Lối về Vipassana

GN - Khóa thiền đã khép lại với những khuôn mặt sáng, rạng ngời niềm vui của các thiền sinh.

Tình cờ một lần đọc báo vào cuối năm 2012, tôi được biết về khóa thiền Vipassana 10 ngày do Thiền sư Goenka và các thiền sư phụ tá hướng dẫn sắp diễn ra tại tịnh xá Ngọc Thành (Q.Thủ Đức - TP.Hồ Chí Minh). Là người sống hướng nội và muốn thanh lọc tâm nên tôi hăm hở đăng ký và được chấp nhận. Nhưng đến phút chót thì không thu xếp được công việc, tôi vô cùng tiếc nuối và quyết tâm sẽ tham dự khóa thiền tiếp theo.

IMG_4932.JPG


Ban tổ chức và các thiền sinh chụp hình lưu niệm sau khóa tu - Ảnh Ngọc Hưng

Và duyên lành đã đến với tôi vào cuối tháng 3 năm nay. Một lần nữa tôi đăng ký tham dự khóa tu với sự quyết tâm cao độ nhưng trong lòng thì vẫn hơi e ngại với lịch tu học: bắt đầu từ 4 giờ 30 cho tới 21 giờ, chủ yếu là tọa thiền cùng với sự im lặng tuyệt đối trong 9 ngày, không dùng bữa chiều… Dù đã từng tham gia thiền tập và giữ giới nhưng tôi vẫn không chắc mình có thể tham dự trọn khóa thiền, tuy vậy tôi vẫn quyết không thể bỏ cuộc hai lần.

Buổi chiều đầu tiên (ngày zero) đến trung tâm thiền, tôi đã bớt lo lắng phần nào. Tịnh xá Ngọc Thành thật thanh tịnh trang nghiêm, không gian đầy cây cỏ và hoa lá làm cho các thiền sinh cảm thấy an ổn; nhất là sự ân cần và nhiệt tình của các anh chị trong Ban Quản trị đã làm cho những thiền sinh mới như chúng tôi bớt đi phần bỡ ngỡ ban đầu. Chúng tôi, những thiền sinh mới và trẻ dưới 30 tuổi, được bố trí chung một phòng đơn giản mà thoáng mát. Bên ngoài cửa sổ có khu vườn xanh với hàng cau và tiếng gà gáy thật dễ chịu. Một lần nữa tôi lại hạ quyết tâm sẽ tu cho trọn khóa.

Khoảng 100 thiền sinh tham dự khóa tu, đủ thành phần trong xã hội và đến từ nhiều nơi trong nước cũng như nước ngoài. Ai nấy đều giữ sự im lặng nên chỉ nhìn nhau bước vào buổi thiền đầu tiên với những tâm trạng lo âu, hồi hộp, háo hức... Buổi tối hôm đầu tiên, các thiền sinh chủ yếu học cách ngồi và phương pháp định tâm để bắt đầu thực hiện vào 4 giờ 30 sáng hôm sau. Thiền đường thật ấm cúng và trang nghiêm. Buổi tọa thiền đầu tiên diễn ra tốt đẹp.

Ngày thứ nhất đúng 4 giờ sáng, tiếng chuông báo thức vang lên. Tôi không muốn dậy tí nào, nhưng nghĩ mình đến đây tu thiền nên cố gắng thay đổi thói quen và đã đến thiền đường trước 4 giờ 30. Trở ngại lớn nhất xuất hiện lúc đó chính là cơn buồn ngủ. Bình thường đã khó tập trung, huống là bây giờ, lúc tỉnh lúc mê nên thật khó biết mình đang làm gì. Có lúc tôi đã tự làm đau mình để tỉnh ngủ nhưng chỉ một lát đâu lại vào đó. Nhưng rồi tôi cũng vượt qua cảm giác đó và chú tâm vào hơi thở như lời thầy dạy. Lần đầu giữ năm giới và tịnh khẩu, tôi thấy thật khác lạ nhưng dần hiểu ra rằng nó giúp ta có yên bình nội tâm. Tối đó tôi tập trung hết sức nhưng lại bị cơn đói làm phân tâm - vì bữa chiều chỉ có trái cây và sữa. Một sự hụt hẫng dù đã biết trước điều này, thói quen lại khiến ta khó chịu.

Ngày thứ hai bắt đầu có một vài thiền sinh bỏ cuộc, cộng với sự đau nhức cơ thể, tôi cảm thấy mình bị thử thách ghê gớm. Nhưng nhớ lại kỳ vọng của những người thân và bạn bè khi tiễn tôi đến tịnh xá, đồng thời tôi như cảm giác mình mắc nợ quý thầy cô thiền sư và những anh chị đã ân cần chỉ dạy và tận tình phục vụ nên tôi dằn lòng mà tiếp tục.

Ngày thứ ba, mọi thứ đã trở nên bình lặng hơn với tâm đã bắt đầu an định. Chúng tôi được làm quen với cảm giác trên thân thể, một việc mà tưởng như đơn giản nhưng hầu hết chúng ta đã bỏ qua bên trong mình để hướng ra bên ngoài.

Qua ngày thứ tư, ngày Vipassana, tôi mới thấy rõ dụng ý của phương pháp thiền này khi quan sát các cảm giác trên thân mình, như có một tấm màn được vén lên làm cho tôi quên hết những đau nhức và khó chịu khắp châu thân.

Nhưng đến ngày thứ năm, mỗi ngày có  3 giờ ngồi thiền với sự cương quyết thì tôi có cảm giác 60 phút sao mà dài thế. Tôi ngồi như bức tượng với sự đau nhức, tê buốt vô cùng mà không được nhúc nhích, động đậy và mở mắt. (Sau này tôi mới biết đó là sự trỗi dậy của các sankhara - các nghiệp bất thiện. Nó đã khiến ta đau khổ luân hồi trong cõi Ta-bà này). Cuối giờ, khi nghe tiếng kinh tụng của thiền sư, tôi thấy mình như được giải thoát. 

Nhờ những bài pháp thoại, tôi nhận ra rằng muốn thành công thì cần nỗ lực và niềm tin nhưng không thể thiếu sự tỉnh thức và bình tâm.

Ngày thứ sáu, tôi dao động vì có lúc cảm thấy mình không cảm nhận được như lời hướng dẫn, nhưng vị thầy với lòng từ bi vô hạn đã động viên tôi. Thầy nói: “Không sao cả, hãy cứ quan sát nó bằng sự bình thản và quán chiếu vô thường”. Nhờ có động lực này tôi càng vững tin để đối diện với thực tại của mình mà không phát sinh tham ái hay sân hận.

Ngày thứ bảy, tôi bắt đầu ngóng trông và thầm nghĩ: “Chỉ còn ba ngày nữa thôi”. Tôi cố gắng buông xả những cảm giác khó chịu này.

Ngày thứ tám, những sankhara trong quá khứ trỗi dậy liên tục, đau nhức, tê buốt… Tôi muốn bắt chuyện với những người bạn đồng tu bên cạnh lắm rồi. Tôi nghĩ chắc mọi người cũng như tôi thôi, nhưng do đã có ý thức hơn nên cố gắng.

Ngày thứ chín là ngày cuối giữ im lặng nên tôi hồi hộp muốn tìm hiểu các bạn đồng tu cũng như tìm kiếm các cảm thọ dễ chịu. Sankhara tham ái cứ nổi lên dù tôi cố gắng dẹp nó. Và thầy tôi đã giúp tôi có thêm sự bình tâm để quay lại với quá trình thanh lọc tâm mình. Dù có cách biệt ngôn ngữ nhưng tôi cảm thấy rất bình an và nhẹ nhõm khi được thầy từ bi trả lời những thắc mắc.

Ngày cuối cùng rồi cũng đến trong sự mong chờ của mọi người. Sau giờ thiền buổi sáng kết thúc lúc 10 giờ, chúng tôi như vỡ òa. Đủ thứ chuyện khiến chúng tôi quên cả ăn uống và ngủ trưa. Ai cũng chia sẻ kinh nghiệm cảm giác của mình với sự nhiệt tình nhất. Thật là có quá nhiều cảm xúc và nhiều điều muốn nói sau 9 ngày im lặng!

Ngày mai mọi người sẽ chia tay nhau để trở về với cuộc sống thường ngày. Nhưng ai cũng vui mừng vì có được con đường và sức mạnh để đối diện với những khó khăn, bất trắc của cuộc đời. Cảm giác lưu luyến khi phải chia tay nhau sau những ngày tu học nhưng mọi người đều vui vẻ và hẹn những khóa sau sẽ gặp lại và tu học tinh tấn hơn. Một thứ tình cảm được ghi nhận là lòng từ bi đã thấm đẫm trong tâm hồn mỗi người. Ai cũng hoan hỷ vì đã được trải qua những ngày có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình, được trải nghiệm sự thật như nó đang là và thực sự hạnh phúc với hơi thở vào ra cùng các cảm giác hiện tại. Cảm giác nhận ra mình sau bao năm bị vô minh che lấp thật tuyệt diệu như được tỉnh dậy sao bao giấc mộng dài. Chánh pháp mà Đức Phật chỉ dạy đã cho ta con đường và phương tiện để vượt qua bể khổ tới bến bờ giải thoát.

Khóa thiền đã khép lại với những khuôn mặt sáng, rạng ngời niềm vui của các thiền sinh. Trong tôi đọng lại rất nhiều điều, nhất là mong muốn sao cho có nhiều người trên đất nước Việt Nam thân yêu và trên khắp thế giới có duyên lành tham gia những khóa thiền như tôi.

Với tất cả sự tôn kính, tôi xin đảnh lễ và cám ơn Thiền sư Goenka cùng các vị thiền sư phụ tá đã nỗ lực giữ gìn sự tinh khiết của món quà Pháp bảo tuyệt diệu do Đức Phật Gotama trao truyền cũng như đã không quản ngại mang nó đến với những chúng sanh khổ đau. Tôi cũng rất cám ơn hai vị thiền sư phụ tá, dù cách biệt ngôn ngữ nhưng đã kiên nhẫn giúp đỡ chúng tôi hiểu cách thực hành và có thêm nghị lực vượt qua chính mình. Ước mong có thêm những vị có tấm lòng Bồ-tát như vậy thì thế gian sẽ tràn ngập hạnh phúc và an lạc.

Tôi cũng không thể quên tấm lòng và sự tận tình của chư tôn đức và các anh chị Ban Quản trị cùng những người phục vụ. Các thiền sinh được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ  đến thuốc men, bệnh tật... để chuyên tâm tu học. Những khi có những hành động phạm giới thì được nhắc nhở nhẹ nhàng và tế nhị. Ai khó chịu hay nản chí thì được ân cần động viên. Các anh chị luôn là người thức sớm nhất và ngủ muộn nhất. Họ là những thiền sinh cũ tình nguyện phục vụ với tấm lòng bao dung chỉ cho đi mà không hề đòi hỏi sự nhận lại. Chỉ có tình thương và tâm vị tha mới làm được những điều thánh thiện ấy.

Nguyện cho tất cả được hạnh phúc, an lạc và hòa hợp. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.