Mặc định xăm hình Đức Phật sẽ bị trục xuất

GNO - Việc bắt giữ và trục xuất Naomi Coleman - nữ y tá người Anh 37 tuổi khỏi Sri Lanka vì một hình xăm Đức Phật tọa thiền trên cánh tay phải của cô đã một lần nữa nêu lên vấn đề thật đáng tội nghiệp của khách du lịch khi không biết những nhạy cảm về tôn giáo và văn hóa ở nơi mà họ đến.

>> Trục xuất một du khách bất kính với Phật giáo

anh VCH.jpg
Xăm hình Đức Phật trên cánh tay, nữ y tá - du khách 37 tuổi này đã bị trục xuất khỏi Sri Lanka

Coleman đã bị giam giữ một ngày sau khi bị bắt và trục xuất. Cô nói với báo chí rằng cô đã đến thăm đất nước này hai lần trước đó và đã không có vấn đề gì liên quan đến hình xăm trên cánh tay cô. Lần này nó đã bị phát hiện trước khi cô rời khỏi sân bay ở phía bắc thủ đô Colombo.

Là một Phật tử, cô nói rằng cô đã đến thăm các quốc gia Phật giáo khác như Thái Lan và Campuchia mà không hề có bất kỳ rắc rối nào. Cô cho biết hình xăm của cô là một dấu hiệu của sự tôn trọng.

Nhiều người Sri Lanka sẽ không đồng ý với cô ấy về điều đó. Đối với họ, việc tôn trọng niềm tin tôn giáo của một người có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, nhưng chắc chắn không phải bằng hình xăm.

Ngay cả ở trong nhà, các hình tượng tôn giáo thường được tôn trí ở nơi cao nhất và không có hình ảnh hoặc đồ trang trí khác được treo ở trên. Gần đây, một vị giám chức Phật giáo hàng đầu đã yêu cầu tổng thống nước này cấm xuất bản các hình ảnh Đức Phật trong các tờ báo.

Nhà chùa được coi là nơi nương náu tinh thần. Bạn phải chuẩn bị đặc biệt khi bạn đến những nơi như vậy. Bạn cần mặc đồ màu trắng hoặc màu sắc tối, và những trang phục này phải dài quá đầu gối.

Không phải là điều bất thường đối với các ngôi chùa Sri Lanka, nơi thường được lui tới bởi khách du lịch, khi chuẩn bị sẵn những tấm vải trắng cho người nước ngoài, để họ có thể vào chùa trong trang phục thích hợp.

Chưa bao giờ có chuyện người Sri Lanka cảm thấy đồng tình với một hình xăm Đức Phật. Nhiều người Sri Lanka sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu họ nhìn thấy một hình xăm Đức Phật, hoặc hình ảnh của Đức Phật trên một chiếc áo phông hoặc một chiếc quần bò, hoặc được sử dụng như một vật trang trí.

Và đây không phải là lần đầu tiên mà du khách gặp rắc rối bởi những nhạy cảm với phong tục tôn giáo ở đây. Vào năm 2010, ngôi sao R&B Mỹ Akon đã buộc phải hủy bỏ một buổi hòa nhạc khi các cuộc biểu tình đã nổ ra phản đối việc sử dụng một bức tượng Phật trong một trong những video âm nhạc của mình. Vào năm 2012, ba khách du lịch Pháp bị nhận 6 tháng tù treo sau khi họ bị bắt quả tang đã hôn một bức tượng Phật một cách thiếu tôn trọng.

Vào tháng 3-2013, một du khách người Anh, Antony Ratcliffe 42 tuổi, đã bị trục xuất vì có hình xăm Đức Phật trên cánh tay của mình. Ratcliffe cũng nói rằng đây không phải là một hành động thiếu tôn trọng, và rằng nghệ thuật cơ thể của mình là một hiến dâng cho niềm tin Phật giáo. Một lần nữa, không có nhiều người Sri Lanka đồng ý với điều đó. Ngược lại, họ xem đó như là một biểu hiện của sự thiếu tôn trọng tuyệt đối.

Những hành động này cho thấy rằng những người mang hình xăm đã không dành thời gian để đọc về đất nước mà họ đang đến và phong tục của nó. Trên trang tư vấn du lịch Bộ Ngoại giao Sri Lanka không nói rõ ràng về cách mà hình ảnh của Đức Phật nên được đối xử.

"Các hình ảnh xem thường Phật giáo và các hình tượng Phật giáo là một hành vi phạm tội nghiêm trọng và khách du lịch sẽ bị kết án cho việc này. Đừng chụp ảnh bằng cách đứng trước một bức tượng Phật", trang tư vấn cảnh báo.

Nhận thức được tập quán của nước mà bạn có ý định đến thăm có thể cứu một khách du lịch khỏi các rắc rối, như trường hợp của Coleman là một minh chứng.

Coleman, tất nhiên, là một Phật tử. Nhưng những gì mà các tín đồ tương tự khác nên nhận ra khi đi đến các nước như Sri Lanka là biểu hiện của đức tin hoặc các thể hiện sâu sắc về đức tin của mình ở phía tây vốn được chấp nhận là bình thường nhưng có thể dẫn đến những phản ứng ngược lại ở nơi khác.

Văn Công Hưng (Theo The Guardian)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.