GNO - Tân xuân, xin điểm qua một số loại bánh ngọt và phương thức chế biến biểu thị cho tình yêu bếp núc và sự sáng tạo khéo léo trong văn hóa ẩm thực người Việt...
>> Tản mạn bánh ngọt ngày xuân
Bánh gio - Ảnh: Chu Mạnh Cường
Bánh gấc
Trộn gạo nếp với gạo tẻ theo tỷ lệ 7/3 và xay với nước. Vắt lấy bột, đánh cùng lòng đỏ quả gấc cho có màu hồng đậm. Đồ đậu xanh, giã nhuyễn, thắng đường và trộn cùng hỗn hợp dừa nạo, mứt bí, hạt sen, vừng rang.
Sau đó vo viên, đặt giữa miếng bột, bóp kín một đầu, đem hấp, khi chín nhấc ra bọc giấy bóng. Bánh có hình nón hoặc cầu hơi nhọn màu đỏ hồng, ở đáy lộ nhân vàng đẹp mắt.
Bánh gai
Luộc lá gai lọc lấy bột, trộn với bột lọc gạo nếp, đường phên và một ít tinh dầu chuối, rồi rải thành miếng. Ở giữa, đặt nhân đậu xanh, mỡ lợn thái chỉ, hạt sen, mứt dừa và gói lá chuối, hấp chín. Vớt ra để nguội, buộc lạt điều.
Khi ăn thì bóc từng lớp lá cho thấy một làn da bánh đen tuyền, lốm đốm vừng đen trắng, và bên trong là phần nhân lớn vàng óng, dậy hương.
Bánh gio
Đốt rơm nếp lấy tro, hòa nước dành dành, tinh dầu bưởi và cho gạo nếp vào ngâm một đêm. Vớt ra, gói trong lá chuối thành các thuôn dài, đem luộc nước mưa một giờ. Bánh sẽ có màu hồng, dẻo dính, thơm dịu, được chấm với đường mật.
Bánh in
Rang bột dong với hoa nhài, lá dứa cho thơm. Tẩm bột với đường trắng, sau đó phơi sương, cho vào khuôn nén thành từng phong nhỏ, độ hai lóng tay, có hình vuông, tròn, hoa lá..., trên bề mặt nổi các chữ phúc, lộc, thọ... Gõ khuôn để bánh rơi ra, bọc giấy bóng. Bánh nhỏ xinh, trắng muốt, khi cắn bột ngọt tan đầu lưỡi.
Bánh in - Ảnh: Chu Mạnh Cường
Bánh phu thê
Trộn bột nếp với bột năng, nhào nước dành dành cho bột vàng, đồ sống và ngắt ra, rải từng miếng. Đồ đậu xanh, quết mịn, thắng đường, trộn dừa nạo và một chút dầu hoa bưởi, nặn viên, đặt vào giữa miếng bột, gói lại trong lá chuối, đem hấp. Bánh sẽ có lớp thịt vàng óng như hoa cúc vạn thọ, nhân vàng xen kẽ những sợi dừa trắng. Dai, dẻo và dính, khi ăn phải dùng dao sắn mạnh từng lát.
Bánh su sê
Tương tự bánh phu thê song có nhiều màu, được làm từ bột năng nhào nước lá dứa lấy màu xanh, dành dành (vàng, đỏ)... quấy trên bếp đến khi đặc thì láng thành tấm, cắt khúc, đặt nhân đậu xanh, dừa sợi, dầu nành vào giữa, túm lại, rắc mè, đem hấp, để nguội, bọc bóng kính. Bánh dai, sựt, ngọt thơm.
Bánh tổ
Khoắng bột nếp sống với nước đường bát, gừng tươi, đổ vào rọ tre, bên trong đã lót lá chuối, hấp chín. Cái rọ này có đường kính khoảng 15 cm. Sau khi bánh chín, nong ra rắc mè và phơi nắng. Càng phơi bánh càng nỏ, khi cắt có thể phải xắn bằng dao. Bánh có hình tròn, và tùy lượng đường sẽ có màu trắng ngà đến nâu vàng, vị ngọt thanh. Bánh có thể ăn sống, nướng hoặc rán phồng.
Bánh ú tro
Đốt rơm nếp lấy gio, hòa nước đem ngâm gạo nếp một ngày và để ráo. Đồ đậu xanh, tán mịn, thắng đường. Cuốn lá chuối hình phễu, cho gạo vào, kế đó tới đậu, lại gạo, gói và buộc lạt, đem luộc. Vớt ra ngâm nước lạnh và buộc thành chùm. Bánh có hình chóp, to độ nắm tay, thịt trắng, nhân vàng, dẻo, dính.