Lòng từ bi của Phật A Di Đà

Lòng từ bi của Phật A Di Đà

I.

Lâu rồi tôi cũng quên đã đọc ở đâu đó nhập tâm hay là tôi đã nghĩ ra rồi hình dung hình ảnh vui vui. Một người trèo lên cái thang đến nấc cuối cùng… Người ấy còn tiếp tục đi đâu nữa, câu hỏi đặt ra giống như công án thiền và câu trả lời người ấy lại leo xuống. Rõ ràng trèo lên thì tuột xuống, chuyện cũng bình thường đâu có gì lạ. Tuy nhiên người nếu nghĩ cho sâu hơn thì thấy nó lạ, nó huyền ảo ở chỗ, lúc bước lên thang đó là bài ca lặng lẽ của riêng người, khi bước xuống đó lại là bài ca kỳ vĩ chẳng còn dành riêng cho người nào mà trở thành dàn hợp xướng. Từ những kẻ khôn ngoan đến hạng ngu si, thất nghiệp, tật nguyền, tất cả cất tiếng hòa theo “Nam-mô A Di Đà Phật”. Đến đây, xin thú thực, bấy lâu tôi cảm nhận Đức Phật A Di Đà theo nghĩa này. Theo Đại thừa, Ngài có vị trí trọng yếu nên tôi cũng hiểu Đại thừa như vậy, tinh thần nhập thế hơn là giải thích Đại thừa là cỗ xe lớn để so với cỗ xe nhỏ. Mà thế nào là lớn, là nhỏ, xin để chữ nghĩa cho những ai có căn cơ phân tích mổ xẻ. Không nhân duyên tôi tìm đến Phật theo kiểu của mình. Mà tôi tâm cảm gì ở Đức Phật A Di Đà.

II.

Trước hết đó là 48 lời nguyện lớn của Ngài. Qua 48 lời nguyện, đó là vàng ròng nên thân của Phật A Di Đà màu vàng, hào quang là ánh sáng vàng thắm tươi tỏa ra bao trùm khắp thế gian. Thêm điều đặc biệt, Phật Thích Ca rất chân tình và chân thật. Chính Ngài là người đầu tiên giới thiệu cho chúng sanh biết đến Phật A Di Đà. Cũng chính Ngài, thay vì có ai hỏi, Phật Thích Ca mới thuyết kinh, riêng với kinh A Di Đà là bộ kinh duy nhất không có ai hỏi, Phật tự động nói ra cho hàng đệ tử nghe thấy. Giả dụ như Phật Thích Ca không nói thì cũng chẳng ai biết đến xứ sở nước Cực lạc của Phật A Di Đà, chúng sanh nơi đó không có phiền não, chỉ có những niềm vui. Theo tôi, lý do Phật Thích Ca thuyết kinh A Di Đà chỉ vì sự huyền diệu của lời đại nguyện “Sau khi Ta thành Phật, chỉ cần các vị niệm tới danh hiệu của Ta thì các vị cũng thành Phật”. Tất cả mọi chúng sanh có thể hiểu được điều này. Lời nguyện này cũng là một nguyên nhân nữa, Đức Phật Thích Ca có lòng đại từ bi thuyết kinh A Di Đà để cho chúng sanh thấy lòng đại từ bi của chư Phật như thế nào.

III.

Có ba loại từ bi. Một là ái bi, tức là yêu mến những người nào gần gũi, thương xót đồng loại, thấy người nghèo khổ, bệnh hoạn đưa tay ra cứu giúp. Hai là pháp bi, cao hơn, vì thấy tất cả là do nhân duyên, thương cho những ai không hiểu được điều này. Cao hơn nữa là lòng từ bi bao la bao trùm khắp chốn không phân biệt, tức là đồng thể đại bi của chư Phật, Bồ-tát. Pháp thân, tâm Phật ở cùng khắp nơi. Phật trong tâm mọi chúng sanh, chúng sanh nằm trong tâm Phật. Trở lại 48 lời nguyện, từ lời nguyện 26 trở xuống, Phật cho thấy hình ảnh của nước Cực lạc mà mình chủ quản. Thí dụ như lời nguyện thứ 26 - Lúc tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở trong nước tôi không có thân kim cương, tôi chẳng ở ngôi Chánh giác.

Lời nguyện thứ 38 - Lúc tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nếu muốn có y phục thơm tho mặc theo đúng pháp, theo đúng tâm niệm. Nếu mà còn phải may cắt, giặt nhuộm thì tôi chẳng ở ngôi Chánh giác. Nó đã cho ta thấy nước của Đức Phật A Di Đà, chúng sanh nơi đây sống thật hạnh phúc. Một cảnh giới mọi người bình đẳng chan hòa, vàng ngọc châu báu bao nhiêu thứ quý giá ở xứ sở này được chia đều nhau. Nhưng để người đi đến xứ sở kia, ta trở lại từ đầu. Bắt đầu từ lời nguyện thứ 1 (cũng là lời nguyện của ta) - Lúc tôi thành Phật, ở nước tôi có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì tôi không ở ngôi Chánh giác.

Nguyện thứ 2 - Lúc tôi thành Phật, người trong cõi nước tôi sau khi mệnh chung còn trở lại sa vào ba đường ác, thời tôi chẳng ở ngôi Chánh giác.

Nguyện thứ 4 - Lúc tôi thành Phật, người trong cõi nước tôi, thân hình kẻ tốt người xấu không đều nhau, thời tôi chẳng ở ngôi Chánh giác.

Rõ ràng nước Cực lạc của Phật A Di Đà, qua lời nguyện thứ nhất cho thấy nó được xây trên nền tảng - lòng từ bi, đại từ bi. Đấy là một nước mà người trần gian mơ ước, đổ bao công sức ra để xây dựng vẫn không được. Rõ ràng Phật A Di Đà đã đi trước thời đại, nghĩ ra mô hình một đất nước do Ngài chủ quản hình thành từ lòng nhân ái, từ bi. Vì vậy, tôi lấy làm tiếc khi nghe giảng kinh A Di Đà, thay vì diễn giải cho mọi người thấy, cảm nhận được lòng từ bi bao la rộng mở của Phật A Di Đà, đằng này vì cái nước Cực lạc quá quyến rũ, chỉ cần chuyên tâm niệm Nam-mô A Di Đà Phật là sẽ tới, sẽ được vãng sanh. Lại có người khuyên đệ tử mau mau niệm Phật kẻo trễ, không kịp, thiên tai bão lụt sắp tận thế đến nơi. Vô tình lời khuyên như trở thành lời hù dọa, người nghe theo chuyên tâm niệm Phật vì nhu cầu của mình, lòng tham không nghĩ đến nhu cầu mọi loài xung quanh cũng cần được vãng sanh Cực lạc. Vậy là không đúng tâm nguyện tinh thần nhập thế của Phật A Di Đà. 

IV.

Nhân loại đi trong ba phần tư nước mắt, một thi sĩ đã nói thế. Đức Phật A Di Đà xa xưa cũng thấy như vậy, trần gian đang cần đến mình. Do đó lời nguyện thứ 6 - Hàng thiên nhơn có thiên nhãn thông. Lời nguyện thứ 7, có thiên nhĩ thông. Lời nguyện thứ 8 -  được tha tâm thông. Căn cứ ba lời nguyện này nên Phật A Di Đà chẳng thể ngồi một chỗ mà nghe hết, mà phải hóa thân đi khắp mọi nơi để cứu độ chúng sanh.

10a.jpg

Tôi đã từng nhìn thấy Đức Phật A Di Đà. Đừng có nói đùa. Thật, chính mắt tôi thấy Ngài đi thanh thản ung dung, tôi đi theo phía sau lưng quan sát, vòng qua góc phố, qua mấy con đường như là người lắng tai nghe bao nguyện vọng thầm lặng của con người. Và rồi, Ngài nhẹ nhàng rẽ vào viện dưỡng lão, trung tâm trẻ mồ côi. Sau khi phát quà thăm hỏi những người bất hạnh, Ngài liền tặng cho viện một số tiền to, vật chất kẻ ăn không hết người lần không ra. Ở những nơi như viện dưỡng lão, trung tâm trẻ mồ côi, bao nhiêu con người đang cần đến bàn tay nhân ái trợ giúp. Do đó, vị giám đốc mừng rỡ hỏi tên tuổi của Ngài để ghi vào sổ tri ân cảm tạ, nhưng Ngài nhẹ nhàng lắc đầu ra về như một kẻ vô danh. Sau đó Phật A Di Đà còn xuất hiện ở bên Nhật. Tôi không thấy nhưng đọc qua báo. Một gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, con bị bệnh nan y, người vợ lại bị xe đụng nằm liệt giường. Anh chồng âm thầm chịu đựng chẳng biết than thở với ai, báo chí cũng không hay để đưa tin nên chẳng có ai biết để chia sẻ với người  bớt khó khăn. Bất ngờ một sáng khi mở cửa nhà, anh thấy một gói tiền; là người thật thà, anh cho là của ai đó đánh rơi nên đem nó gởi cho đồn công an. Không ngờ sáng ngày hôm sau anh lại phát hiện thêm gói tiền nữa. Lần này anh mới biết gói tiền ấy là của người vô hình muốn giúp đỡ mình. Rõ ràng Phật A Di Đà qua lời nguyện tha tâm thông, thiên nhĩ thông đã nghe khắp nơi những tiếng kêu cứu giúp và Ngài đã hóa thân tìm đến họ. Bạn có thể cãi, trong xã hội cũng có nhiều người có lòng từ tâm theo kiểu như vậy, nhưng với tôi, người có tha tâm thông ấy chính là Đức Phật A Di Đà hóa thân đứng trước mặt mình. Vì trình độ của ta chưa tới nên không nhận ra ấy thôi.

V.

Pháp tu niệm Phật A Di Đà đặt trên căn bản tín, nguyện, hạnh. Tín là tin, vì đây là lời của chính miệng Đức Phật Thích Ca nói ra. Mặc dù trước đó Phật có dạy, cho dù Ta có nói các người cũng đừng vội nghe theo. Phật dạy ta biết hoài nghi, nhưng lòng hoài nghi cũng song song với lòng tin tưởng, đấy mới thật sự là lòng tin để chân lý luôn tỏa sáng. Chẳng lẽ ta không tin Phật là một người luôn nói thật. Nguyện là phát nguyện dũng mãnh, quyết tâm về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà. Nhưng với hạnh không phải chỉ là việc công phu trì niệm. Suốt ngày ngồi lần chuỗi niệm Phật mà quên hành. Người hành gì? Có phải 48 lời nguyện hàm chứa lòng từ bi vô cùng lớn lao đó cũng là con đường để đi, pháp môn mà Đức Phật A Di Đà đã vạch ra cho người mỗi khi cất tiếng niệm Nam-mô A Di Đà Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.