GNXuân - Trong cuộc sống hối hả ngày nay, con người không có mấy thời gian để nhìn ngắm và thưởng thức hoa. Vì thế, con người ân cần với hoa chủ yếu vì sắc hoa và dáng hoa, chứ hương hoa thì ai thư thả, hoặc có tấm lòng với hoa thì mới quý hương, mới ngẩn ngơ vì hương. Hơn nữa, hoa càng ngày càng đóng vai trò tượng trưng kết nối giữa con người với con người, hoặc giữa con người với tập thể, là hiện thân của niềm vui, nỗi buồn; trong vai trò tượng trưng đó, sắc hoa mới là yếu tố quan trọng, chứ mấy ai để ý gì đến hương hoa. Và như trở thành ước lệ, một số loài hoa đã được tôn vinh: hoa hồng nói lời tình yêu, hoa lan đẹp quý phái, hoa huệ trắng trinh nguyên… Ngay cả hoa của cây cổ thụ cũng là hình ảnh lãng mạn: hoa phượng đỏ cho tình cảm bạn bè tuổi đi học, hoa mai, hoa đào cho ước vọng mùa xuân…
Hoa ngâu
Tuy thế, khi rời môi trường giao tiếp của xã hội để trở về ngôi vườn của mình, bên cạnh màu xanh cây cỏ và những chậu hoa khoe sắc, đặc biệt là khi Tết đến, xuân về, thì những loại hoa bình dị, khiêm tốn, nhỏ nhắn, lại chung thủy với mình như thời nào cũng thế, trong đó có những loài hoa li ti, để lâu lâu thoáng một chút hương như muốn nhắn nhủ điều gì…
***
Những bông hoa nho nhỏ
Chỉ có chút hương đêm
Ẩn vào trong kẽ lá
Như mối tình lặng câm…
(Bao giờ ngâu nở hoa, Thơ Xuân Quỳnh)
Hoa ngâu nhỏ, như chưa có hoa nào trên đời này nhỏ như thế, lại ẩn mình trong kẽ lá, thế nhưng hương thơm đẫm sương đêm vẫn có chút ngọt ngào như nói hộ tình yêu thầm kín.
Ngâu là cây bình dân. Trước đây, người ta trồng ngâu trước đình, chùa, còn ngày nay, ai có đất vườn tương đối rộng rãi mới trồng ngâu để làm bình phong, làm hàng rào, làm lối đi. Cây ngâu cũng được trồng như cây cảnh. Cây đẹp nhờ tán tròn, cành nhiều, thẳng, rậm lá. Lá gồm 7 lá nhỏ (có khi 5 lá), đầu lá tròn. Hoa mọc ở nách lá, ra chi chít, theo từng chùm nhỏ, gồm những đốm tròn màu vàng, nhỏ li ti. Tuy hoa ra nhiều, nhưng không át lá, và trên màu xanh của cây, điểm tô những đốm li ti vàng, thật đẹp trong ánh mặt trời buổi sáng. Màu vàng ý nhị, tươi vui, nhưng thoáng ba ngày là lặng lẽ rời cành, không để lại mấy dấu tích. Hương thơm ngọt nhẹ, thanh khiết, đã bay về trời!
Không, không hẳn như vậy, hương bay về trời và hương bay vào trà! Những cơ sở chế biến trà ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), ở Tam Kỳ (Quảng
Cũng li ti như hoa ngâu là hoa sói và hoa mộc.
Nhỏ nhoi đứng góc vườn
Cây đơm hoa bối rối
Trông hiền ơi là hiền
Sao lại mang tên sói?
Hoa lặng thầm chẳng nói
Lốm đốm trắng hạt cơm
Kìa, nắng tong tả tới
Ngã nhoài vào hương thơm.
(Thơ của Hoài Khánh, Hải Phòng)
Cây sói không được đặt ở vị trí trang trọng, chỉ trồng nơi góc vườn, hoặc ngày nay, phổ biến hơn là trồng trong chậu. Nhưng xin đừng xem nhẹ hoa sói nhé! Nó là cây bản địa từ lâu, và hương thơm của hoa sói đã là nguồn thưởng thức của biết bao người, từ bình dân đến quý tộc, có như thế mới được vua Minh Mạng cho khắc trên Cửu đỉnh (9 đỉnh đồng lớn được đặt tại Đại Nội, kinh thành Huế) cùng với 8 loài hoa khác (lài, tử vi, sen, hồng, hải đường, hướng dương, dâm bụt, ngọc lan).
Không biết đặt tên sói cho hoa có ý nghĩa gì, nhưng người xưa đã ví hoa tròn nhỏ, trắng muốt, như là hạt ngọc nên đã đặt tên hoa là trân châu hoa. Cây sói mọc thành bụi, nhảy từ đất thành từng cành rồi phân nhánh nhỏ. Lá tương đối lớn, mọc đối. Chùm hoa mọc ở đầu cành, có nhiều gié, mỗi gié đính những nốt hoa tròn li ti, ban đầu là màu xanh tơ, sau đổi sang màu trắng muốt.
Hương sói nhẹ nhàng, giấu kín, nhiều khi ta phải ghé mũi gần hoa mới thưởng thức được hương hoa. Hoa cũng không đồng loạt xuất hiện, chỉ rải rác trên cây, nhưng cây dễ tính, ra hoa quanh năm, không cần chăm bón nhiều, chỉ cần tránh nắng gắt và phải tưới nhiều nước. Hương sói đã đi vào trà, và trà ướp sói là thức uống buổi sáng khá phổ thông, nhất là ở phía
Hoa sói
Cũng như sói, hương hoa mộc đã đem lại sảng khoái uống trà sớm vào lúc tinh sương. Cây mộc là loại cây thân gỗ nhỏ, không có vẻ đẹp hào nhoáng, thân không đẹp, lá nhỏ, không mơn mởn, chỉ trừ những lá non trên đọt là tươi hồng, thế nhưng nó có dáng dấp vừa thanh cao, vừa bình dị, không khoa trương, cũng không hạ mình, có vẻ cốt cách như đạo sĩ. Nhiều người tạo thế cho mộc, cũng uốn như những cây thế khác, nhưng theo tôi, cứ để mộc mọc theo tự nhiên, với lối rẽ nhánh tùy hứng, mà lại đẹp. Mộc ra hoa thầm lặng, không báo trước, không theo mùa, chỉ biết một buổi sáng tinh mơ nào đó, mùi hương thoảng nhẹ, chủ nhân khu vườn chợt thấy những cánh hoa li ti rải rác điểm trắng trên cành cây, kẽ lá.
Trong những loài cây của vườn nhà, cây mộc là cây thiết thân với tôi nhất. Nó có mặt trong vườn từ rất lâu, tôi không nhớ rõ, chỉ biết cha tôi đã trồng hai chậu mộc lớn từ khi ông còn trung niên, như thế nó đi bên cạnh cuộc đời tôi, nó đã khá già khi tôi còn rất trẻ và bây giờ nó chỉ già thêm một chút khi tôi đã già, và không năm nào nó quên ra hoa. Cha tôi cẩn thận chế trà sớm, hái chút hoa mộc cho vào bình trà, một lát sau, đưa chén trà lên mũi thưởng thức rồi mới nhấp. Sau này, cha tôi mất đi, khi mộc ra hoa nhiều, mẹ tôi ra hái một dúm hoa, để vào dĩa nhỏ, đặt lên bàn thờ.
Đến đời tôi, tôi không có thói quen trà sớm, và nếu có dùng trà, thì tôi đã nhiễm thói quen sau này của người Huế, giống như người Bắc, uống trà Bắc Thái đậm đà, không pha hương hoa. Họa hoằn, may mắn “gặp” được chén trà hương bốc khói, được pha chế với bộ đồ trà đúng điệu, bởi dáng vẻ nhẹ nhàng thành thạo của quý thầy, quý cô và trong cảnh chùa thanh tịnh, lòng tôi lâng lâng khó tả của người thọ nhận.
Hoa mộc
Thế nhưng, trong vườn nhà tôi, cây mộc vẫn còn đó mà một thời tôi vô tình. Tôi lại càng quên cây sói, cây ngâu. Đó là thời tôi bị quyến rũ bởi sắc đẹp kiêu kỳ, tinh tế, quý phái của hoa phong lan, đi chiêm ngưỡng những “hoa khôi” đó ở nơi quen thuộc lẫn nơi xa lạ, la cà nơi bán buôn, rước “nàng” về nhà, tỉ mẩn lo lắng từng mầm lá, từng rễ tơ, và biết bao chờ đợi nụ hoa như ước ao một hạnh phúc, một phép lạ. Có khi hoa đến, có khi chờ đợi hoài công, có hoa thì vui, chờ lâu quá mà hoa không ra thì băn khoăn, bứt rứt. Rồi phải đến một ngày...
Tôi bình tâm, không mong cầu quá đáng, tôi không mong làm người trồng phong lan chuyên nghiệp, hoặc một nghệ nhân phong lan để đòi hỏi những thứ lan khó tính ra hoa theo ý mình, tôi chỉ giữ tao nhã chừng mực với loài hoa quý phái này. Tôi ôn lại, mình đã làm được gì với mảnh vườn thân thiết? Cũng có chơi với thiên hạ, cũng góp mặt trong những câu chuyện rôm rả về lan ngoại và lan rừng Việt
Tôi đã trở về với những ngọc quế, lài, dạ hợp, quỳnh,... và đặc biệt là những cây li ti hoa. May còn một chút “di sản” ngâu sót lại trong vườn, sao mà lâu nay mình ngoảnh mặt làm ngơ, để khi nhìn kỹ lại, lá xanh thẫm và lá non tơ đẹp thế! Vậy là tôi vớt vát, cho cây vào chậu, và chẳng mấy công chăm sóc, bây giờ cây ngâu trổ hoa, trả ơn cho người. Cũng như thế, lâu nay mình đã hững hờ với chậu sói, giờ chỉ một chút gia công, hoa đã hiển hiện, “tong tả tới”, tỏa hương thơm trong nắng sớm. Và nhất định là tôi trở về cây mộc “đạo sĩ”, phải bồi dưỡng cho cây nhiều hơn để cho lá thêm xanh và cành đỡ khẳng khiu.
Những cây hoa li ti như thế là đại chúng trong làng hoa, sống chan hòa cùng với con người. Tôi trở về với những li ti hoa như thế, có nghĩa là tôi trở về với tôi trong tương quan chan hòa với mọi người. Hương thơm nhẹ nhàng, dịu ngọt của những hoa li ti này cũng như nét chân thật và tình cảm của những người quanh ta, mà từ lâu ta lăng xăng việc đời, giả cười giả nói, hoặc tiếp xúc, giao lưu với đâu đâu mà quên lãng những người đâu đó bên đường đời của ta.
Hãy ngắm những ngâu, sói, mộc, với li ti hoa điểm tô trên cành, ý nhị mà không phô trương, ngắm toàn thể, rồi ngắm từng bông hoa, nhỏ hơn hạt cơm, bạn hãy quên chuyện đời, để dành vài phút chỉ có bạn với hoa, bạn thấy sức sống không nhỏ chút nào, lại có nét duyên dáng riêng; như thế mình vừa khám phá nét đẹp lại đồng thời hưởng thụ hương thơm phơi phới, thoang thoảng. Cây chẳng bao giờ phụ lòng người, chỉ trừ người hững hờ, chẳng biết dừng lại bên hoa. Cũng như những người bình thường quanh ta, ta chẳng bao giờ thấy đẹp, nếu ta hững hờ, vô duyên.