Danh vang nhờ Chúa ban ơn tắm
Từ thuở nằm nôi được Phước thương.
(Trích Suối về Hoa nghiêm, bản in 1974)