Nói đến Phật giáo Nguyên thủy, người ta nghĩ đến Phật giáo Nam truyền. Gọi là Phật giáo Nam truyền, vì từ Ấn Độ, Phật giáo truyền xuống phía Nam, đến các nước Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia. Con đường truyền bá của Phật giáo Nam truyền như vậy không gặp nền văn minh lớn, nên Phật giáo đã giữ nguyên hình thái của Phật giáo thời Phật tại thế là Tỳ-kheo đi khất thực, ngủ dưới gốc cây, không có tài sản, cấm kinh doanh, sản xuất, làm chính trị.
Nhưng Phật giáo truyền lên phía Bắc Ấn Độ đã gặp hai nền văn minh lớn của nhân loại thời bấy giờ là văn minh Ai Cập và Hy Lạp. Và Phật giáo đã kết hợp với hai nền văn minh này mà hình thành Phật giáo Phật giáo Phát triển hay Phật giáo Đại thừa, nghĩa là Phật giáo theo hướng tiến bộ, không đóng khuôn. Gọi là Đại thừa, vì “Đại” là lớn, là đại chúng, là đông và như thế tất yếu phải có nhiều điểm khác nhau, nói rõ là quan sát thực tế xã hội, nhân thấy mọi người không giống nhau về sức khỏe, về trí tuệ, về đời sống… Vì vậy, theo Phật giáo Đại thừa, phải chấp nhận sự hiện hữu khác biệt này, gọi là đại chúng hóa Phật giáo.
Trên tinh thần có nhiều sự khác biệt trong xã hội, Phật giáo Đại thừa đã phát triển thành nhiều tông phái như Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông…. Ai thích hợp với pháp môn nào và thực hành có kết quả tốt đẹp thì đều được chấp nhận, đó là quan điểm của Phật giáo Đại thừa.
Theo Đại thừa, Phật giáo được phát triển rộng từ miền Bắc Ấn Độ qua vùng Trung Á, đến các nước Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Cụ thể hiện có Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo Hàn Quốc, Phật giáo Nhật Bản và Phật giáo Việt Nam sinh hoạt với nhiều tông phái tu theo Đại thừa. Riêng Phật giáo Nhật Bản có trên 30 tông phái và cả trăm giáo phái cũng là Phật giáo Đại thừa.
Đức Phật dạy rằng ai tu hành cũng thành Phật, nhưng phải trải qua quá trình tu đúng Chánh pháp mới thành Phật. Còn trần lao nghiệp chướng đầy đủ thì không thể thành tựu quả vị Phật được, vì đã rớt qua tà đạo. Ngay như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chia sẻ với tôi rằng dù được nhiều người tôn kính, coi ngài là Phật sống, nhưng ngài khẳng định ngài là con người đang thực hành giáo pháp của Phật, chứ không phải là Phật. Người tự xưng là Phật thì chỉ được một thời gian là lộ rõ sự dối trá, giả dạng Phật thôi.
Nhìn chung có Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Kim cang thừa, nhưng trong Phật giáo cũng có cách chia khác là ngũ thừa Phật giáo và tam thừa Phật giáo.
Ngũ thừa Phật giáo là từ mới phát tâm tu cho đến thành Phật được chia thành năm giai đoạn khác nhau. Giai đoạn một là nhân thừa phát xuất tu từ con người nhưng cũng phải hoàn tất việc tu của con người. Không hoàn thiện được tư cách làm người mà đòi làm tiên, làm Thánh thì chỉ là tà.
Căn bản của việc tu nhân thừa, Phật dạy tu tam quy, ngũ giới. Ngũ giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đó là năm điều căn bản của con người, giữ được như vậy thì không phạm tội, không bị đọa, chết cũng được tái sanh làm người, không rớt xuống các loài thấp hơn.
Giữ năm giới thôi, đời đời được sanh làm người, nhưng giữ thêm tam quy: quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng, đó là con đường đi lên, vì con người hơn các loài khác ở trí tuệ, thông minh, nên phát triển được. Thật vậy, loài người từ khi có mặt trên trái đất này đã phát triển nhiều mặt, nhờ có trí tuệ. Tuy loài người có vóc dáng nhỏ hơn các loài vật khác, nhưng điều khiển được chúng.
Ngũ thừa Phật giáo là từ mới phát tâm tu cho đến thành Phật được chia thành năm giai đoạn khác nhau. Giai đoạn một là nhân thừa phát xuất tu từ con người nhưng cũng phải hoàn tất việc tu của con người. Không hoàn thiện được tư cách làm người mà đòi làm tiên, làm Thánh thì chỉ là tà.
Phật nói phát triển trí khôn mới thành Hiền Thánh. Không phát triển trí khôn thì muôn đời làm phàm phu, hay bị đọa xuống. Phật là bậc trí tuệ tối thượng. Quy y Phật là nương với bậc có trí tuệ để phát huy trí tuệ của mình. Phật tử phải tìm các vị chân tu, đắc đạo, nương theo các ngài để trí tuệ của mình phát lên được. Có trí tuệ rồi, nhìn được sự thật của sự sống. Pháp là sự sống của con người, của muôn loài, của thiên nhiên, của vũ trụ. Quy y Pháp là thấy rõ tất cả các hiện tượng trong trời đất. Rõ nhất là thấy trong loài người chúng ta và thấy gần nhất là thấy sinh hoạt của tất cả các dân tộc ở tất cả quốc gia.
Thí dụ mình là dân tộc Việt Nam thì phải sống hài hòa với mọi người ở Việt Nam. Đến vùng Tây Bắc, hay Tây Nguyên, mình phải sống theo dân nơi đó, bắt người dân tộc sống theo mình không được. Rộng hơn, chúng ta thấy gần mình có nước Lào và Trung Quốc, chế độ của hai quốc gia này như thế nào, mình phải thấy rõ. Rộng thêm nữa, chúng ta thấy sinh hoạt của các nước Thái Lan, Miến Điện, Nhật Bản, Hàn Quốc... mà đất nước chúng ta là một trong mười nước thuộc vùng Đông Nam Á.
Làm sao chúng ta hài hòa được với các quốc gia này để cùng nhau hợp tác và phát triển. Đó chính là thực hiện tinh thần quy y Tăng, vì Tăng là hòa hợp. Thiết nghĩ sống trong gia đình bất hòa, cho đến sống trong một xã hội mà không hòa được, không chấp nhận mình được thì làm sao thành Phật.
Vì vậy, con đường tu của mình, thực hành tam quy để phát triển trí tuệ, thấy rõ sự sống của con người, sống hài hòa với mọi người, mới tròn nhân cách của con người là nhân thừa. Và từ đây, muốn lên trên con người nữa là thành tiên, thành Thánh, làm trời. Phật dạy trời có nhiều cõi. Sáu cõi trời Dục giới gần mình nhất, phải lên cõi này trước là phải thọ thập thiện giới. Nói cụ thể, trước khi lên trời, còn ở nhân gian, nhưng muốn làm trời là muốn lãnh đạo mọi người, muốn được mọi người kính trọng, mình phải làm gì?
Phật dạy phải thực hiện ba việc của thân. Thứ nhất là không sát sanh, nhưng cứu giúp tất cả chúng sanh. Có giúp người thì người mới quý trọng. Chẳng những đối với loài người, mà đối với tất cả các loài vật, mình không sát hại, còn hộ mạng. Đó là pháp tu đưa mình lên trên con người một bước. Không sát sanh, nhưng phóng sanh.
Một số Phật tử phạm sai lầm, phóng sanh bằng cách đặt trước bao nhiêu con chim hay con cá để thả. Tại mình đặt trước như vậy, nên họ mới tìm bắt chúng cho đủ túc số mình dặn. Chính mình làm chúng bị bắt là đã tạo tội rồi. Phật dạy thấy người hay vật bị nạn, mình mới cứu giúp. Quy y có trí tuệ rồi, thấy người đáng cứu thì cứu, không phải cứu được tất cả mọi người. Người không nên giúp mà mình giúp sẽ thọ quả báo. Việc chính là nhắm vô hộ mạng chúng sanh, cứu giúp để cùng phát triển đi lên, làm quyến thuộc Bồ-đề của mình trong tương lai.
Như vậy, trong thập thiện giới, việc thứ nhất của thân là không sát sanh nhưng cứu hộ chúng sanh. Việc thứ hai là không gian tham, trộm cắp, nhưng bố thí, giúp đỡ người. Việc thứ ba là không tà dâm, nhưng đoạn dâm. Phật nói loài người có sự sống trên loài vật là không loạn dâm, mà có vợ chồng, nhưng nâng lên cuộc sống cao hơn là chư thiên, họ không phải thai sanh như mình, mà họ hóa sanh, nên thân của họ rất nhẹ và quan hệ chính của họ là tình cảm trong sáng, tốt đẹp, họ chỉ nhìn nhau cảm thông và chấp nhận nhau là thành vợ chồng.
Còn loài người sống trong tình dục, có vợ chồng rồi chán ghét nhau, chửi nhau, đánh nhau, tệ hơn nữa là ngoại tình. Chư thiên không sống dâm dục như các loài sinh vật, nhưng còn tình cảm trong sáng như vợ chồng thương nhau, hợp tác với nhau một cách nhẹ nhàng, không phải tranh giành, xỉ vả nhau, sát hại nhau. Thực tập điều này, các đạo hữu sống được như chư thiên, từ bạn đời nâng lên thành bạn đạo để cùng nhau tu học, làm một số việc thiện lành trong cuộc sống.
Ngoài ba giới của thân là phóng sanh, bố thí, đoạn dâm, còn có bốn giới của khẩu nghiệp là không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung ác. Giữ trọn vẹn bốn giới này, trở thành người trung thực. Muốn lên trời, tuyệt đối không nói dối, nhưng tiến lên một bước, vì đã quy y Phật, có trí tuệ thì sử dụng lời nói cao hơn nữa, chẳng những mình luôn nói lời chân thật mà lời nói phải có ích lợi. Dù là sự thật, nhưng nói ra không ích lợi, hoặc nói ra có hại thì cũng không nói. Vì vậy, chúng ta nói những điều có lợi cho mình, cho người, cho số đông, không phải chỉ không nói dối thôi.
Nói lưỡi đôi chiều là tới người này nói chuyện người khác, gọi là người nhiều chuyện để làm cho xích mích nhau. Điều này tuyệt đối không nói. Nhiều Hòa thượng tu cấm khẩu, như Hòa thượng Huệ Hưng khi còn sanh tiền, ngài vô tình nói một lời phiền lòng người. Ngài đã phát nguyện cấm khẩu ba năm. Tập không nói để lần lần mình tìm lời có lợi, như hai người xích mích, hiểu lầm, mình tìm lời nói cho họ gần gũi, chấp nhận nhau. Lúc trước nói lời khiến người ly gián, nhưng nay, tu thập thiện, nói cho hòa hợp, vì biết trong xã hội nếu mọi người chống đối nhau, không hòa hợp thì sẽ rất tai hại.
Nói lời thêu dệt, chuyện không có hay có ít, mình làm nó phát tán rộng ra là quan trọng hóa vấn đề để thành chuyện, như vậy là sai lầm. Phật dạy thay đổi ngược lại, tức là nói lời chân thật giúp người hòa hợp với nhau. Đổi bốn điều ác của miệng thành bốn điều thiện của miệng. Muốn lên trời, đối với chuyện tệ xấu đến đâu, mình vẫn chấp nhận được, thanh thản được, mỉm cười được.
Tôi đọc câu chuyện của nhà hiền triết Trung Đông là Aristote. Thông thường, người vợ kính trọng chồng, nhưng một hôm, ông chồng đang ăn cơm với khách, bà vợ nói gì mà ông không nghe, không làm theo. Bà hất mâm cơm ra ngoài sân. Chuyện động trời như vậy mà ông tu nên cười và chấp nhận được, chứng tỏ ông cao hơn người thường rồi. Ông nhẹ nhàng nói với khách, thôi, mình ra ngoài kia ngồi ăn cho mát!
Vì vậy, thực hiện thập thiện giới, không có gì trên cuộc đời này mà mình không vui vẻ chấp nhận được, để về sau trên lộ trình Bồ-tát đạo, mình tu hạnh nhẫn nhục vững chãi. Chấp nhận thực tế, đó là hóa giải được nghiệp quá khứ thì về sau, người làm lỗi với mình, họ sẽ hối hận.
Muốn lên trời, mình chấp nhận họ lỗi với mình, vì quán thấy họ là người hay họ dưới người nên họ quá thô lỗ là điều bình thường. Nếu họ là người nhưng nhìn thấu căn tánh của họ thấp hèn, thô thiển thì mình cũng chấp nhận được. Tu Pháp hoa, nhớ rằng với người hỗn láo, mình không được quyền có thái độ lại, vì mình có trình độ cao hơn rồi, thấy họ là con người hay là a-tu-la, còn mình là trời.
Trời thì nói với nhau bằng ý thức, hiểu nhau trong lòng, không nói bằng tay chân. Hiểu lòng nhau mới có thể làm bạn được. Vì vậy, mình tu Bồ-tát đạo, Phổ Hiền dạy: “Những người cùng tôi đồng một hạnh. Cầu được sanh chung các cõi nước. Thân, khẩu, ý nghiệp đều đồng nhau. Tất cả hạnh mầu cùng tu tập”. Còn người không đồng thân, khẩu, ý với mình là họ khác rồi, họ là a-tu-la, nên để họ làm a-tu-la.
Thực ra chưa lên trời, nhưng người lãnh đạo phải có tư cách của bậc trưởng thượng, thể hiện thành lời nói chân thật, đúng đắn, không sai lầm, có ích lợi.
Thực hiện thập thiện giới, không có gì trên cuộc đời này mà mình không vui vẻ chấp nhận được, để về sau trên lộ trình Bồ-tát đạo, mình tu hạnh nhẫn nhục vững chãi. Chấp nhận thực tế, đó là hóa giải được nghiệp quá khứ thì về sau, người làm lỗi với mình, họ sẽ hối hận.
Thực hành thân nghiệp và khẩu nghiệp tốt đẹp rồi, phải tu ý nghiệp gồm có tham, sân, si. Điều quan trọng là coi lòng còn ham muốn, bực tức của con người hay không, nặng hơn nữa là a-tu-la. Chư thiên có trí tuệ, biết việc không làm được thì không làm. Đa số người làm việc trên năng lực, nên hậu vận không tốt, bị đọa.
Chư thiên đi lên vì thấy chính xác việc nào của mình, việc nào đáng làm, biết trước việc phải xảy ra, nên không bực tức, không ham muốn, không si mê. Tu được như vậy, Phật nói nếu chưa lên trời, mình còn ở trong loài người nhưng làm trời trong loài người, nghĩa là được kính trọng như bậc bề trên, là người cao thượng. Như vậy là đã lên thiên thừa, chắc chắn bỏ thân người, được lên trời.
Chư thiên không sử dụng thân, khẩu, chỉ sử dụng trí tuệ nên thân nhẹ. Người nghiệp nặng thì chết làm ma, vì thân nghiệp còn, bao quanh làm họ khổ sở. Hôm qua có người bị ma dựa, tìm tới nhờ tôi quy y cho con ma. Nó làm ma khổ sở, nhưng còn chút căn lành đời trước của nó khiến gặp được Phật tử trong đạo tràng đồng tần số với nó, nên nó nhập vô người đó. Con ma xin tôi quy y để nó nương theo Phật tu mà giải nghiệp. Hết nghiệp thì tái sanh.
Ở trên đời, tu tròn mười điều lành, tâm hồn mình nhẹ nhàng, không ham muốn gì hết, sẽ tái sanh lên các cõi trời Dục giới, gồm có trời Tứ thiên, trời Đao lợi, trời Dạ ma, trời Đâu suất, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại.
Ở các cõi trời Dục giới, chư thiên vẫn có gia đình, vẫn có vợ chồng, nhưng không nặng tình dục như các loài súc sanh, còn loài người có dục tính thuộc hạng trung bình. Chư thiên có đời sống cao hơn mình. Mình có thân vật chất, phải chịu quy luật sanh, già, bệnh, chết, không tránh được sự vô thường. Nhưng lên chư thiên có thân siêu vật chất, nhẹ nhàng hơn, nên đi đứng tự tại. Nếu tập một chút sẽ thấy điều này.
Thí dụ như tôi ngồi yên nghĩ tới Bồ Đề Đạo Tràng thì tới đó bằng thức, bằng trí của mình, không phải mang thân đi. Nhưng xa hơn một bước, cách Phật cả ngàn năm, tu đắc đạo, bằng trí, bằng thức cũng tới gặp Phật được, đi lại tự do. Thân đó không già, không bệnh. Chư thiên hơn loài người ở chỗ không già, không bệnh, nhưng hưởng hết phước cũng chết.
Con người phải có già, bệnh, chết, nhưng người có phước, họ chết nhẹ nhàng, như đạo hữu Minh Đức nói với Hòa thượng Trí Tịnh ngày mai con về Phật. Tôi biết ông này từ lúc còn trẻ, ông quá tốt nên chết về Phật là phải rồi. Ông mặc áo tràng, lạy Phật, rồi chết, thân không bệnh, tâm không phiền, như vậy về Phật được.
Phật nói chư thiên không già, không bệnh, lúc nào cũng trẻ, nhưng hết phước, tự nhiên lòng buồn, nhớ lại trần gian. Giống như chuyện Từ Thức đi vào cảnh tiên, quên trần gian, vụt nhớ đến cảnh thế gian thì trở về trần thế, lúc đó, tất cả mọi người thân, bạn bè, hàng xóm đều chết hết.
Chư thiên hết phước thì ngũ suy tướng hiện như lòng buồn, mặt buồn, hoa trên đầu héo, người tiết ra mùi hôi…
Tu làm người là tốt và thực hiện được mười điều thiện để thăng hoa phước đức thì tốt hơn nữa. Nghĩa là còn sống trên cuộc đời, giữ trọn mười điều thiện như đã nói trên, thì nên lấy thành quả này tiến tu Bồ-tát đạo, để đi theo con đường thành tựu Phật quả, đừng hưởng phước theo con đường chư thiên, rồi chết cũng bị đọa.
Phật nói Ngài có hai hạng đệ tử, đệ tử nhỏ là Thanh văn, đệ tử lớn là Bồ-tát. Hàng Thanh văn sống không làm phiền ai. Hàng Bồ-tát luôn làm lợi ích cho cuộc đời.
Khi mình là trời, có phước và có điều kiện làm rồi, nhưng không làm thì uổng phí. Còn chưa đủ điều kiện làm mà làm sẽ dễ mắc tai họa. Có điều kiện làm là biết tất cả và làm được tất cả, chỉ có làm hay không mà thôi. Và điều quan trọng, có điều kiện làm thì nên hành Bồ-tát đạo. Nếu không làm, về sau hết điều kiện sẽ hối hận. Nhiều người rơi vô tình trạng này, thường nói lúc trước con giàu có, con nhiều quyền lực, con thế này thế kia…, nhưng không chịu làm, bây giờ trắng tay, tới chùa, điều kiện mất hết, muốn làm cũng không được.
Vì vậy, Phật khuyên khi đạt được quả vị của chư thiên có điều kiện làm rồi thì nên phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo để sau thành Phật, vĩnh viễn không bị đọa nữa.
Hành Bồ-tát đạo, tu mười môn ba-la-mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát-nhã, phương tiện, nguyện, lực và trí. Hoàn thiện mười môn ba-la-mật này thì làm Phật. Phật nói trước kia, Ngài làm người tu hành, tiến lên làm chư thiên, rồi hành Bồ-tát đạo, viên mãn Bồ-tát hạnh, thành tựu Phật quả. Các Phật tử phải theo con đường tu này.
Tu Pháp hoa Bổn môn gọi là tu Nhứt thừa, không phải Tam thừa, Ngũ thừa nữa. Từ con người tu hành đi suốt, tròn được Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện giới, lên chư thiên, làm tròn hạnh đức của chư thiên, tiến lên tu Bồ-tát đạo, làm tròn hạnh Bồ-tát, làm Phật. Đó là lộ trình Nhứt thừa của hành giả Pháp hoa tiến tu đến quả Vô thượng Chánh đẳng giác.