Đức Phật đã dạy chúng ta ở trong Pháp giới vô tận có nhiều loại hình chúng sanh khác nhau. Chúng ta chỉ thấy được những gì ở trong phần hữu hạn của nhục nhãn, nhưng nâng tầm kiến thức lên thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn của Bồ-tát và Phật nhãn thì thấy toàn thể vũ trụ và Pháp giới. Có nơi an vui và những người an vui, cũng có nơi khổ đau và những người khổ đau. Nhìn Pháp giới, Phật thấy được những nơi an vui, nguyên nhân an vui, những nơi khổ ải và nguyên nhân tạo nên khổ ải. Vì vậy, Ngài xuất hiện trên cuộc đời, khai diễn giáo pháp phương tiện nhằm ứng cơ, hướng dẫn cho tất cả mọi người đều quy hướng về những nơi an vui mà Ngài đã thấy.
Cũng là con người, nhưng có người được tâm an vui, thân giải thoát, có những người tâm đau khổ, thân bị ràng buộc, có người tâm an vui, nhưng thân bị ràng buộc. Vì thế, Ngài thuyết pháp giáo hóa hoàn toàn khác nhau.
Người tâm đau khổ, thân bệnh hoạn do nghiệp chướng trần lao tác động qua lại, tâm khổ tác động cho thân bệnh và ngược lại, thân bệnh làm cho tâm khổ. Và khi đau khổ lên đến mức cao nhất là địa ngục, nhưng từ địa ngục, nhận biết được và thực tập các pháp Phật để thoát khỏi địa ngục. Thoát khỏi bằng cách tập cho được tuy thân còn đau khổ là còn nghiệp, nhưng tâm phải được giải thoát.
Tâm giải thoát chỉ cho các bậc Hiền nhân thấy được sự thật của cuộc sống này nên lần lần vượt qua được phần tâm đau, chỉ còn thân đau, từ đó đi vào thế giới an vui, giải thoát; đó là con đường Phật đã dạy. Vì vậy, các Tỳ-kheo, các Thánh đệ tử phần nhiều thân không khỏe mạnh, vật chất thiếu thốn, nhưng nhờ tâm an vui, giải thoát của các ngài, nên các ngài vẫn sống trong thế giới an vui, giải thoát, từng bước đi vào thế giới an lành của chư thiên, thế giới của Niết-bàn, thế giới của Cực lạc.
Trong khi tất cả các loài hữu tình sống trên cuộc đời này thân tâm họ đều thọ khổ, nên khi chết, họ xả thân khổ, chỉ còn lại tâm khổ, thì tâm khổ sẽ đi vào thế giới khổ đau. Và hơn thế nữa, những người chết với tâm khổ đau sẽ tác động khiến thân bằng quyến thuộc phải chịu đau khổ theo. Thật vậy, trong vòng sanh tử luân hồi, vì thù hận, hay vì thương yêu mà họ đã gắn liền cuộc sống với nhau, kết thành quyến thuộc của nhau, gắn kết chặt chẽ giữa người sống và người chết.
Về lý này, khi tôi thực tập giáo pháp Phật, tâm được đứng yên, tôi quan sát thấy rõ những quyến thuộc của mình đã chết vẫn ở xung quanh mình, nhưng trước đây mình không thấy. Nay nhờ thực tập giáo pháp Phật, huệ nhãn phát được, tôi thấy họ đang hiện hữu ở xung quanh mình. Cho nên, khi ta làm một việc thiện, họ cũng chịu ảnh hưởng việc thiện đó, cũng như khi ta làm một việc ác, họ cũng chịu ảnh hưởng việc ác và khi ta tu hành, tất nhiên, họ cũng nhận được lực ảnh hưởng tốt đẹp của việc mình tu hành.
Chính vì vậy, từng bước tu hành, tôi phát hiện những người oán thân của tôi lần lần hiểu được lời Phật dạy và họ được hóa sanh. Có người hóa sanh về thế giới lành, có người tái sanh trên cuộc đời, tiếp tục làm quyến thuộc của ta và trở thành quyến thuộc giác ngộ, quyến thuộc Bồ-đề. Nếu quyến thuộc Bồ-đề mỗi ngày tăng tấn lên thì biết chúng ta đi vào con đường Phật đã dạy. Nếu chúng ta thực tập pháp Phật không đạt kết quả, không ảnh hưởng tốt cho những người oán thân của ta thì nghiệp chướng luôn phát triển trong nhiều đời, tạo thành thế giới đau thương, ảm đạm.
Từ khi đất nước chúng ta được thống nhất, độc lập, tự do, Phật giáo cũng phát triển theo hướng đi lên đó. Đặc biệt nhất, từ ngày xây dựng được Việt Nam Quốc Tự, chư Tăng thường tập họp nơi đây bố-tát, kiết giới an cư, thọ trì giáo pháp Phật. Nhờ vậy, những người đã khuất trong vùng đất này nhận được ảnh hưởng tu hành của chúng ta, họ được siêu sanh thoát hóa.
Hôm nay trước ngày giải chế của chư Tăng, Ban Trị sự Phật giáo TP. HCM mở hội Vu lan thí cho người đã khuất và những người sống cũng được ấm no, hạnh phúc. Tôi xin biểu dương việc làm của Ban Trị sự Phật giáo thành phố và những người có tâm niệm vì người chết cũng như người còn sống. Cầu Phật gia hộ cho quý vị và đàn tràng chúng ta thành công tốt đẹp.