Tham dự lễ tưởng niệm có Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Trưởng môn phái Vĩnh Nghiêm; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thích Thiện Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Hòa thượng Yoshimizu Daichi, nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Tịnh độ tông Nhật Bản, Chứng minh Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Văn phòng II Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, chư Tăng Ni các tự viện thuộc tổ đình Vĩnh Nghiêm.
Khóa lễ tụng kinh A Di Đà cầu nguyện tại chánh điện chùa Vĩnh Nghiêm |
Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định. Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho phong, rất thâm tín Phật pháp.
Thuở nhỏ, ngài yếu đau rất khó nuôi nên theo tập quán địa phương, được hai cụ thân sinh đem “bán khoán” cho vị Tăng trú trì tại ngôi chùa trong thôn và ở luôn trong chùa. Khi lên 7 tuổi, vì quen sống cuộc đời chay tịnh, ngài xin song thân cho xuất gia đầu Phật. Được sự chấp thuận của hai cụ, bước đầu ngài thụ nghiệp với Hòa thượng Thích Trí Hải tại chùa Mai Xá thuộc Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Vào đầu năm 1930, phong trào chấn hưng Phật giáo nổi lên khắp nước. Năm 1934, Hòa thượng Trí Hải (chùa Mai Xá) bèn từ giã chùa lên thủ đô Hà Nội, cùng với chư tôn đức và các cư sĩ thuần thành đầy tâm huyết như các ông Nguyễn Năng Quốc, Trần Văn Đại, Bùi Thiện Căn, Bùi Thiện Cơ vận động tổ chức Hội Bắc kỳ Phật giáo. Hội đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Thanh Hanh là Tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi Thiền gia Pháp chủ, mở đầu kỷ nguyên chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc.
Thượng tọa Thích Giác Dũng đại diện môn đồ tác bạch |
Bấy giờ ngài 17 tuổi, được Bổn sư cho theo lên Hà Nội hầu hạ và đóng góp sức mình vào công việc hoằng dương đạo pháp. Thuở ấy ngài chỉ mới thọ giới Sa-di, nhưng được các Tổ Tế Xuyên, Tế Cát, Trung Hậu, Hương Tích và Tuệ Tạng rất thương yêu.
Năm 1937, sau khi tốt nghiệp lớp Trung đẳng Phật học tại trường Bồ Đề thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, ngài được các Tổ cho đăng đàn thọ Tỳ-kheo giới, lúc đó ngài tròn 20 tuổi. Đại giới đàn này do các vị tôn túc thủ tọa chứng minh như Tổ Tế, Tổ Trung, Tổ Hương, Tổ Cồn, Tổ Quảng, Tổ Ngũ và các Hòa thượng Trí Hải, Thái Hòa, Tố Liên tác chứng.
Từ đó, ngài được vào hàng sứ giả của Như Lai, được cử giữ những chức vụ trọng yếu trong trụ xứ cũng như làm duy-na trong các kỳ Kiết hạ an cư tại chùa Quán Sứ (số 74 đường Quán Sứ - Hà Nội).
Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp ban đạo từ chứng minh |
Sau năm 1945, vừa tốt nghiệp xong lớp Đại học Phật học tổ chức tại chùa Quán Sứ, ngài cũng như các sinh viên Tăng và dân chúng phải tản cư khỏi thành phố vì thời cuộc. Năm 1949, ngài hồi cư về Hà Nội và được cử giữ chức Phó Giám đốc nhà in Đuốc Tuệ, phụ bút Nguyệt san Phương Tiện, cơ quan của Hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt do Hòa thượng Tố Liên làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Trong thời gian này, ngài còn tham gia các công tác từ thiện xã hội, hợp sức cùng Hội Việt Nam Phật giáo do cư sĩ Bùi Thiện Cơ làm Hội trưởng, trông nom cô nhi viện ở trại Tế Sinh lên đến 160 em.
Vốn đã thông thạo Hán tự, biết qua Pháp văn, lại ôm ấp hoài vọng xuất dương tu học và tham khảo Phật sự các nước, nên lúc còn học tại chùa Quán Sứ, ngài đã cùng bạn đồng môn là Hòa thượng Thích Thanh Kiểm rủ nhau tranh thủ đi học thêm Anh văn và Nhật ngữ. Năm 1953, trong một cuộc họp liên hội gồm Hội Việt Nam Phật giáo và Giáo hội Tăng già Bắc Việt, hội nghị đã công cử ngài cùng Hòa thượng Thanh Kiểm sang Nhật Bản để nghiên cứu về công cuộc chấn hưng Phật giáo tại đây.
Chư tôn giáo phẩm chứng minh |
Sau 9 năm tu học tại Nhật Bản, ngài đã tốt nghiệp Đại học Phật pháp tại Tokyo, lãnh Bằng Tiến sĩ Xã hội học, Tiến sĩ Triết học Đông Phương và tam đẳng huyền đai tại viện Nhu đạo Kodokan.
Năm 1962, trở về nước hoằng pháp. Bước qua năm 1963, Phật giáo Việt Nam gặp pháp nạn, ngài đã cùng chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử tham gia tích cực chống lại bạo quyền áp bức, kỳ thị tôn giáo của tổng thống Ngô Đình Diệm.
Môn đồ đệ tử tác bạch |
Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, ngài được cử giữ chức vụ Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tài chính, Chánh đại diện miền Vĩnh Nghiêm.
Ngày 1-7-1964, ngài được Giáo hội cử đảm trách chức vụ Giám đốc Nha Tuyên úy Phật giáo.
Cuối năm 1964, ngài thành lập viện Nhu đạo Quang Trung, đào tạo được hàng trăm nghìn thanh niên đủ các đẳng cấp đai, mà dư âm của trường Nhu đạo này còn vang đến ngày nay.
Ở cương vị đại diện miền Vĩnh Nghiêm, ngài đã chủ xướng và vận động thập phương tín hữu phát tâm cúng dường, xây dựng ngôi chùa Vĩnh Nghiêm. Và cũng để cho những Phật tử quê hương ở miền Bắc có điều kiện sinh hoạt tín ngưỡng theo truyền thống văn hóa nghi lễ đặc thù, ngôi chùa này đã trở thành tổ đình của Tăng Ni, Phật tử đất Bắc ở tại miền Nam.
Chư tôn đức trong khóa lễ tại chánh điện |
Ngài còn dành thì giờ trước thuật các tác phẩm Phật giáo và võ đạo: Duy thức học tập I; Duy thức học tập II; Hộ thân thuật; Nage - Nokata; Nhu đạo; Biến thể Nhu đạo; Nhật ngữ tự học; Phương pháp ngồi thiền; Zen và Judo.
Ngài viên tịch vào ngày 20-10-Quý Sửu (15-11-1973). Nhục thân của ngài đã được an táng tại nghĩa trang Vĩnh Nghiêm (quận 12 ngày nay).
Chư Tăng nội tự trong khóa tụng kinh A Di Đà |
Chư Ni các tự viện thuộc tổ đình Vĩnh Nghiêm tham dự lễ tưởng niệm |