GNO - Hàng năm, sau ngày Xuất hạ (Bun Chenh Vosa), bà con Khmer ở các phum sóc lại tề tựu nhau để cùng tổ chức lễ hội Lôi Protip (thả đèn nước hay thả hoa đăng) truyền thống. Lễ được tổ chức vào ngày rằm tháng 9 âm lịch Khmer.
Lôi Protip là lễ hội văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ xuất phát từ đạo Phật
Lôi Protip là một loại hình lễ hội văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ xuất phát từ đạo Phật và phát triển theo điều kiện kinh tế đời sống xã hội của cộng đồng người Khmer ở các phum sóc. Ngoài ý nghĩa tôn giáo là một lễ nghi có xuất xứ từ Phật giáo theo truyền thuyết là cúng chiếc răng của Phật Thích Ca được rắn thần Nagar cất giữ nơi thủy cung, ngoài ra đèn nước cũng tượng trưng cho hàm răng dưới của Đức Phật ở lại hạ giới độ trì chúng sinh.
Lễ hội Lôi Protip còn mang ý nghĩa là để tạ ơn thần mặt đất (Preah Thorani) và thần nước (Preah Kungkea). Bởi, theo quan niệm của đồng bào Khmer qua một năm lao động sản xuất và sinh hoạt của mình, hàng ngày con người đã làm vấy bẩn đến thiên nhiên nên con người làm một nghi lễ cúng để tạ lỗi.
Thông qua lễ hội Lôi Protip, đồng bào Khmer tưởng nhớ đến công ơn của đấng thiên nhiên đã phù hộ con người làm ăn sinh sống bình yên; đồng thời cầu mong những điều tốt lành ở tương lai.
Trước đây, những chiếc đèn Protip (hoa đăng) thường được làm bằng một chiếc bè chuối ghép lại với nhau thành chiếc thuyền, trên chiếc thuyền, đồng bào các phum sóc sẽ trang trí với nhiều mô hình như chùa tháp, rắn thần Naga… với nhiều hoa văn lộng lẫy lộng lẫy và cách điệu, bắt mắt với những cây nến được thắp sáng xung quanh.
Lễ hội Lôi Protip gắn với đời sống tinh thần của đồng bào Khmer từ khi còn bé
Thả đèn hoa đăng trên sông Maspero - Sóc Trăng
Khi đời sống của đồng bào được nâng lên, những chiếc đèn Protip từ gỗ, tre, trúc và mút xốp bố trí thành hoa đăng với nhiều kiểu dáng tạo hình đa dạng hơn, phong phú hơn - lắp ghép thành mô hình chánh điện, chim, rồng, công, hoa sen…
Ngày nay, lễ hội Lôi Protip không chỉ là lễ hội tôn giáo mà nó đã trở thành một lễ hội dân gian truyền thống, được phổ biến rộng rãi và được các cộng đồng dân cư tại các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống cùng tham gia.