GN - Tạm xa Sài Gòn vốn ồn ào, náo nhiệt, đầu tháng 8 vừa qua, tất cả 22 con người trong chuyến đi thiện nguyện mang trong mình trái tim thổn thức, hướng đến miền đất Đồng Nai thân yêu. Đến địa phận ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, vượt hơn 35km đường Chiến khu D xưa, không khí bao trùm đó chính là mùi của rừng quyện lấy không gian yên tĩnh…
Cảnh đời long đong
Cơ duyên tôi được gặp anh Nguyễn Huy Cường, một con người tâm huyết, đã tạo nên sợi dây gắn kết vô hình giữa chúng tôi và mảnh đất ở xã Mã Đà này. Anh học chuyên ngành quản trị kinh doanh, hiện sinh sống ở Q.Gò Vấp, TP.HCM. Vào dịp cuối tuần, anh thường tranh thủ sắp xếp thời gian xuống thăm các em, dạy chữ cho các em.
Sự hào hứng của các em nhỏ trong lớp học ở Mã Đà
Trong số khoảng 400 hộ gia đình có hơn 60 hộ sống lênh đênh trên nhà bè giữa lòng hồ Trị An. Anh Cường tâm sự: “Người dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống tạm bợ, bấp bênh, lây lất qua ngày. Quá nghèo khó, miếng ăn còn chưa lo xong cho nên việc học của các em là điều khó thực hiện. Có em ba mẹ tối ngày bài bạc, nợ nần, sắp nhỏ phải bỏ học, thương tụi nó mà nhiều khi không biết phải làm thế nào. Mấy đứa thanh niên choai choai thì thỉnh thoảng lại đánh nhau, có đứa hôm nay bình thường đi ngoài đường chào hỏi, bữa sau bị u đầu, mẻ trán rồi. Cứ nghĩ đến việc tụi nhỏ đã 14, 15 tuổi mà không biết chữ là lại đau lòng”.
Chính vì vậy, không quản ngại đường sá xa xôi, lặn lội nắng mưa, cứ vào cuối tuần anh lại chạy khoảng 100 cây số để đến với các em, đem lại con chữ cho các em, “sống chung với họ, hiểu được cái khổ ấy, nó dường như ăn sâu vào máu thịt, nơi đây như là quê hương thứ hai sinh ra mình vậy”.
Từng sống trong hoàn cảnh khốn khó, anh hiểu rõ hơn ai hết những gì mà người dân phải trải qua, nên giờ anh muốn góp chút sức cho những người cùng cảnh ngộ như là một cách để trả ơn đời.
Với sự hỗ trợ của bác Trần Văn Thu (Trưởng ban Mặt trận ấp 4, xã Mã Đà), người mà anh gọi là “tía”, cùng với sự cố gắng vận động các hộ cho các em đi học, anh còn dạy thêm tiếng Anh ngoài chương trình học trên lớp. Do điều kiện đi lại khó khăn, vì trường cấp hai cách đây 20km, nên hầu như học đến lớp 5, các em đều nghỉ.
Dấu chân tình nguyện
Xe dừng chân tại Trường Trung học cơ sở Mã Đà, phân hiệu C3, thuộc ấp 4, xã Mã Đà. Trùng hợp là hôm nay, tại đây, các bạn sinh viên tình nguyện làm lễ tổng kết - kết thúc một tháng Chiến dịch Mùa hè xanh từ ngày 6-7-2014 đến ngày 3-8-2014. Anh Cường đồng thời là Chủ nhiệm của Câu lạc bộ Chuông Gió “Một con chữ - Một đời người” - kết hợp với các bạn sinh viên giúp các em nhỏ có thời gian đến lớp trọn vẹn nhất và tổ chức hoạt động ngoại khóa giúp các em vui chơi giải trí, tạo môi trường vừa học lý thuyết, vừa thực hành, tăng tính đoàn kết và tình yêu thiên nhiên như trồng cây xanh, rau xanh, thu lượm rác sau mỗi buổi học…
Dịp hè là thời gian các bạn trẻ, các bạn sinh viên trở về quê nhà thăm cha mẹ và nghỉ ngơi sau quãng thời gian học tập miệt mài. Đánh đổi sự lựa chọn đó, các bạn đến với những vùng đất khó khăn, trong đó có xã Mã Đà để góp thêm chút sức lực nhỏ bé của mình cho cuộc sống của người dân, các em nhỏ được cải thiện phần nào, như câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”.
Chỉ huy Chiến dịch Mùa hè xanh, bạn Võ Đinh Thoại Nhân tại buổi lễ tổng kết phát biểu: “Năm nay là năm thứ hai thực hiện chiến dịch tại ấp 4, xã Mã Đà và kết quả đạt được là hầu hết các em học sinh đều đi học tích cực, vâng lời thầy cô và có những tiến bộ rõ rệt sau các bài kiểm tra” - cho thấy sự cố gắng của cả thầy lẫn trò.
Bạn Mai (tình nguyện viên của CLB Chuông Gió - SV ĐH KHXH & NV TP.HCM) chia sẻ: “Trong năm học, CLB tổ chức dạy học cho các em vào Chủ nhật hàng tuần, còn trong một tháng hè vừa qua, để thuận tiện cho việc đi lại, chúng em đã cùng ăn, cùng ngủ ở đây. Vì nhà các em xa, ba mẹ đều đi làm cả nên hàng ngày tụi em đưa rước các em đến trường rồi về nhà bằng xe máy, xe đạp”.
Những căn nhà lọt thỏm giữa hồ nước Trị An
Ở đây, mỗi em là mỗi hoàn cảnh khác nhau, trong lớp C3 mà Mai đứng lớp, em Trần Hoàng Thông là học yếu nhất, nhưng khi chứng kiến cảnh em đút từng muỗng cháo cho anh trai bị bệnh não, ba mẹ là công nhân làm việc quần quật suốt ngày ở hồ Trị An, lúc ấy mới thấu hiểu: chẳng ai còn quan tâm đến việc biết cái chữ là gì.
“Lửa yêu thương”
Tôi đã từng đọc đâu đó một mẩu chuyện về một người kỵ sĩ cưỡi ngựa đi ngang qua một con đường, khi ấy một lão già rách rưới xin ông đi nhờ, mặc dù chỗ lão đến cách khá xa so với nơi mà người kỵ sĩ tới, nhưng ông đã đồng ý. Trên đường đi, người kỵ sĩ thắc mắc cớ sao có nhiều người đi ngang qua mà lão không nhờ, phải đợi đến người cuối cùng, thì ông lão bèn đáp bởi lão không nhìn thấy được cái lòng trắc ẩn trong đôi mắt của những người ấy.
Cuộc sống vốn dĩ đã thế, luôn có những mảng đối lập, giàu-nghèo, tốt-xấu…, nó chi phối con người làm họ quên đi những giá trị cốt lõi, luân lý đời thường, đó là sự quan tâm, yêu thương, san sẻ.
Như bao nhiêu người khác phải đối mặt với vấn đề sự nghiệp, tương lai, khi được hỏi đến anh Cường trả lời với đôi mắt xa xăm: “Cũng lo nghĩ chứ, vừa học, vừa làm, lo miếng cơm manh áo, ấy vậy mà nhìn ánh mắt, nụ cười, sự trông ngóng của các em dành cho mình thì không thể kiềm lòng được, có cái gì như bóp nghẹt trái tim mình vậy, trông tụi nhỏ ngây ngô, dễ thương biết nhường nào”.
Không chỉ là cái Tâm mà tôi tin chính “Lửa yêu thương” đã thúc giục những người trẻ tuổi như anh Cường, các bạn sinh viên tình nguyện… làm được những việc có ích cho đời. Chính bước chân của những con người ấy như ánh sáng soi rọi vào những phận người ở xã Mã Đà, để nơi ấy rộn tiếng cười của trẻ thơ giữa một ngày nhiều lo toan đâu đó...