Lên chùa

Lên chùa
Rằm, mồng Một hương khói trong nhà và đi lễ chùa đã trở thành thói quen, nếp sống, tập tục trong dân gian. Cũng giống như ngày Tết, việc cúng bái lễ nhiều ít tùy theo tâm, đúng hơn theo kinh tế mỗi nhà

ọi người nhiều ít, ngày Rằm, mồng Một đều hướng lòng mình về nơi thần linh, nơi tổ tiên mà cầu những điều tốt lành. Có hay không có. Tin hay không tin. Điều đó không quan trọng. Việc hướng thiện từ những nén hương ngày tuần thật là tốt đẹp.

Nhiều các cụ, các bà, nhiều người, ngoài thắp hương ở bàn thờ nhà còn lên chùa. Chùa làng, chùa gần nhà, chùa mà mình hướng tới. Lòng mở rộng hơn, điều cầu ước linh hơn.

Ngày trước, trước cổng đền chùa có đôi ba bà bán hàng hoa gánh. Hoa mua để cúng là những bông hoa nở rơi nhiều loại. Manh lá chuối tươi non, mở trên lòng một bàn tay, còn một bàn tay người bán nhẹ nhàng lựa từng bông hoa theo ý người mua. Nào bông hồng nhỏ thắm đỏ, bông hoàng lan, ngọc lan thơm man mác, bông hoa sói, hoa ngâu… Gói hoa bằng lạt. Hoa mang vào lễ bày lên đĩa. Thanh thoát, nhè nhè đưa hương mà tươi tắn sắc hoa. Cửa đền chùa chẳng có hàng vàng mã, hàng quán nước la liệt như bây giờ. Thời ấy, giày đi học của trẻ nhỏ còn phân phối trong nhà trường, số lượng theo cấp, theo lớp. Vở của học trò bọc bằng giấy báo, sang hơn, đẹp hơn là bọc bằng họa báo. Thời ấy cửa đền chùa quang đãng, sạch sẽ, người đến chùa thưa vắng và lặng lẽ, thanh tịnh. Mà cũng cần như vậy lắm chứ. Đến nơi lễ bái là tìm tới chốn linh thiêng, lòng hướng về cõi thần, Phật.

Bây giờ, cổng nhiều đền chùa ồn ào mua bán. Từng dãy hàng phục vụ khách thập phương, người hành hương. Đành rằng đến nơi đền chùa xa xôi cũng cần chén nước, cái bánh lót dạ. Nhưng sao không quy tập nơi nào cho xa cách hơn nơi cổng đền để lối vào không chỉ sạch sẽ mà còn đem đến cảm giác thanh cao của tâm linh. Từng dãy hàng quán, ki ốt bừa bộn, rác rưởi, xì xụp làm vấy đục cõi thiêng.

Hà Nội có bao nhiêu đền chùa. Tìm một nơi thanh tịnh phải đến những ngôi chùa khuất trong ngõ phố, những ngôi chùa làng xa xưa. Một chút hương lan thoảng đưa. Một tiếng mõ tung kinh đều đều. Dáng bà, dáng mẹ lặng lẽ bó hoa, nắm hương vào thắp hương cầu Phật. Có nơi cổng chùa mà ồn ào đáng sợ. Nào người bán, người mua mời chào níu kéo. Nào quần áo xanh đỏ, ngắn dài, kín hở. Nào các cụ, các ông bà bê mâm cao thấp ra vào. Nào cô cậu nắm tay nhau, cười nói nhộn nhịp… Chẳng ra cung kính, cũng chẳng ra dung tục.

Đi lễ là một nét thuần phong mỹ tục. Đi lễ là tùy tâm. Ngày đại lễ Thăng Long sắp đến rồi. Sẽ có nhiều hơn khách phương xa tới Hà Nội, tới các di tích, chùa chiền. Ngoài việc tu sửa đền chùa còn rất cần chú ý tới cảnh quan bên ngoài. Không nên để cơ chế thị trường xâm nhập tới tận cửa Phật sân chùa. Cần có quy định cả cách ăn mặc, nói năng khi đến chùa. Sao không học người về cung cách đến nơi lễ bái.

Cứ nói rằng trần làm sao âm làm vậy. Chẳng lẽ lại đem cả cái lộn xộn, cái mất thuần phong mỹ tục trong lời nói việc làm đến cả nơi tôn kính hay sao?./.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.