Tôi có nghĩ đến việc cầu nguyện cho mẹ, nhưng không biết cách hay cầu cái gì. Xin Ni sư từ bi chỉ dạy.
Thật tuyệt vời khi bạn biết tìm cách để áp dụng Phật pháp vào hoàn cảnh hiện tại của mình. Bạn muốn giúp mẹ mình thật hiệu quả, thì bạn phải tự chế ngự nỗi buồn và sự bất lực của mình. Bạn có thể làm được điều đó bằng cách quán chiếu về sự bất lợi của luân hồi - sáu khổ, ba loại khổ (các hoàn cảnh bất như ý), tám cái khó của con người...
Thực hành các loại thiền quán này sẽ giúp bạn hiểu những gì đang xảy ra cho bạn, dầu không ưng ý, là số phận chung cho tất cả chúng sinh bị dính chấp trong luân hồi. Khi nào ta còn trong vòng sinh tử, tái sinh dưới ảnh hưởng của tâm uế nhiễm và nghiệp báo, thì hạnh phúc lâu dài không thể có được.
Ni sư Thubten Chodron - tác giả của bài viết này |
Thực sự thoát khỏi bệnh tật và đau buồn chỉ có thể xảy ra khi ta đã tự giải thoát bản thân ra khỏi vòng sinh tử qua việc ý thức được bản chất thực sự của sự việc. Hiểu được điều này sẽ giúp ta thêm năng lượng hướng đến sự giải thoát và làm giảm thiểu khuynh hướng nghĩ rằng ta có thể làm cho việc luân hồi được tốt đẹp hơn và không khổ đau.
Thêm nữa, hãy quán sát ý nghĩ và các cảm xúc của bạn. Bạn có thể ghi chúng xuống. Đừng bình phẩm, chỉ cần nhận biết chúng. Quán sát những gì đang xảy ra bên trong bạn, chấp nhận các cảm giác, nhưng đừng đắm chìm trong đó hay đuổi bám theo các câu chuyện đằng sau chúng. Tâm thích gợi ra nhiều câu chuyện về việc sự vật phải như thế nào. Nhưng chuyện ta nghĩ sự vật phải như thế nào và chuyện chúng thực sự là, rất khác nhau.
Chúng ta càng có thể chấp nhận thực tại của sự vật ở ngay giây phút hiện tại, chúng ta càng có thể dừng việc chống lại thực tại. Đôi khi thực tại không được như ý, nhưng nếu chúng ta chống lại nó, ta tạo thêm khổ cho mình. Than khóc rằng, “Mẹ tôi không được bệnh” không giúp bà khỏi bệnh. Nhưng khi bạn chấp nhận căn bệnh của mẹ, tâm bạn sẽ bình ổn hơn và do đó có thể đáp ứng các nhu cầu của bà.
Sau đó xem xét các ý nghĩ và cảm giác nào của bạn thuộc trạng thái tiêu cực - vô minh, si, sân - và cái nào thuộc trạng thái tích cực - tâm từ, bi mẫn, kiên nhẫn, rộng lượng và trí tuệ. Phân biệt giữa tư tưởng thực tiễn với thứ không thể nào trở thành hiện thực. Sau đó tự hỏi mình, “Có thể nhìn các hoàn cảnh này dưới khía cạnh khác không?”.
Trong lãnh vực này, nếu ta nghĩ, “Bồ-tát Quán Thế Âm sẽ đối diện với hoàn cảnh này như thế nào? Nếu Bồ-tát ở trong hoàn cảnh của tôi, người sẽ phản ứng như thế nào? Ngài sẽ nghĩ, cảm giác ra sao và sẽ giải quyết vấn đề theo cách nào?”. Suy nghĩ như thế sẽ rất hữu ích vì nó kéo ta ra khỏi quan điểm hẹp hòi của trầm cảm, nản chí.
Thiền quán về Bồ-tát Quán Thế Âm cũng rất hữu ích. Hãy hình dung ra Ngài trong không gian trước mặt, thân sáng hào quang. Trong khi chú niệm câu Om mani padme hum, tưởng tượng ra ánh sáng tuyệt đẹp tỏa ra từ Bồ-tát phủ tràn thân bạn, giải thoát bạn khỏi đau buồn, trấn an tâm bạn.
Ánh sáng đó cũng phủ trùm thân người mẹ, chữa lành bệnh cho bà và thanh tịnh các nghiệp đã tạo ra căn bệnh. Ánh sáng đó cũng phủ trùm tất cả chúng sinh, thanh tịnh các uế nhiễm, nghiệp báo và khiến họ cảm thấy tràn đầy tình thương và lòng bi mẫn. Ánh sáng đó cũng truyền cảm hứng cho bạn, mẹ bạn và tất cả mọi chúng sinh, giúp bạn có thể chứng thực được con đường đạo. Cuối cùng, tập trung vào tất cả mọi chúng sinh được phủ trùm với ánh sáng trí tuệ, bi mẫn của Quán Thế Âm và an trú trong thanh tịnh.
Thực hành thiền tonglen (cho và nhận) cũng rất hữu ích. Nó giúp mang đi khổ cùng nhân khổ - uế nhiễm và nghiệp - cho người mẹ. Bạn cũng có thể mang khổ và nhân khổ khỏi thân tương lai. Điều này giúp bạn chấp nhận bất cứ cảm giác gì của bạn và giải thoát bạn khỏi sự phán đoán bản thân. Sau đó mở rộng lãnh vực thiền quán với lòng bi mẫn, bạn gánh hết mọi khổ đau của tất cả chúng sinh và dùng nó để hủy diệt ngã chấp trong bạn, và với tình thương hãy quán tưởng rằng nó đang chuyển hóa, nhân rộng và ban tặng thân bạn, của cải, công đức của bạn đến chúng sinh, mang đến cho họ hạnh phúc và sự chứng đắc.
Đây là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn kết nối với mẹ một cách có ý nghĩa. Hãy thương yêu bà và biểu lộ tình thương đó với bà. Chính hành động đó sẽ giúp xoa dịu nỗi đau của bà. Dĩ nhiên là bạn sẽ làm tất cả những gì có thể để làm giảm cái đau thể xác cho mẹ, nhưng đừng mong rằng bạn có thể chấm dứt tất cả. Ngay cả Đức Phật cũng không thể làm thế! Thay vì chỉ mang cho bà sự thoải mái, hãy tạo không gian để bà có thể nói những điều bà quan tâm. Chỉ cần có thể bày tỏ những âu lo với người có thể lắng nghe với tất cả tấm lòng cũng đã tốt.
Dĩ nhiên là bạn cũng phải cảm thấy thoải mái khi nói về những vấn đề này. Đôi khi việc bàn về cái chết, những khó khăn về kinh tế, sự bất hòa trong gia đình trong quá khứ, vân vân, sẽ khiến ta bức xúc. Vì lý do đó, ta thường nhanh chóng đổi đề tài nếu người bệnh hay người sắp chết nêu lên vấn đề hay phủi gạt đi sự quan tâm của họ bằng cách nói, “đừng nói thế” hay “đừng lo lắng”.
Tuy nhiên, một số đề tài này rất quan trọng đối với họ nhưng thái độ khó chịu, thiếu khả năng lắng nghe của ta đã đóng lại con đường có thể giúp người đó giải tỏa được những vấn đề trọng yếu. Do đó, chúng ta cần sử dụng pháp hành với tất cả khả năng của mình để tự quán chiếu các vấn đề này, để ta cảm thấy tự tại khi thảo luận, trao đổi chúng với người khác. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là ta buộc người bệnh phải nói về một đề tài mà người đó chưa sẵn sàng để chia sẻ; nó chỉ có nghĩa là ta cần cởi mở, bình thản để nói về những đề tài mà người bệnh muốn nêu lên.
Ảnh minh họa |
Hãy hồi hướng công đức thực hành Pháp cho người bệnh. Việc cầu nguyện cho họ được bình an có thể giúp ta và người khác nữa. Đọc và quán niệm về Tứ vô lượng tâm - từ, bi, hỷ và xả - cũng rất hữu ích. Bạn có thể đọc Bốn tâm vô lượng cho mẹ nghe và hướng dẫn bà quán niệm về chúng cùng với bạn.
- Thật tuyệt vời nếu tất cả mọi chúng sinh đều an trú trong xả, giải thoát khỏi thành kiến, bám víu và sân hận. Cầu cho họ an trú nơi đó, con sẽ giúp họ an trú trong đó. Đức Thế Tôn, hãy giúp con có thể làm thế.
- Thật tuyệt vời nếu tất cả mọi chúng sinh đều được hạnh phúc và có nhân đưa đến hạnh phúc. Cầu cho họ được như thế. Con sẽ giúp họ được như thế. Đức Thế Tôn, hãy giúp con có thể làm thế.
- Thật tuyệt vời nếu tất cả mọi chúng sinh đều được thoát khỏi khổ đau và nhân đưa đến khổ đau. Cầu cho họ được giải thoát. Con sẽ giúp họ được như thế. Đức Thế Tôn, hãy giúp con có thể làm thế.
- Thật tuyệt vời nếu tất cả mọi chúng sinh không bao giờ mất sự tái sinh tốt đẹp và các điều lành cao thượng của sự giải thoát. Cầu cho họ được như thế. Con sẽ giúp họ được như thế. Đức Thế Tôn, hãy giúp con có thể làm thế.
Bạn cũng có thể bày tỏ niềm hy vọng, cầu mong sâu xa nhất cho mẹ và tất cả chúng sinh bằng cách nói của riêng mình. Thí dụ, bạn có thể nguyện:
- Cầu cho mẹ tôi được hoàn toàn khỏi bệnh, được gặp Phật pháp, thực hành Pháp, và nhanh chóng trở thành Phật giác ngộ.
- Nếu mẹ không khỏi bệnh hẳn, thì cầu cho mẹ có thể chấp nhận những giới hạn của mình mà vẫn có thể duy trì một đời sống có ý nghĩa bằng tâm từ bi.
- Nếu mẹ ra đi, cầu cho tâm mẹ thanh thản, an vui; cầu cho thân mẹ giải thoát khỏi sự đau đớn.
- Trong các kiếp tái sinh, cầu cho mẹ được gặp Phật pháp và có đủ duyên lành để thực hành Pháp.
- Cầu cho mẹ chuyển hóa tâm trong trí tuệ, từ bi và trở thành Phật vì lợi ích của chúng sinh.
- Trong các kiếp tương lai, dù mẹ và con gặp nhau trong hình thể nào, cầu cho chúng ta giúp đỡ nhau để tạo nghiệp lành và giúp đỡ nhau trên con đường giác ngộ.
Tỳ-kheo-ni Thubten Chodron
(Chuyển ngữ từ Dealing With Life’s Issues, A Buddhist Perspective)