Khi chùa Trừng Giang trùng tu vào năm Mậu Tuất 1718 theo lệnh của Minh Vương Nguyễn Phước Chu, đã tình cờ phát hiện và vớt lên dưới đáy sông một phiến đá quý “có màu sắc giống như hồng ngọc sẫm và lạ nhất khi gõ vào đá ấy liền phát ra tiếng ngân vang như chuông đồng”. Biết phiến đá độc đáo này thuộc loại quý hiếm nên quan cai bạ Trịnh Phước Tri (tức Vĩnh Khánh hầu) đã đưa về Phú Xuân để dâng lên chúa. Xem đá quý, chúa bảo: “Đây là phiến đá tuyệt mỹ mang tiếng nói của điềm lành” nên sai đẽo thành chiếc khánh, hoàn tất ngày 3 tháng 10 năm Giáp Thìn (tức nhằm 18.11.1724) - tính ra cách đây đã 285 năm, và trở thành “một tác phẩm mỹ thuật điêu khắc đá hoàn hảo”, mà theo tài liệu ghi lại, thì trên mặt chiếc khánh có khắc bài minh văn của Minh Vương soạn.
Nổi chìm theo dòng lịch sử
Nội dung bài minh văn ấy cung cấp khá nhiều thông tin về xuất xứ và giá trị của báu vật này. Theo đó sau ngày hoàn tất chiếc vân khánh, Minh Vương đem tôn trí tại một ngôi chùa cổ không nói rõ tên. Đây chính là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu ngày nay đang tìm tòi. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng Minh Vương đưa về chùa Thiên Mụ vì “dưới thời đại của ông chùa Thiên Mụ được kiến thiết nguy nga, trở thành ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Nam Hà. Lễ Phật đản năm Canh Dần (1710) quốc chúa cho đúc quả chuông lớn cúng vào chùa Thiên Mụ. Năm Ất Mùi (1715), cho dựng tấm bia đá lớn ghi lại công việc xây dựng ngôi quốc tự và quan điểm của ông về tôn giáo. Qua đó chúng ta có thể tin rằng chiếc vân khánh quý báu phải được đưa đến tôn trí tại chùa Thiên Mụ”.
Để nhấn mạnh, Trần Đình Sơn còn nhắc đến các văn thi gia xưa từng đề cập tới chiếc khánh quý bằng đá ở chùa Thiên Mụ, chẳng hạn đại thần triều Cảnh Thịnh (Tây Sơn) là Phan Huy Ích ghi lại rõ ràng nhất: “Chùa Thiên Mụ xưa đã do Hiếu Minh Vương kiến thiết nên, cơ ngơi rộng rãi, tráng lệ nguy nga; dựng bia đá trắng khắc văn ghi việc; lại có chiếc khánh đá quý từ hướng tây đưa về treo ở gác chùa. Đó là cảnh đẹp bậc nhất của thiền lâm ở chốn Nam Hà. Mùa đông năm Bính Thìn (1796), Huy Ích tôi vâng lệnh đi công cán ở Phú Xuân, từng qua vãn cảnh thăm chùa. Trước năm đó, quan quân đã triệt bỏ các điện chùa cũ, đem chiếc khánh quý để vào trong điện vua, nền chùa còn lại thì san đi để đắp đàn cúng tế…”.
Về loại đá quý tìm thấy dưới sông Trường Giang |
Vậy có thể chiếc khánh được Minh Vương đưa vào chùa Thiên Mụ tôn trí. Khi quân Tây Sơn tiến chiếm Phú Xuân, cho đến lúc Nguyễn Ánh (vua Gia Long) thu phục kinh thành (năm 1801), chiếc khánh cũng lâm vào cảnh lao đao, xiêu dạt theo binh lửa, bị đưa ra khỏi chùa Thiên Mụ và chưa biết nguyên do gì lại thất lạc về làng La Chữ (nơi đóng quân của đại tướng Tây Sơn là Vũ Văn Dũng). Sau ngày vua Gia Long lên ngôi được một năm (1803), dân làng La Chữ trong lúc đào đất dẫn nước bất ngờ thấy chiếc khánh vô giá kia nằm sâu dưới mặt đất 3 mét bèn đưa vào chùa làng cất giữ.
Ngót hơn một thế kỷ sau, người làng La Chữ mang chiếc khánh đến tặng Hội Đô thành hiếu cổ vào năm 1915. Cũng năm ấy, xuất hiện bài viết của công sứ Orban về sự việc trên, đăng trong tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH), có đoạn: “Chiếc khánh do các chức sắc trong làng La Chữ (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên) đem đến nạp; ở phía trên có khắc hai hình rồng năm móng và các chữ Quốc chủ ngự thư (Bút văn của vua) và một ấn tín với các chữ: Quốc chủ ngự bút chí bửu (ấn tín của những văn bút được khắc bản của vua). Bản khắc này còn có thêm hai ấn tín nhỏ, một cái tròn, một cái vuông mà vị cộng tác viên của chúng ta là ông Tôn Thất Sa (họa sĩ) đã vẽ lại (…) để làm sáng tỏ thêm việc nghiên cứu. Chiếc khánh này (sau khi đem tặng) đã vỡ, bị vứt đi hay được giấu đi, trong một cuộc nổi dậy của quân Tây Sơn hay ở vào một thời kỳ lịch sử nào đó, rồi bị chôn vùi và đã được tìm lại, theo lời của những người dân La Chữ từng được nghe kể từ những người già cả”.
Bài viết của Orban cũng cho biết về bài minh văn của Minh Vương khắc trên chiếc khánh: “Bài thơ ấy nội dung như sau: Những viên đá tuyệt mỹ đều thường xuất phát từ những suối nguồn rộng lớn và bích ngọc thường xuất phát từ các ngọn núi cao. Vậy thì viên đá này đến từ đâu? Dù sao thì cũng đã được vớt từ đáy sông trong sạch. Rất hiếm thấy loại đá óng ánh ngũ sắc mà tiếng thanh như kim loại (...) và ta quyết định làm vật tặng cho một chùa cổ để nó trang trải hạnh phúc đến các thế hệ sau này” (BAVH 1915 - Đặng Như Tùng dịch). Như vậy chiếc khánh rõ ràng đã được người Pháp tiếp nhận, khảo tả và trưng bày ở Tàng cổ viện Huế, tức Musée Khải Định. Nhưng rồi, về sau bảo vật quốc gia này cũng lại biến mất khỏi bảo tàng trên.
|
Lạnh lẽo trong xó tối
Bẵng đi một thời gian dài không ai biết tung tích của chiếc khánh, trong một dịp ra Huế tham gia nghiên cứu về một số cổ vật lưu giữ tại kho của Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, ông Trần Đình Sơn sửng sốt khi nhìn thấy chiếc khánh đá quý kia nằm trong góc tối của kho. Ông đã khảo sát tại chỗ, ghi chép tỉ mỉ về hiện trạng bảo vật và cho biết phần đầu chiếc khánh vốn có khắc hai con rồng năm móng (như tài liệu của BAVH nêu trên) nay đã bị gãy rời đâu mất. Chỉ còn phần dưới chiếc khánh vỡ làm ba mảnh được ráp lại và có thể đọc được bài minh văn của chúa Nguyễn Phước Chu, phần thân của chiếc khánh khắc bài minh văn kèm hai dấu tròn và vuông nhỏ ghi “Vạn cơ dư hạ”. Bút pháp bay bướm tuyệt đẹp của bài minh văn chứng tỏ Minh Vương không chỉ là tác gia văn học lớn mà còn là một thư pháp gia ở Đàng Trong thế kỷ 18. Mặt đối lại được khắc Ngũ long tranh châu (Rồng năm móng bay lượn trong mây giành nhau ngọc quý).
Ông Trần Đình Sơn đã lên tiếng về sự việc đáng buồn này và than thở: “Đoạn trường chưa dứt không biết oan gia nghiệp chướng thế nào khiến nay chiếc vân khánh bị gãy mất đầu, bị vỡ làm ba mảnh và nằm lạnh lẽo trong xó tối”.
(*) Sông Trường Giang nằm trên địa phận làng Trường Giang, thuộc tổng Đa Hòa thượng, huyện Điền Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trước kia. Sông chảy qua trước ngôi chùa mang tên Trừng Giang (Trừng nghĩa là: lắng đọng).
Bài minh văn của chúa Nguyễn Phước Chu được nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn dịch như sau:
|