GN - Gặp NSND Kim Cương nhiều lần, ngoài đời có, trên sân khấu có, nhưng, có lẽ đây là lần “gặp” đặc biệt, đầu tiên, ấn tượng với chị trên cương vị tác giả tập sách Mẹ trên sân khấu Kim Cương - in lại ba kịch bản văn học của ba vở diễn về mẹ nổi tiếng: Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ, Bông hồng cài áo.
Nói như thế, không có nghĩa NSND Kim Cương chỉ là tác giả của ba kịch bản này mà suốt 50 năm qua, trong vai trò tác giả kịch bản với bút danh Hoàng Dũng, chị đã viết gần 100 kịch bản để dựng trên sân khấu kịch Kim Cương.
Tác phẩm của NSND Kim Cương - Ảnh: B.B
Nói là đặc biệt, bởi trong tập sách Mẹ trên sân khấu Kim Cương do NXB Văn Hóa - Văn Nghệ ấn hành năm 2012 này, ta sẽ thấy bàng bạc trong đó là tấm lòng yêu thương của chị dành cho mẹ, cũng như của những người mẹ dành cho con cái.
Sự pha trộn giữa Kim Cương đời thường với người mẹ trên sân khấu, như chị trả lời trên báo Tuổi Trẻ ngày 3-8-2012 chính là: “Khi học ở Pháp, có lần tôi xem một vở kịch trong đó cô diễn viên da đen đã nói một câu làm tôi nhớ mãi: “Dòng máu của các bà mẹ chảy dưới tất cả màu da”. Câu nói này về sau là nguồn cảm hứng để tôi viết nhiều kịch bản người mẹ, đồng thời cũng là kim chỉ nam trong tình cảm mẹ con của tôi ngoài sân khấu. Tôi với con tôi cứ như bạn, tôi lắng nghe những tâm sự, giải quyết những vấn đề của con hay sẵn sàng đứng ra hứng chịu lấy tất cả những điều tồi tệ nếu cuộc đời làm vậy với con tôi. Dù là sân khấu hay ngoài đời, tôi tin rằng tình cảm của mẹ dành cho con sẽ luôn bao la, độ lượng và bền bỉ cho tới chết”.
Trong tinh thần đó, NSND Kim Cương khẳng định: “Theo tôi, điều quý nhất của con người là cái tình. Cái tình làm cho người ta khác với con vật và cây cỏ, trong đó tình mẹ lại là thứ tình thiêng liêng nhất. Ðề tài về mẹ luôn làm tôi xúc động, khi viết và dựng thì dễ lấy nước mắt của khán giả”.
Có lẽ, cũng bởi suy nghĩ ấy, cùng với tấm lòng Kim Cương đối với nghệ thuật, với những mối quan hệ mẹ-con gắn kết giữa chị với mẹ, giữa chị với con cái cũng như cách chị sống nhân nghĩa, thủy chung với những người nghèo mà phần đầu tập sách, từ trang 15 tới trang 64 là những lời nhận xét đầy ưu ái của những học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa… dành cho chị.
Ở đó, bạn đọc sẽ tìm thấy những nét vẽ rất riêng của những người biết tới Kim Cương, như GS-Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai trong bài Văn học kịch Kim Cương nhận xét: “Có thể nói rằng, kịch nói Kim Cương là dòng kịch tiêu biểu đại diện cho văn hóa, cho đời sống của người dân Nam Bộ... Và có thể nói, văn học kịch Kim Cương đã hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của mình, ấy là góp phần tạo nên tất cả những giá trị mà một vở kịch cần đạt được, nhất là những vở kịch viết về, diễn về đề tài MẸ”.
Còn GS-Nhạc sĩ Trần Văn Khê trong Kim Cương - Nữ hoàng kịch nghệ đã bày tỏ cảm xúc: “… tôi chỉ muốn tóm lại hai ý của mình gửi tới Kim Cương, đó là Kim Cương - một nữ hoàng kịch nghệ và Kim Cương - một hiếu tử giữa đời thường”.
Hay, như nhận xét rất tinh tế của HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN về Kim Cương: “Kịch nghệ của Kim Cương luôn làm cho người xem xúc động, nhất là những vở kịch nói về người mẹ, về tình mẫu tử. Những vở diễn này luôn để lại trong tôi những ấn tượng khá đặc biệt. Bởi vì những vở diễn ấy đã khơi gợi trong lòng khán giả một trong những tình cảm thiêng liêng và cao quý của loài người đó là tình cảm mẹ con. Với đạo Phật, Đức Thế Tôn luôn ca ngợi hạnh hiếu, luôn đặt hạnh hiếu lên hàng đầu trong những bổn phận, trách nhiệm của con người”.
Rõ ràng, lời của Hòa thượng đã “thay lời muốn nói” của nhiều người, đồng thời giải thích cho sự tồn tại bền lâu của kịch Kim Cương trong lòng khán giả một cách đầy đủ, thuyết phục nhất. Đơn giản bởi vì nội dung và cách thể hiện tinh tế của kịch Kim Cương là về tình cảm cao quý nhất, được mọi người tôn thờ, hướng tới đầu tiên - tình mẹ.
Do vậy, không chỉ dừng lại ở những lời khen tặng và nhận xét của ba vị đại diện trong tập sách như đã dẫn ở trên mà ở tập sách Mẹ trên sân khấu Kim Cương bạn đọc còn tìm thấy những “bức chân dung” về NSND Kim Cương qua ngòi bút của ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương qua bài Cảm nhận khi xem vở kịch nói “Lá sầu riêng”; GS Cao Huy Thuần với Lá sầu riêng và hoa nghĩa địa; nhà văn Vũ Hạnh với Nghệ sĩ Kim Cương và kịch nói miền Nam; ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM với Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương - tấm gương sáng trong hoạt động nghệ thuật sân khấu; tác giả Kim Hoàng với Nghĩ về “Huyền thoại mẹ”. Mỗi người một cách, nhưng ai cũng luôn trân trọng cái tâm cái tầm của chị, một nghệ sĩ-Phật tử chân chánh trong nhiều thập kỷ qua!
Riêng người viết bài này thì thấy một chữ Tình cao quý của nữ nghệ sĩ tài hoa Kim Cương - đó là TÌNH MẸ.
Bối Bối