Liên hoan phim Phật giáo Quốc tế trình chiếu và đẩy mạnh sự phát triển những phim ảnh thuộc tất cả các thể loại, như: phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt họa, phim về trải nghiệm thực tế, những phim về thiếu nhi, và các chương trình truyền hình. Đây là nguồn duy nhất phục vụ cho khán thính giả, các nhà giáo dục, nhà làm phim về phim ảnh Phật giáo trong sự cộng tác với những trụ sở trình chiếu khác nhau trên thế giới.
Áp phích của bộ phim The Devotion of Mathieu Ricard
Chương trình này do Hiệp hội Phim ảnh Phật giáo (BFF) tổ chức. Hiệp hội được thành lập vào năm 2000, đặt trụ sở tại Berkeley, California, Hoa Kỳ, do những học giả Phật giáo, những tác giả, các nhà hoạt động xã hội, các nhà làm phim đồng sáng lập. Đây là một tổ chức giáo dục độc lập và phi lợi nhuận, nhằm sử dụng sức mạnh truyền thông, phim ảnh để nâng cao kiến thức và sự cảm nhận về những nguyên tắc cốt tủy trong đạo Phật: tính thiết thực của tâm từ bi, tôn trọng luật vô thường, và tính duyên khởi, tương thuộc trong sự kết nối của thế giới loài người. Trong đó có 4 nhiệm vụ chính: 1. Triển lãm những tác phẩm phim ảnh - nhằm sử dụng phim ảnh làm công cụ để đẩy mạnh sự tương tác giữa những ý tưởng Phật giáo với cộng đồng xã hội; 2. Giáo dục - cung cấp nguồn tài nguyên phong phú và dễ dàng tiếp cận được cho giáo viên, các nhà làm phim và đông đảo khán thính giả; 3. Sản xuất - đẩy mạnh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm phim độc lập, chất lượng trong lĩnh vực phim Phật giáo; 4. Trình chiếu - phục vụ như là một kho lưu trữ những phim ảnh Phật giáo dễ dàng tiếp cận cho mọi người.
Liên hoan phim Phật giáo Quốc tế lần đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 2003, tại Viện Bảo tàng Nghệ thuật thành phố Los Angeles (LACMA), Hoa Kỳ. Kể từ đó, mỗi năm, Liên hoan phim Phật giáo Quốc tế đều được tổ chức tại các thành phố khác nhau: năm 2004 tại thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ; năm 2005 tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ; năm 2006 tại thành phố Amsterdam, Hà Lan; năm 2007 tại Singapore; năm 2008 tại thành phố Mexico, Mexico; năm 2009 tại thủ đô Luân Đôn, Anh quốc; và năm nay (2010), IBFF được tổ chức tại hai thành phố Marin và San Francisco, thuộc bang California, Hoa Kỳ.
Năm nay, Liên hoan phim Phật giáo Quốc tế diễn ra dưới sự cộng tác giữa Hiệp hội Phim ảnh Phật giáo và Xưởng sản xuất phim California. Chương trình diễn ra tại hai địa điểm: Trung tâm phim Rafael (từ ngày 2-12-2010 đến ngày 9-12-2010) và Trung tâm Yerba Buena for the Arts (từ ngày 9-12-2010 đến ngày 19-12-2010). Liên hoan phim Phật giáo Quốc tế 2010 cũng là dịp Hiệp hội phim ảnh Phật giáo tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập.
Áp phích của bộ phim In the Shadow of the Buddha
Tham dự liên hoan phim lần này có 21 bộ phim đã được trình chiếu tại 10 quốc gia khác nhau, trong số đó có 15 bộ phim được trình chiếu lần đầu tiên. Nổi bật trong liên hoan phim lần này gồm những bộ phim sau:
1- Bộ ba phim Seeing, Searching, Being (Ngắm nhìn, kiếm tìm và tồn tại): Phim do Ken Burns đạo diễn. Nhân vật chính trong phim là William Segal - nhà văn, họa sĩ, nhà chủ bút và là một triết gia. Ông là học trò của hai người thầy vĩ đại, G.I. Gurdjieff và Thiền sư D.T. Suzuki. Segal còn là bạn thân của họa sĩ, nhà thơ, tác giả nổi tiếng Paul Reps. Vào thập niên cuối cùng trong cuộc đời của mình, Segal và nhà làm phim Ken Burns đã trở thành bạn bè của nhau và hai người đã cộng tác với nhau trong bộ ba những thước phim ngắn đặc biệt này.
2- Phim Monkey king at spider cave (Hầu vương ở động nhền nhện): Bộ phim lấy nguồn cảm hứng từ một đoạn trong tiểu thuyết Tây du ký, tác phẩm được nhiều người yêu chuộng, ra đời vào thế kỷ XVI (dựa trên câu chuyện có thật về ngài Huyền Trang, một vị cao tăng Trung Quốc sống vào thế kỷ thứ VII). Bộ phim miêu tả về sự mạo hiểm của một vị cao tăng Phật giáo và những người đệ tử của ngài trong hành trình thỉnh kinh về Trung Quốc. Tính cách của Hầu vương rất tinh khôn và hoạt bát, nhưng với thái độ đùa giỡn và ngây ngô đã che giấu trí tuệ vĩ đại bên trong. Monkey king at spider cave có 19 diễn viên và nhạc sĩ đến từ Đài Bắc và San Francisco Bay Area. Câu chuyện mang đậm tính Phật giáo về thiện / ác và sự đấu tranh / kiên trì này là một sự pha trộn hiếm hoi giữa truyền thống và tiến bộ. Phim do Larry Reed làm đạo diễn. Đây là lần đầu tiên bộ phim này ra mắt khán giả khắp nơi trên thế giới.
3- Phim Brilliant Moon (Ánh trăng lấp lánh): Đạo diễn Neten Chokling đã khéo chọn những cảnh quay, lời kể để thuật lại tiểu sử của ngài Dilgo Khyentse Rinpoche, một trong những bậc thầy vĩ đại của Tây Tạng thế kỷ XX. Ngài còn là một vị thầy chính yếu của Đức Dalai Lama thứ XIV, là người ủng hộ mạnh mẽ chủ trương không phân biệt tông phái, và cách tiếp cận trong việc bảo tồn, giảng dạy triết học Phật giáo cũng như việc hành trì. Dilgo Khyentse Rinpoche là một trong số rất ít những người thuộc thế hệ cuối cùng được sinh ra và được đào tạo trong đất nước Tây Tạng tự do, sau đó ngài lánh nạn qua Bhutan, và định cư ở Bhutan, vương quốc Phật giáo độc lập duy nhất còn tồn tại trên thế giới. Ngài đã có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều bậc thầy và học viên hiện thời trên thế giới. Cốt truyện của bộ phim được thuật lại bởi Richard Gere và Lou Reed. Đây là lần đầu tiên bộ phim Brilliant Moon được trình chiếu tại Bay Area.
4- Phim The Devotion of Matthieu Ricard (Lòng mộ đạo của Matthieu Ricard): Cách đây gần 40 năm, Matthieu Ricard đã từ giã quê hương nước Pháp và từ bỏ nghề nghiệp về cấu trúc tế bào di truyền học đầy hứa hẹn của mình để trở thành một vị Tăng sĩ Phật giáo theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng tại Nepal. Hiện tại, thầy Matthieu Ricard được biết đến như là một dịch giả, một nhiếp ảnh gia, một tác giả với những tác phẩm bán chạy nhất và một người tham gia năng nổ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học về những ảnh hưởng của thiền đối với não bộ. Phim The Devotion of Matthieu Ricard diễn tả sinh động về những cuộc hành trình của thầy Matthieu khi thầy sống và làm việc với chân sư của mình, ngài Dilgo Khyentse Rinpoche, ở trên núi Himalaya và khi thầy làm việc với tư cách là một thông dịch viên cho Đức Dalai Lama ở châu Âu và tham gia vào việc nghiên cứu khoa học ở đấy. Đặc biệt, công việc nhiếp ảnh sống động và những câu chuyện tế nhị về đời sống của một vị Tăng sĩ ở Hymalaya được khắc họa xuyên suốt bộ phim. Phim do George Schouten và Babeth M. VanLoo làm đạo diễn. Đây là lần đầu tiên bộ phim The Devotion of Matthieu Ricard được trình chiếu tại Hoa Kỳ.
5- Phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives (Bác Boonmee, người có thể nhớ lại những kiếp quá khứ của mình): Đây là bộ phim đã đoạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2010. Bộ phim này là một vở kịch huyền ảo được đan kết xung quanh sự hồi tưởng của một người đàn ông lớn tuổi ở vùng ngoại ô. Bộ phim có nguồn gốc sâu sắc về lịch sử văn hóa dân gian Thái Lan, và đạo diễn Weerasethakul đã hòa trộn với sự tham khảo về chương trình truyền hình cũ của Thái Lan, những cuốn sách về truyện tranh, và phim ảnh cổ điển Thái Lan kết hợp với những phút giây hài hước dí dỏm. Bộ phim được biểu diễn bởi những diễn viên hàng đầu của Thái Lan, như là Thanapat Saisaymar (trong vai bác Boonmee) và Jenjira Pongpas, đã thu hút sự chú ý của khán giả. Bộ phim còn kéo chúng ta vào sự bối rối, kinh ngạc và tò mò về hành trình tâm linh của một con người. Đây là lần đầu tiên được trình chiếu tại West Coast.
6- Phim In the Shadow of the Buddha (Đằng sau hình bóng Đức Phật): Bộ phim đưa chúng ta đến một thế giới hiếm khi được biết đến của những vị sư cô trong Phật giáo Tây Tạng ở vùng cực Bắc của Ấn Độ. Thông qua những lời nói và những câu chuyện về những người phụ nữ lớn tuổi và những sư cô tập sự trẻ tuổi, chúng ta khám phá ra sự nghịch lý đang tồn tại đối với một người phụ nữ trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Đối với những người phụ nữ này, ý niệm về người phụ nữ có thể được học hành và được sinh ra làm thân phụ nữ không phải là một hình phạt của những hành động trong quá khứ vẫn đang là một thách thức qua hàng nghìn năm lịch sử. Đây là một bộ phim đối đầu với sự tầm thường, và những định kiến về phân biệt giới tính của chúng ta. Phim do Heather Kessinger làm đạo diễn. Đây là lần đầu tiên phim này được trình chiếu tại West Coast.
7- Phim Arising Light: Dr. B.R. Ambedkar and the Birth of a New Era in India (Ánh sáng đang trỗi dậy: Tiến sĩ B.R. Ambedkar và sự ra đời của một kỷ nguyên mới ở Ấn Độ): Tiến sĩ B.R. Ambedkar là một trong những vị cha đẻ của nền độc lập Ấn Độ, người đã hỗ trợ trong việc xây dựng đất nước Ấn Độ và phục vụ với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Ấn Độ vào năm 1947. Ông được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp dalit, một tầng lớp thấp hèn nhất trong xã hội Ấn Độ. Nhờ sự nỗ lực phi thường của bản thân, ông đã đứng vào hàng ngũ lãnh đạo giành lại độc lập cho đất nước Ấn Độ, góp phần tạo nền tảng để xây dựng đất nước Ấn Độ sau ngày độc lập. Vào năm 1956, ông đã lãnh đạo một cuộc cải đạo sang Phật giáo đông chưa từng thấy, với hàng trăm ngàn người thuộc tầng lớp tiện dân dalit cải đạo trở thành Phật tử diễn ra công khai tại Nagpur, Ấn Độ. Bộ phim nói về cuộc đời của Tiến sĩ B.R. Ambedkar và sự vận động giải phóng cho những người dalit dưới áp lực của tầng lớp trên của xã hội theo truyền thống Ấn Độ giáo với tư tưởng phân biệt giai cấp vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Bộ phim là một hiện tượng xã hội sống động ngay cả với xã hội hiện tại, mặc dù nó đã diễn ra cách đây hơn 50 năm. David Blundell là người đạo diễn của bộ phim, và đây cũng là lần đầu tiên nó được chiếu tại Bay Area.
Thầy Matthieu Ricard (thứ 3 từ trái sang)
Ngoài ra, còn nhiều bộ phim đặc sắc khác nữa, như bộ phim Zen (Thiền), đề cập đến sự hình thành và phát triển của thiền học tại Nhật Bản; phim Dream Window: Reflections on the Japanese Garden (Cửa sổ thơ mộng: những suy nghĩ về khu vườn Nhật Bản), nói về nghệ thuật tạo vườn của người Nhật, đưa người xem đến với những khu vườn nghệ thuật hết sức độc đáo của Nhật Bản,…
Đúng như những mục đích và nhiệm vụ của BFF, Liên hoan phim Phật giáo Quốc tế 2010 đem đến cho khán giả những cảm nhận sâu sắc về nhiều khía cạnh khác nhau của đạo Phật, giúp người xem hiểu hơn về tính thiết thực và khả năng vận dụng của giáo lý đạo Phật vào trong cuộc sống. Đồng thời, những bộ phim trình chiếu tại liên hoan phim lần này còn phản ánh những khía cạnh tiêu cực còn tồn đọng trong Phật giáo, qua đó kêu gọi sự đồng tâm, hiệp lực của cộng đồng Phật giáo nhằm khắc phục những tồn đọng đó.