GN - “Thành thật xin lỗi Việt Nam, xin lỗi Việt Nam, xin lỗi Việt Nam! Xin lỗi những em bé chưa kịp nở hoa đã phải lụi tàn, xin lỗi những cụ ông, cụ bà, những nạn nhân còn sống sót đã phải gánh chịu rất nhiều bi kịch, xin thứ tội cho chúng tôi đã đến quá muộn màng…”.
Đó là lời phát biểu của ông Han Hong Koo, Giám đốc Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc tại buổi lễ tưởng niệm vụ thảm sát Hà My thuộc xã Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam) vào sáng 5-3-2013.
Thành kính tưởng niệm bà con đã bị tử nạn trong vụ thảm sát 45 năm trước
45 năm trước đây, vào một buổi sáng mùa xuân năm Mậu Thân, ngày 24 tháng Giêng, một ngày đau thương trên đất Hà My, Lữ đoàn Rồng Xanh của Nam Hàn đã lùng sục, bắt gom hơn 30 hộ dân của làng Hà My vào nhà ông Nguyễn Bính ở xóm Tây và nhiều hầm tránh đạn ở rải rác trong xã, họ đã vô cớ xả súng sát hại 135 đồng bào gồm người già và trẻ em rồi sau đó đốt nhà, dùng xe ủi đất chà xát lên thi thể các nạn nhân, gây nên cảnh tượng đau thương, uất hận ngút trời, thân người chết lại hai lần, cháy đen không còn nhận dạng, xương thịt vùi lẫn trong tro tàn và đất cát.
Sau vụ thảm sát, vùng quê nghèo Điện Dương biến thành vùng trắng không một bóng cây, không một nóc nhà.
Những vòng hoa mang dòng chữ "Thành thật xin lỗi Việt Nam"
Tôi là người may mắn còn sống sót nhờ ẩn nấp trong ngăn bàn thờ cùng ông nội (ông Nguyễn Bính), đau xót trước số phận hàng trăm người, trong đó có mẹ và hai em của tôi, họ đã ôm chầm lấy nhau ngã xuống bên cạnh cột nhà ngay trước mắt, nên năm 1993 tôi đã làm đơn gởi lên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đề nghị xây dựng nhà tưởng niệm những đồng bào bị sát hại (lúc bấy giờ ông Mai Thúc Lân nói với tôi nên về vận động bà con làm Nhà tưởng niệm bằng tranh tre tạm thời); cùng lúc đó tôi đã viết thư gởi cho một người chỉ huy của Lữ đoàn Rồng Xanh nhân chuyến thăm dò về lại chiến trường xưa mà vị này để lại tấm danh thiếp nơi lãnh đạo xã.
Những đại diện từ Hàn Quốc đến dâng hương tưởng niệm
Đoàn cựu binh Hàn Quốc đã vận động quyên góp và sang xây dựng một nhà bia tưởng niệm và bặt tin cho đến ngày nay.
Nhờ sự kết nối của cô Su-Yoong, một sinh viên Hàn Quốc học tại Việt Nam, nên trong buổi lễ tưởng niệm 45 năm ngày xảy ra thảm sát tại Hà My hôm nay, phía Hàn Quốc đã có các đại diện của Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc (mà trước đây là Ủy ban Sự thật về chiến tranh Việt Nam), Hội Y tế Hàn Quốc vì Hòa bình, Hội Liên hiệp nghệ thuật dân gian Hàn Quốc, Trường Làng Je Ju Hàn Quốc, Tổ chức Tôi và Chúng ta… với các vòng hoa đều mang đậm dòng chữ “Thành thật xin lỗi Việt Nam”.
Bà con dự lễ tưởng niệm
“Suốt mấy chục năm rồi mà chúng tôi vẫn không hề hay biết những gì mà người lính Hàn Quốc ngày ấy đã gây ra, Ủy ban Sự thật về chiến tranh Việt Nam đã thành lập, nay chúng tôi đến đây thành tâm khấn nguyện cho nước sông hòa bình luôn tuôn chảy qua từng khe sâu của vết thương”, với thái độ thành khẩn, ông Giám đốc Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc nói.
Mặc dù vẫn còn đó những tiếng thét gào rên siết trong nỗi đau mất cả người thân, nước mắt ràn rụa trong suốt buổi lễ của chị Đặng Thị Khóa, người đã mất cả cha lẫn mẹ trong vụ thảm sát kinh hoàng, vết thương trên cơ thể của nhân chứng vẫn còn buốt nhức mỗi khi trái gió, trở trời không dễ gì nguôi ngoai trong ký ức đau thương của những người dân lành vô tội.
Nhưng người dân Hà My hôm nay thấm nhuần tâm từ bi hỷ xả mà Phật dạy, khép lại quá khứ đau thương, cùng hội nhập kết nối sợi dây thân ái với những tấm lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân Hàn Quốc, ra sức xây dựng cuộc sống tươi đẹp trong tấm lòng vị tha, như ông Nguyễn Văn Hải, lãnh đạo xã Điện Dương đã nói: “Hôm nay các ông đến đây dâng nén hương sám hối tuy muộn, nhưng với tấm lòng thành thật nhận lỗi thì tất cả vẫn là chưa muộn”.