“Lửa” tình người chưa bao giờ tắt

Bài trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan 2021 - Thiết kế: Tống Viết Diễn
Bài trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan 2021 - Thiết kế: Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong lúc đang phải căng mình chống chọi với đợt tái bùng phát dữ dội của Covid-19, bằng tất cả nội lực, TP.HCM vẫn từng ngày đùm bọc, che chở cho hàng triệu người dân từ nhiều nơi đến sinh sống, học tập và làm việc trên vùng đất này.

Bếp không khói luôn đỏ lửa

Những ngày này, dịch bệnh đang khiến nhiều người buộc phải tạm rời xa TP.HCM để về quê, nhưng thành phố thì “quyết không bỏ ai lại phía sau”. Điều đó đã thể hiện bằng những hành động cụ thể, dù đang trong giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16, nhưng chính quyền thành phố vẫn có những chỉ đạo duy trì, kêu gọi tăng cường các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ bà con.

Có lẽ vì vậy mà khắp nẻo đường, lửa từ các bếp ăn của những tự viện, nhà hàng, những nhóm thiện nguyện… vẫn đêm ngày “đỏ rực” để đảm bảo cung ứng đủ khẩu phần ăn trong ngày cho bà con nghèo, người dân ở các khu phong tỏa, cách ly, cho đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch.

Bếp chùa Vĩnh Nghiêm đảm trách hơn 9.000 suất ăn mỗi ngày phục vụ đội ngũ tuyến đầu liên tục nhiều tuần qua - Ảnh: Bảo Toàn

Bếp chùa Vĩnh Nghiêm đảm trách hơn 9.000 suất ăn mỗi ngày phục vụ đội ngũ tuyến đầu liên tục nhiều tuần qua - Ảnh: Bảo Toàn

Ngay những ngày các khu cách ly, bệnh viện dã chiến trở nên tất bật với số người nhiễm, bệnh nhân liên tục được chuyển về, tại quận 3, Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM do Thượng tọa Thích Thanh Phong làm Trưởng ban, đồng thời trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), phối hợp cùng nhóm từ thiện Chia sẻ - Sharing, nhóm thiện nguyện Mãn Tự đã tổ chức bếp ăn nhằm cung ứng cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Bếp ăn được đặt tại khu nhà mới xây trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm, với công suất 10.000 phần ăn mỗi ngày, do chư Tăng, Phật tử trong chùa thay ca nhau phục vụ, đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh.

“Sau khi nắm bắt tình hình quá tải và nhu cầu thực tế từ các trung tâm cách ly, các bệnh viện dã chiến, Phật giáo thành phố quyết định nhanh chóng chung tay chăm sóc đời sống, đặc biệt là việc ăn uống, nhằm chia sẻ bớt áp lực để đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên yên tâm làm việc, bệnh nhân, bà con cách ly cũng yên lòng điều trị để sớm được khỏi bệnh”, Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM, trụ trì chùa cho biết.

Bếp chùa Tường Nguyên đảm trách hơn 20.000 suất ăn, có ngày gần 30.000 phần liên tục từ lúc dịch bùng phát đến nay

Bếp chùa Tường Nguyên đảm trách hơn 20.000 suất ăn, có ngày gần 30.000 phần liên tục từ lúc dịch bùng phát đến nay

Tại quận 4, huyện Nhà Bè, bếp ăn từ thiện chùa Tường Nguyên được Đại đức Thích Minh Phú, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, Chủ tịch Hội Từ thiện Tường Nguyên phối hợp cùng các nhà hảo tâm tổ chức thực hiện. Bếp ăn mỗi ngày gửi đi khoảng 20.000 phần ăn, có ngày gần 30.000 phần, chia đến các bệnh viện tuyến đầu chống dịch, bệnh viện dã chiến, các khu dân cư bị phong tỏa, cách ly và bà con cơ nhỡ trên địa bàn thành phố.

Và còn nhiều, nhiều nữa những bếp ăn với công suất từ 500 đến 5.000 phần ăn mỗi ngày; hay các phần nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, mì, trứng, sữa, rau củ… vẫn được chư Tăng Ni, các mạnh thường quân tại các tự viện, lặng lẽ chuyển đến khắp mọi nhà, mọi nơi trong thành phố. Tất cả có thể coi như một sự động viên, một liều thuốc tinh thần, xoa dịu vết thương của thành phố trong tinh thần từ bi của người con Phật.

Một vài gương mặt thiện nguyện làm việc miệt mài nhiều tuần qua

Một vài gương mặt thiện nguyện làm việc miệt mài nhiều tuần qua

Thành phố giãn cách nhưng lòng người không xa cách

Từ cuối tháng 5 đến nay, tại TP.HCM, những ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 tăng lên chóng mặt, vượt qua mốc 100.000, khiến ai cũng phải nhói lòng. Những ngày giãn cách, cuộc sống nhiều người trở nên khó khăn, có lẽ cũng vì vậy mà câu chuyện sẻ chia cho người gặp hoạn nạn hơn cũng mang đến cho chúng ta nhiều xúc cảm. Càng trong hoàn cảnh như hiện nay, chúng ta càng thấy rõ, dịch bệnh có thể khiến mọi người xa cách về không gian, nhưng cũng khiến tấm lòng của chúng ta dễ xích lại gần nhau hơn.

Bạn trẻ Phạm Thị Mỹ Linh (1990), quê ở Tiền Giang, hiện đang công tác và sinh sống tại TP.HCM, xung phong tham gia vào đội tình nguyện bếp ăn Tường Nguyên từ những ngày đầu, hỗ trợ khâu đóng gói các phần cơm cho tuyến đầu chống dịch, chia sẻ:

“Tuổi trẻ chúng mình không sống trong thời chiến, nhưng “bạn Covid” này cũng dữ dội không kém cạnh bom đạn. May mắn thay tuổi trẻ này, mình đủ can đảm để lấy chút sức nhỏ bé, chung tay với cộng đồng (đặc biệt là tuyến đầu chống dịch) bằng những bữa ăn cho hàng nghìn người từ bác sĩ đang điều trị bệnh cho đến bệnh nhân, người dân nơi khu cách ly”.

Nhiều người xin "xuống tóc" để đỡ bận bịu, vướng víu trong công việc

Nhiều người xin "xuống tóc" để đỡ bận bịu, vướng víu trong công việc

Mỹ Linh cho biết tình nguyện viên đăng ký là được test Covid, được tiêm phòng, được trang bị vật dụng cá nhân, áo, mũ, từ cái bàn chải đến những đồ dùng thiết yếu của nữ.

Vất vả thì có, nam khiêng gánh hàng tấn hàng hóa và rau củ, nữ thì ngồi gọt, nhặt hàng tấn rau, đứng đóng gói vận chuyển thành phẩm 6 - 9 tiếng mỗi ngày, người bếp chính đứng chảo dầu có khi thâu đêm suốt sáng, những bộ phận dọn dẹp, rửa xoong chảo to mà nặng nề.

Mỗi ngày thầy Minh Phú (Đại đức Thích Minh Phú, người chịu trách nhiệm trực tiếp tại bếp ăn - PV) bận rộn không kịp ăn, tiếp hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến, xử lý rất nhiều việc, nào là phân bổ các suất cơm hỗ trợ các nơi, nào là chăm lo cho gần 180 tình nguyện viên.

Bên trong cánh cửa khép kín, quý thầy luôn bận rộn với công việc phục vụ thầm lặng - Ảnh: Bảo Toàn

Bên trong cánh cửa khép kín, quý thầy luôn bận rộn với công việc phục vụ thầm lặng - Ảnh: Bảo Toàn

Tại đây, từng miếng ăn, những chiếc khẩu trang được nhỏ dầu xanh, từng chai sát khuẩn, từng ly sả gừng ấm, nước ép, trái cây, viên thuốc cũng được đưa tận tay. Ngoài ra, còn được bác sĩ chăm sóc và hướng dẫn phòng ngừa từ xa, đến giấc ngủ thầy cũng đi thăm và còn rất rất nhiều sự lo lắng chu đáo, chi ly của thầy và Ban tổ chức.

“Nếu hỏi có lo lắng không, thì chắc hẳn là có. Nhưng mình nghĩ sự lo sợ không thể lớn bằng niềm tin và tình yêu thành phố này của tất cả chúng ta. Và mỗi ngày thức dậy là một niềm tin vào ngày gần nhất, thành phố sẽ đẩy lùi bệnh dịch”, Mỹ Linh bày tỏ.

Bạn Nguyễn Quốc Mẫn (1997), quê ở Nha Trang, hiện đang làm đầu bếp tại một nhà hàng ở quận 2, là một trong những người trẻ, tham gia vào đội ngũ tình nguyện viên phụ trách nấu ăn tại bếp ăn từ thiện chùa Tường Nguyên từ giữa tháng 7, bộc bạch: “Chỉ cần được cầm chảo nấu ăn là mình đủ thấy hạnh phúc rồi và càng ý nghĩa hơn khi mình được nấu ăn để giúp đỡ người khác. Nghĩ đến việc các y bác sĩ, người dân, bà con nghèo nhận được những phần ăn tươm tất, chỉn chu, đảm bảo dinh dưỡng, hợp khẩu vị và no bụng, mình càng có thêm động lực”.

Khẩu phần ăn luôn được thay đổi, đảm bảo dinh dưỡng và dễ dùng

Khẩu phần ăn luôn được thay đổi, đảm bảo dinh dưỡng và dễ dùng

Mẫn chia sẻ thêm do ảnh hưởng dịch bệnh, nhà hàng nơi bạn làm việc phải tạm thời đóng cửa một thời gian, Mẫn tranh thủ chạy xe ôm công nghệ, hỗ trợ người dân vận chuyển nhu yếu phẩm trong mùa dịch. Sau nghe bếp ăn cần người phụ nấu, Mẫn đã xung phong phục vụ. “Thật ra, ban đầu mình cũng rất phân vân, xen đôi chút lo lắng vì tình hình dịch bệnh căng thẳng quá. Nhưng nghĩ đến bà con còn đang lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn hơn mình, nghĩ đến thành phố, nơi đã cho mình cơ hội để tiến bước trong công việc mà mình yêu thích, không có lý do để mình chối từ vượt qua chút e ngại, dấn thân khi thành phố cần”, Mẫn nói.

Mỗi ngày Mẫn cùng gần 20 cô chú, anh chị phụ trách bếp, nấu khoảng 1 - 3 tấn thực phẩm, theo thực đơn cập nhật. Công việc bắt đầu từ 2 giờ sáng tới 23 giờ khuya, có khi là thâu đêm, thỉnh thoảng chỉ dành 3 - 4 tiếng để ngủ. “Dù đôi lúc sự mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt, nhưng mình chẳng thấy ai than vãn cả. Hình như có nguồn năng lượng vô cùng tích cực cứ bao trùm lấy mọi người ở đây, cả chư Tăng, Ni và cả tình nguyện viên chúng mình nữa. Có lẽ đó là niềm tin và mong muốn động viên mãnh liệt cho sự hồi phục của TP.HCM thời gian sớm nhất”, Mẫn tâm sự.

Chia sẻ với cả người dân khó khăn, lỡ bữa - Ảnh: Như Danh

Chia sẻ với cả người dân khó khăn, lỡ bữa - Ảnh: Như Danh

Thành phố hồi phục sớm, có lẽ đó là mong ước của tất cả mọi người dân hiện nay. Trên mạng xã hội, không khó để tìm được những dòng cảm xúc mong ước thành phố sẽ trở lại cuộc sống bình thường, để người lại được gần người, để nỗi lo dịch bệnh không còn ám ảnh lấy mỗi căn nhà, mỗi khu phố nữa. Và rất nhiều người, rất nhiều tổ chức, đã và đang cố gắng góp tay hiện thực hóa ước mơ ấy bằng những hành động cấp thiết, gói ghém trong đó là tất cả sự cảm thông và yêu thương con người.

Nếu để ngẫm về sự hy sinh cố gắng, bên cạnh chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử và các tình nguyện viên ở nhiều khâu, tôi xin đặc biệt dành lời tri ân đến các chú, các anh, các bạn đội bốc xếp và đội bếp. Họ thật sự âm thầm đến mức chẳng ai nhớ đến họ. Họ chỉ im lặng làm công việc của mình như chiên, nấu, bưng, bê, khuân vác, cũng có lẽ vì mệt đến không nói nên lời và vì giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm mà họ không thể chuyện trò thoải mái. Sau mỗi giờ làm chiếm hầu hết thời gian, họ còn rất ít thì giờ để được ngủ. Những khâu vô cơm, nhặt rau còn có thời gian để chuyện trò, họ thì gần như không thể. Sự hy sinh này rất cần lời cảm ơn, động viên của tất cả chúng ta. Cảm ơn những người lính chống Covid cầm chảo và chiên xào”.

Đại đức Thích Minh Phú, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, Hội Từ thiện Tường Nguyên

Tính đến ngày 6-8-2021, với sự chỉ đạo của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, các hoạt động cứu giúp đã thực hiện hơn 50.000 phần ăn mỗi ngày, tiếp tế hàng trăm tấn thực phẩm thiết yếu đến bà con khó khăn trong lúc giãn cách xã hội.

Riêng bếp ăn từ thiện chùa Tường Nguyên (Q.4) đã phục vụ hơn 1 triệu suất cơm phục vụ các Bệnh viện Dã chiến số 8, 10, các bệnh viện Nhi Đồng 2, Đại học Y Dược, Bưu Điện, khu cách ly Q.9, Q.7; chuyển 15.000 phần nhu yếu phẩm các loại, 30.000 tô mì ăn liền, 20.000 lốc sữa, 250 tấn rau củ quả, 20 tấn trái cây các loại,… trao đến người dân trong các vùng phong tỏa; tặng tuyến đầu chống dịch hơn 100.000 khẩu trang KN95, 10.000 bộ đồ bảo hộ, 10 máy thở oxy, 1 xe cứu thương và các thiết bị y tế khác.

Bếp ăn chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3) liên tục hàng ngày chăm sóc hơn 9.000 phần cơm đủ dinh dưỡng chăm sóc đội ngũ y tế và bệnh nhân tại các Bệnh viện Dã chiến số 3, 6, 7, 8, Nhi Đồng, Phạm Ngọc Thạch, khu cách ly ở Hóc Môn, Bình Chánh...

Thượng tọa Thích Thanh Phong cho biết, chùa Vĩnh Nghiêm phối hợp cùng Tập đoàn Saigontel mở bếp ăn từ thiện tiếp theo tại khu vực Trung tâm Phần mềm Quang Trung (Q.12), với 3.000 phần/ngày, 5.000 phần/ngày sau khi hoàn thiện. Đây là một trong 5 trạm vệ tinh dã chiến do Sở Y tế TP.HCM thiết lập từ cuối tháng 7 vừa qua. Trạm hiện có 20 xe cứu thương thường trực hoạt động 24/7 với nhiệm vụ chính là tổ chức kíp cấp cứu ngoài bệnh viện, tiếp cận người bệnh tại cộng đồng và đưa về bệnh viện tiếp tục điều trị, đưa đón người bệnh tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Q.12 và Gò Vấp đến 12 bệnh viện đặt tại các khu vực điều trị phù hợp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.